TP.HCM hồi sinh mạnh mẽ: Dấu ấn chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế
Bên cạnh nỗ lực vượt khó của người dân, doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và TP.HCM được xem là nhân tố quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế ở thành phố mang tên Bác.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN) |
Từ mức tăng trưởng âm kỷ lục 24% vào quý 3/2021, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự hồi phục, bứt phá mạnh mẽ chỉ sau một năm khi GRDP đạt 9,67% trong 9 tháng của năm 2022.
Bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh được xem là nhân tố quan trọng trong quá trình phục hồi này.
Loạt chính sách hỗ trợ
Đầu tháng 10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức mở cửa, khôi phục dần các hoạt động kinh tế-xã hội sau 5 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19.
Việc dịch bệnh lan rộng diễn biến phức tạp, cộng với chính sách giãn cách xã hội kéo dài đã khiến nền kinh tế rơi vào trì trệ, đứt gãy nguồn cung ứng. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ không thể phục hồi sản xuất do các nguồn lực đã cạn kiệt, phải đối mặt xử lý các khoản nợ, đứt gãy dòng tiền.
Trong bối cảnh đó, một loạt chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chống chịu qua giai đoạn khó khăn do Quốc hội, Chính phủ ban hành đã ra đời, trong đó có chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ lãi suất của ngành ngân hàng; chính sách gia hạn, miễn giảm thuế; chính sách cho vay trả lương người lao động…
Đặc biệt, chính sách về cơ cấu lại nợ; về miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp; chính sách tỷ giá và các chương trình tín dụng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, các ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng của dòng vốn tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ngành Ngân hàng đã tập trung hỗ trợ giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Tính đến cuối tháng 8/2022, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp về miễn giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ và cho vay mới lãi suất thấp với dư nợ trên 527.990 tỷ đồng. Song song đó, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã thực hiện được với số tiền hơn 336.118 tỷ đồng cho vay 26.790 khách hàng.
Đây là gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, được các ngân hàng đăng ký tham gia cho vay đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn.
Ngoài chính sách hỗ trợ từ ngành ngân hàng, trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thông qua ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã được hỗ trợ với số tiền ước tính gần 4.700 tỷ đồng.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng và kịp thời. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đã được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ như giãn nợ, chậm nộp thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, trợ cấp người lao động… Qua đó, nhiều doanh nghiệp ổn định dòng tiền, có thêm nguồn lực để phục hồi.
Thực tế, việc tiếp thêm trợ lực cho doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đáng chú ý, dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến cuối tháng 9 đạt khoảng 76.271 tỷ đồng, giảm mạnh gần 50% so với cuối năm 2021.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, dư nợ cơ cấu giảm mạnh là diễn biến rất tích cực, chứng tỏ các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả và thiết thực với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ phục hồi sản xuất kinh doanh, có thu nhập, có dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Đồng thời, điều này tác động tích cực trở lại đối với hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Một kết quả khảo sát công bố gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sau hơn một năm mở cửa, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang dần ổn định, bắt đầu tăng trưởng trở lại khi có tới 26% số doanh nghiệp xác nhận doanh thu đang tăng. Số lượng doanh nghiệp có doanh thu giảm chỉ chiếm tỷ lệ tối thiểu 17%.
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn ở mức 57%. Với sự trợ lực tích cực từ các gói hỗ trợ, niềm tin doanh nghiệp tăng lên đáng kể khi có tới 21% doanh nghiệp tin tưởng sẽ có lợi nhuận tăng hơn các năm trước. Đây được xem là những tín hiệu lạc quan, thể hiện tinh thần vượt khó để phục hồi mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.
Tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp “cất cánh”
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các chính sách hỗ trợ ban hành rất nhanh và kịp thời, nhưng công tác triển khai nhìn chung có phần chậm nên kết quả thụ hưởng không đạt kỳ vọng.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Cụ thể như chính sách gia hạn nộp thuế qua các năm của doanh nghiệp được đánh giá cao nhưng kết quả cũng rất thấp, chỉ có 21% doanh nghiệp được thụ hưởng; chỉ có 7% doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay.
Riêng chính sách hỗ trợ vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp tiếp cận được ở mức độ rất thấp, chỉ có 1% doanh nghiệp thụ hưởng. Hiện vẫn có tới 31% doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, trong khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao…
Bà Trần Diệu Canh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại cơ khí Tân Thanh cho biết, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về ổn định nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp rất phấn khởi khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% sẽ được triển khai. Tuy nhiên, đến nay chưa có ngân hàng nào cho doanh nghiệp vay.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; đồng thời, xem xét nới lỏng điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp theo hình thức tín chấp nhưng căn cứ trên dòng thu, thương hiệu, khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp, để các đơn vị bổ sung vào nguồn vốn lưu động, phục vụ cho hoạt động kinh doanh do hiện tại các tài sản đã thế chấp trong thời gian dịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp mong muốn thành phố tập trung tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường để đồng hành cùng doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, phát triển trong chặng đường dài.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Thành phố tiếp tục đi đầu và cùng cả nước siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất ở tất cả sở, ban, ngành trên mọi lĩnh vực. Từ đó, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là tiền đề giúp chính quyền triển khai nhanh, hiệu quả và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận những nguồn lực từ các gói hỗ trợ khôi phục.
Trong các buổi làm việc, tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.
Hiện thành phố đang tập trung tháo gỡ nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông vào trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng… Các giải pháp trên được kỳ vọng sẽ là bước đệm cho doanh nghiệp thành phố phục hồi và “cất cánh” trong thời gian tới./.
Nguồn: Báo xây dựng