TP.HCM: Thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận, huyện
Theo UBND TP.HCM, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của các Đội Thanh tra địa bàn các quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM.
Tiếp nhận chức năng thực thi quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND các quận, huyện; tiếp nhận chức năng thực thi quản lý vệ sinh môi trường lòng, lề đường, nơi công cộng trên địa bàn các quận, huyện thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND các quận, huyện.
Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện là tổ chức hành chính trực thuộc UBND các quận, huyện, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND các quận, huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Sở Xây dựng; có trụ sở làm việc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước, được trang bị phương tiện làm việc cần thiết theo quy định của pháp luật.
Phá dỡ công trình xây dựng không phép trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM. |
Về chức năng, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND sẽ tham mưu, giúp UBND các quận, huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng lề đường, nơi công cộng trên địa bàn và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chủ tịch UBND các quận, huyện giao.
Về biên chế, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND sẽ tiếp nhận nguyên trạng biên chế của Đội Thanh tra địa bàn các quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và biên chế công chức thực hiện chức năng trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng, lề đường, nơi công cộng của Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND thành các quận, huyện.
Theo UBND TP.HCM: Vi phạm trật tự xây dựng ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao; mỗi năm hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phát hiện và xử lý. Đặc biệt đến năm 2019, mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng hơn 28% so với năm 2018 (năm 2017 có bình quân 7,8 vụ sai phạm/ ngày; năm 2018 có bình quân 6,6 vụ/ ngày; 6 tháng đầu năm 2019, bình quân 8,5 vụ/ ngày). Những công trình vi phạm về trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiệm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Số vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố được kéo giảm trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định để phân lô, bán nền nhằm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp dẫn đến tình hình xây dựng không phép trên một số địa bàn ngoại thành có diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ, tiện ích… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Từ năm 2014 – 2019, tổng số công trình xây dựng không phép trên địa bàn Thành phố là 8.551 công trình, chiếm 71% trên tổng số công trình vi phạm trên toàn Thành phố. Giai đoạn 2019 – 2023 là 2.699 công trình, bình quân 1,8 vụ/ ngày, giảm 6,7 vụ/ ngày, tỷ lệ giảm là 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm 9 tháng đầu năm 2019.
Hiện nay lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng lớn nhưng lại bố trí phân tán, số lượng người tại khối cơ quan Sở Xây dựng và 22 Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện khác nhau dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư tình cảm và công tác quản lý, giáo dục công chức, Thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời, còn hạn chế; các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan trong lực lượng Thanh tra xây dựng phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn nhiều.
Cơ cấu, tổ chức của Đội Thanh tra địa bàn 21 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM bao gồm: Đội trưởng, không quá 3 Đội phó, thanh tra viên và các công chức. Đội Thanh tra địa bàn các quận, huyện chịu sự quản lý về mặt chính quyền của Sở Xây dựng; chịu sự chỉ đạo về công tác Đảng của quận, huyện ủy. Theo biên chế được giao năm 2023, Đội Thanh tra địa bàn các quận, huyện là 713 biên chế.
Xử lý, kỷ luật hơn 880 thanh tra xây dựng Theo UBND TP.HCM: Giai đoạn 2013 – 2023, trên địa bàn Thành phố đã có 884 thanh tra xây dựng bị xử lý, kỷ luật. Cụ thể: -Năm 2013 Thành phố có 47 trường hợp là thanh tra xây dựng, trong đó khiển trách 30 trường hợp, phê bình rút kinh nghiệm 17 trường hợp. -Năm 2014 có 97 trường hợp, trong đó cảnh cáo 4 trường hợp, khiển trách 52 trường hợp, phê bình rút kinh nghiệm 40 trường hợp, xử lý kỷ luật, hình thức buộc thôi việc 1 trường hợp. -Năm 2015 Thanh tra Sở Xây dựng có 44 trường hợp, trong đó cảnh cáo 2 trường hợp, khiển trách 9 trường hợp, phê bình rút kinh nghiệm 33 trường hợp. -Năm 2016 có 77 trường hợp, trong đó buộc thôi việc 1 trường hợp, hạ bậc lương 3 trường hợp, cảnh cáo 15 trường hợp, khiển trách 29 trường hợp, phê bình rút kinh nghiệm 28 trường hợp, 1 trường hợp công chức Đội Thanh tra huyện Nhà Bè bị khởi tố trách nhiệm hình sự. -Năm 2017 có 77 trường hợp, trong đó phê bình 56 trường hợp, buộc thôi việc 6 trường hợp, cảnh cáo 3 trường hợp, khiển trách 8 trường hợp, hạ bậc lương 4 trường hợp. -Năm 2018 có 29 trường hợp, trong đó phê bình 16 trường hợp, buộc thôi việc 2 trường hợp, cảnh cáo 3 trường hợp, khiển trách 8 trường hợp. -Năm 2019 có 40 trường hợp, trong đó buộc thôi việc 4 trường hợp, hạ bậc lương 1 trường hợp, cảnh cáo 6 trường hợp, khiển trách 15 trường hợp, phê bình 14 trường hợp. – Năm 2020 có 68 trường hợp, trong đó phê bình 30 trường hợp, khiển trách 25 trướng hợp, cảnh cáo 10 trường hợp, hạ bậc lương 1 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, buộc thôi việc 1 trường hợp. -Năm 2021 có 205 trường hợp, trong đó phê bình 175 trường hợp, khiển trách 24 trường hợp, cảnh cáo 3 trường hợp, buộc thôi việc 2 trường hợp, tạm đình chỉ công tác 1 trường hợp. -Năm 2022 có 138 trường hợp, trong đó phê bình 91 trường hợp, khiển trách 23 trường hợp, cảnh cáo 16 trường hợp, hạ bậc lương 6 trường hợp, giáng chức 1 trường hợp, buộc thôi việc 1 trường hợp. -Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 62 trường hợp, trong đó thông báo phê bình 47 trường hợp, khiển trách 11 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, buộc thôi việc 3 trường hợp. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô