TP.HCM: Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững và hội nhập quốc tế

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM nhiệm kỳ 2018-2023 Nguyễn Thanh Xuân cho biết, thời gian qua với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, văn minh, phát triển”, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Thành phố đã phát huy mạnh mẽ truyền thống nhân ái – nghĩa tình, cùng TP.HCM tích cực phòng, chống và vượt qua đại dịch Covid-19.

Ở từng thời điểm, Hội đã linh hoạt đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế. Phát huy các phong trào: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng chất và đạt hiệu quả tích cực.

TP.HCM: Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững và hội nhập quốc tế
Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM nhiệm kỳ 2018 – 2023 Nguyễn Thanh Xuân phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Hội Nông dân TP.HCM.

Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM được chuyển đổi từ nhận vốn ủy thác sang cấp vốn điều lệ đã phát huy hiệu quả vai trò trợ lực cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành những mô hình hoạt động hiệu quả, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo, thu nhập ổn định, kinh tế phát triển.

Đáng chú ý, từ thực tiễn phong trào đã có nhiều gương cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, nhiều giải pháp sáng tạo, mô hình hiệu quả đã được lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Qua đó, trở thành động lực khích lệ, động viên hàng ngàn hội viên nông dân không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, từng bước hình thành giá trị mẫu người nông dân TP.HCM thời kỳ mới.

TP.HCM: Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững và hội nhập quốc tế
Các đại biểu tham quan các khu vực triển lãm tại Đại hội. Ảnh: Hội Nông dân TP.HCM.

Đại hội cũng bàn giải pháp để tổ chức hội phát triển ngày càng vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc, tập hợp, đoàn kết và chăm lo tốt nhất cho cán bộ, hội viên nông dân; là nơi khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người nông dân; nơi lan tỏa sâu rộng giá trị không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tôn vinh những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các giá trị văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa, con người Thành phố.

Với tinh thần “Đoàn kết – Đổi mới – Văn minh – Phát triển”, Đại hội xác định phương hướng chung là xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh toàn diện; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân TP.HCM trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

TP.HCM: Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững và hội nhập quốc tế
Toàn cảnh Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ảnh: Hội Nông dân TP.HCM.

Trong đó, tập trung xây dựng Hội Nông dân TP.HCM vững mạnh về chính trị, tổ chức và hành động, là trung tâm đoàn kết, nòng cốt của phong trào nông dân và giai cấp nông dân tại TP.HCM. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn…

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Hội Nông dân TP.HCM đã đề ra nhiều chỉ tiêu quan trọng, gồm: Có 100% cán bộ Hội, hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Hội; Kết nạp từ 7.000 hội viên nông dân mới trở lên; Thành lập mới 30 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 200 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

Đồng thời, hàng năm có từ 97% cơ sở Hội và 90% chi hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Phấn đấu bồi dưỡng, tạo nguồn 500 hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng và có ít nhất 150 hội viên ưu tú được kết nạp Đảng; có 100% chi Hội đảm bảo quỹ hoạt động của Hội; trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 6.000 hội viên trở lên, tỷ lệ hội viên có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ 90%…

Ngoài ra, Đại hội cũng đề ra 6 đề án, 3 công trình và 2 chương trình.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích