TP.HCM: Ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng”
Theo đó, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” được thành lập gồm 19 thành viên trong 19 hộ gia đình liền kề nhau ở Hẻm không số, tổ 4A, khu phố 1, phường An Phú Đông. Mô hình hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản nhằm tập hợp các hộ kinh doanh, hộ gia đình huy động sức dân cùng phối hợp, hỗ trợ trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và an ninh, trật tự.
Mỗi hộ sẽ tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ, nút ấn báo cháy, chuông báo cháy được kết nối liên thông để khi có sự cố tại một nhà thì tất cả các nhà khác đều biết để hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức chữa cháy.
Lãnh đạo phường An Phú Đông tặng phương tiện chữa cháy cho các hộ dân tại lễ ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng”. |
Trung tá Nguyễn Văn Ngõ, Trưởng Công an phường An Phú Đông cho biết, điểm đặc biệt của mô hình này ở chỗ, mỗi hộ được lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút đặt bên trong nhà và 1 nút đặt bên ngoài). Tại mỗi hộ gia đình được trang bị 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ.
Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau để khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình đều kêu, từ đó các hộ gia đình đều biết để hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức chữa cháy.
Các thành viên hộ gia đình trong tổ liên gia được hướng dẫn và cài đặt, sử dụng thành thạo App “Báo cháy 114” và “Help 114”. Trong đó, danh sách thành viên trong tổ liên gia được cập nhật để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Ngay sau lễ ra mắt, các hộ dân cùng lực lượng chức năng diễn tập phương án chữa cháy tại khu dân cư. |
“Căn cứ vào điều kiện thực tế, tổ liên gia có thể được trang bị thêm các phương tiện chữa cháy khác: Bình chữa cháy đặt dọc theo đường ngõ; khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị vòi, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng, vòi chữa cháy”, Trung tá Nguyễn Văn Ngõ cho biết.
Mô hình còn có “Điểm chữa cháy công cộng” được lắp đặt 1 hộp phương tiện chữa cháy, bên trong có 2 bình chữa cháy xách tay và xà beng, kìm cộng lực. Trong trường hợp khi xảy ra cháy lực lượng tại chỗ có thể xử lý và dập tắt kịp thời thì có thể kéo giảm thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất. Đây cũng là lực lượng có thể tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất.
Tổ vận hành xe chữa cháy mini diễn tập chở bình chữa cháy đến khu vực xảy ra hoả hoạn. |
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông cho biết, khu vực triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” là hẻm nhỏ, có nhiều nhà cấp 4 liền kề nhau, nên nguy cơ xảy ra hoả hoạn cao, do vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC đặc biệt được coi trọng hàng đầu.
“Đối với mô hình này, người dân trong hẻm có thể chung tay dập tắt hoặc hạn chế đám cháy khi hoả hoạn vừa mới xảy ra, tránh tình trạng khi lực lượng chức năng tới thì đám cháy đã bùng lên quá lớn. Qua đó, giúp giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực”, bà Võ Thị Ngọc Lan chia sẻ thêm.
Nguồn: Báo lao động thủ đô