Tp.HCM: Nguồn cung hàng hóa dồi dào, tìm cách tiếp cận người tiêu dùng
Cam kết ổn định trước và sau Tết
Cuối tháng 1/2024, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịp Tết năm nay, nguồn hàng phục vụ có những thuận lợi về thời tiết nên sản lượng hàng hóa sản xuất rất cao.
Mặt khác, năm nay có đến 45 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá. Đây là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm, có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng.
Cũng theo ông Phương, lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị tới nay có tổng giá trị lên đến 22.000 tỷ đồng, trong đó riêng hàng bình ổn thị trường là 8.000 tỷ đồng…
“Các doanh nghiệp cũng cam kết giữ ổn định giá một tháng trước và sau Tết. Sức mua hiện chưa tăng cao, nhưng sẽ tăng dần đến thời điểm cận Tết”, ông Phương nói.
Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), sản lượng thực phẩm chế biến mùa tết năm nay tăng khoảng 5% so với năm ngoái, với gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, 3.800 tấn thực phẩm chế biến với tổng giá trị hàng hóa hơn 540 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, nguồn dự trữ hàng hóa phục vụ tết dao động từ 10% – 20% sản lượng hàng hóa nhằm dự phòng trường hợp thiếu hụt trong những ngày giáp tết.
Ghi nhận từ các chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh, các mặt hàng rau củ, trái cây… phục vụ tết khá dồi dào, giá ổn định, không có tình trạng tăng giá vì tết…
Nhiều khách hàng cho biết, năm nay, một số siêu thị thuộc chuỗi bán lẻ Saigon Co.op, GO!, Satra, MM Mega Market… tung ra thị trường khá nhiều chủng loại hàng hóa cùng những giỏ quà bình dân giúp người mua dễ tiếp cận. Số hàng này cũng được cho là phù hợp với túi tiền và thị hiếu của người tiêu dùng.
Tại một số gian hàng bánh, kẹo, mứt ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, thời điểm này khách ra vào mua, bán khá tấp nập.
Chị Nguyên Thị Hồng, chủ quầy bán hàng nông sản khô, bánh mứt, kẹo cho biết, thời điểm này sức mua tại các chợ tăng từ 5% – 10% so với ngày thường, tuy vậy, giá bán vẫn ổn định so với các năm trước. Chẳng hạn, giá sỉ đối với mứt me 165.000 – 170.000 đồng/kg, củ năng 120.000 – 130.000 đồng/kg, nho lớn 155.000 – 160.000 đồng/kg.
Sức mua tại một số siêu thị, trung tâm thương mại như MM Mega Market, Gigamall, GO!, Co.opmart… tăng đáng kể, nhất là vào chiều tối.
Tại một số siêu thị trung tâm người mua phải xếp hàng chờ đợi, nhất là vào khoảng chiều tối, điều này dự báo sức mua các loại hàng hóa phục vụ tết tại Thành phố này đang “ấm” dần lên trong những ngày giáp Tết.
Để góp phần ổn định giá bán, các kênh phân phối hiện đại ở thành phố Hồ Chí Minh (48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị, hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi) đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá ưu đãi, phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn.
Song song đó, các đơn vị cũng sẵn sàng phương án tăng lượng hàng gấp 2 – 3 lần so với bình thường; kéo dài thời gian bán hàng (tới đêm khuya) để người dân thoải mái sắm tết.
Thay đổi kinh doanh theo xu hướng tiêu dùng
Trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia Phạm Trọng Chinh đã chia sẻ nhiều xu hướng mới cần và nên phát triển trong việc kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Đó là những nội dung liên quan đến các xu hướng người mua hàng (shopper), kênh bán hàng (channel), cũng như thách thức cho quản lý hệ thống phân phối và quản lý hệ thống này (HTPP).
Trong đó, một số điểm lưu ý như, chiến lược phân phối không thể làm trong vài tháng, mà nên làm kéo dài hàng năm. Một số nhãn hàng, họ có những chiến lược phân phối tập trung cửa hàng hiện có, không nhất thiết mở rộng ra.
Bên cạnh đó, các kênh từ siêu thị đến các chợ truyền thống cần có những chiến lược khác nhau, từ danh mục sản phẩm, chương trình khuyến mãi, chiết khấu… Vì vậy, không bao giờ có một chương trình khuyến mãi cho tất cả các kênh.
Chuyên gia Phạm Trọng Chinh nhấn mạnh, người mua hàng hiện nay họ ngày càng năng động và phức tạp. Người tiêu dùng có nhiều kênh mua sắm hơn, họ là những hộ gia đình nhỏ hơn, có thu nhập cao hơn, trong đó nổi lên nhóm người mua hàng ở cận thành thị đang phát triển mạnh.
Cùng với đó, khi mua sắm họ cũng muốn có nhiều hơn những trải nghiệm, về: Sản phẩm mới, dịch vụ mới, họ cũng chính là những người quảng bá, mô tả, lại chính sản phẩm của doanh nghiệp khi họ mua về và chia sẻ điều này với bạn bè… Đồng thời việc mua hàng cũng diễn ra nhanh hơn, và họ thích giao hàng tại nhà.
Một số yếu tố sản phẩm mà người dùng quan tâm hơn là ở yếu tố cân bằng và hạnh phúc, cho nên họ quan tâm đến sản phẩm có dinh dưỡng bổ sung, tốt cho sức khỏe cá nhân, gia đình…
“Do đó những sản phẩm manh tính “xanh” hơn, thân thiện môi trường đang được ưa chuộng, họ quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm, nhất là có sự thay đổi điều này trong quyết định mua hàng ở những người trẻ”, chuyên gia Phạm Trong Chinh nói.
Từ một số thay đổi trên, ông Chinh đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp, cần tìm kiếm các thị trường ngách ít bị “để ý” bởi doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó là cần đâu tư cho thị trường cận thành thị, nơi có càng nhiều các gia đình trẻ mua nhà ở khu vực rìa thành phố để sinh sống.
Theo chuyên gia Phạm Trọng Chinh, “cũng nên có những ”yếu tố vùng miền” trong phân khúc sản phẩm của mình, và trong kế hoạch, pháp marketing/trade marketing cần quan tâm đến sự trải nghiệm của người dùng, nhất là những yếu tố trải nghiệm trong lĩnh vực cộng nghệ”.
Xét riêng về những yếu tố sử dụng công nghệ mới trong phân phối, theo chuyên gia Phạm Trọng Chinh, rất nên tập trung vào OMNI Channel, O2O, livestreaming… Tuy nhiên cần phải trang bị, đào tạo để đội ngũ nhân viên bán hàng cần phải sẵn sàng với chuyển đổi số
Đồng thời, xu hướng tiếp theo là AI, Việt Nam chưa mạnh nhưng đang và sẽ phát triển trong tương lai, trong đó, Chatbox là kênh mà các nước trên thế giới đã khai thác. Có 2% doanh nghiệp trên toàn cầu dùng trong việc kinh doanh, tư vấn, mua hàng trực tiếp trên Chatbox.
Trong xu hướng mua sắm kết hợp giải trí, nổi lên là livestreaming bán hàng, game hóa bán hàng, là những mảng tiềm năng và Việt Nam đang phát triển tốt. Trong đó, livestreaming là một trong những hình thức mà khách hàng thích trong xu hướng này. Họ nói được đặc tính sản phẩm mà trên nhãn của nhà sản xuất không có, và người xem tin vào điều này.
Theo Người Đưa Tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu