TP.HCM: Khả năng thiếu hụt lao động lớn khi người lao động “bỏ phố về quê”

TP.HCM: Khả năng thiếu hụt lao động lớn khi người lao động “bỏ phố về quê”

MTĐT –  Thứ ba, 05/10/2021 15:29 (GMT+7)

Tác động của dịch Covid-19 lần thứ tư đến doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam vô cùng lớn. Áp lực khi thất nghiệp, áp lực duy trì sinh tồn khiến họ đầu hàng sau thời gian dài giãn cách.

tm-img-alt
Người lao động rời TP HCM về quê sau những ngày giãn cách. Nguồn: internet

Có một nghịch lý đang tồn tại, đó là chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10/2021, đã có khoảng 60.000 công nhân từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10, có 5.247 doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh hoạt động trở lại; hơn 25.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quý IV/2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 43.600-56.600 người.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng 288.000 công nhân làm việc tại doanh nghiệp thuộc Ban quản lý.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm nhân công để thực hiện làm việc theo phương thức ăn, nghỉ, làm tại chỗ (3 tại chỗ) hoặc “2 cung đường, 1 điểm đến”, nên tính đến đầu tháng 10/2021, con số này chỉ còn khoảng 135.000 người, bằng 46% tổng số công nhân trước dịch.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, chia sẻ:“Tác động của dịch Covid-19 lần thứ tư đến doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam vô cùng lớn”.

Không chỉ những người mất việc, mà cả người lao động đang có việc cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch. Việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng giấy đi đường đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp đang loay hoay trong việc thực hiện thủ tục xin giấy đi đường cho người lao động. Bởi việc di chuyển giữa các huyện, thị xã thành phố phải được sự đồng ý của 2 địa phương nơi đi và nơi đến. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không thể đưa công nhân vào nhà máy để sản xuất.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.HCM chiếm 98%, nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông…. Trong đó, nhiều doanh đang chật vật để trụ lại nhưng nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận phá sản, rút tên khỏi thị trường.

Cho nên, để đảm bảo nguồn cung lao động, các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất UBND 4 tỉnh giáp ranh là Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai cho phép người cư trú trên địa bàn có đủ điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải được đi lại hằng ngày để làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh; thống nhất tiêu chí đón người lao động từ ngoài vùng vào làm việc. Theo đó, những người lao động cần được địa phương nơi đi đồng ý cho đi; có đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi đến tiếp nhận.

UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các chuyến xe, chuyến tàu đưa người lao động trở lại thành phố làm việc theo từng đoàn, bảo đảm an toàn phòng dịch./.

Thanh Mai (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích