TP. HCM góp ý Dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020

TP. HCM góp ý Dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020

MTĐT –  Thứ năm, 21/10/2021 10:31 (GMT+7)

Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin giới thiệu bản góp ý vào dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ Môi trường 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

I. Ý KIẾN CHUNG
Trước đây, khi nghiên cứu Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (trong thời gian Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết), Sở TNMT TP HCM cũng đã có văn bản số 4526/STNMT-PC ngày 11/6/2021 gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành quan tâm hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020.

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị định, Sở TNMT nhận thấy các ý kiến của Sở TNMT nêu tại Công văn số 4526 nêu trên đã được Bộ TNMT ghi nhận và đã đưa vào trong dự thảo Nghị định hướng dẫn lần này.

VỀ BỐ CỤC: Nghị định gồm 13 chương 197 điều và các Phụ lục kèm theo.  Dự thảo Nghị định đã quy định khá chi tiết các Điều thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định trong Luật BVMT năm 2020, qua nghiên cứu dự thảo Nghị định Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất về tổng thể dự thảo Nghị định.

Với việc tiếp cận dự thảo Nghị định trong thời gian ngắn, trước mắt Sở TNMT có một số ý kiến góp ý tại Hội nghị, song song STNMT sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu và có văn bản góp ý gửi Bộ TNMT (qua Tổng Cục Môi trường) trước ngày 20/7/2021 theo Văn bản 3634/BTNMT-TCMT ngày 02/7/2021 của BTNMT.

II. CÁC Ý KIẾN GÓP Ý TẠI HỘI NGHỊ NHƯ SAU:

Phần 1: VỀ LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tại Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1.    Giải thích từ ngữ (Điều 3)
 Tại khoản 1 dự thảo: “1. Hệ thống thoát nước gồm mạng lưới thoát nước (đường ống, cống, kênh, mương, hồ điều hòa), các trạm bơm thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải, tiêu thoát nước mưa, nước thải, chống ngập úng và xử lý nước thải”.

Ý kiến góp ý: Đề xuất bổ sung, chỉnh sửa như sau: “1. Hệ thống thoát nước gồm mạng lưới thoát nước (đường ống, cống, sông, suối, kênh, rạch, mương, hồ), các trạm bơm thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải, tiêu thoát nước mưa, nước thải, chống ngập úng và xử lý nước thải.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với cụm từ “thay đổi công nghệ xử lý chất thải”.

–    Tại Khoản 18 dự thảo quy định: “Sản phẩm nhựa sử dụng một lần là sản phẩm nhựa thường chỉ được sử dụng một lần”.

Ý kiến góp ý:  Đề xuất bổ sung “Sản phẩm nhựa sử dụng một lần là sản phẩm nhựa thường chỉ được sử dụng một lần theo khuyến cáo của nhà sản xuất”

tm-img-alt
“Sản phẩm nhựa sử dụng một lần là sản phẩm nhựa thường chỉ được sử dụng một lần theo khuyến cáo của nhà sản xuất”. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 Tại khoản 23 Điều 3 dự thảo: “23. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này là cơ quan trực thuộc giúp việc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác quản lý môi trường.

Ý kiến góp ý: Theo Điều 1, Thông tư liên tịch số 50/2014/TT-BTNMT-BNV ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng  Bộ Nội vụ:  Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, đảo); quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở.

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014 (tại điểm d khoản 1 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Cơ quan chuyên môn về xây dựng là cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.”.

Theo khoản 3 Điều 51, Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020:

3. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép  môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường và thực hiện công tác bảo vệ  môi trường khác của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 02 cơ quan trực thuộc giúp việc cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường là Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. 

Do đó, giải thích cụm từ “Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này là cơ quan trực thuộc giúp việc…” chưa được phù hợp và thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; dẫn đến sẽ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác triển khai nội dung Nghị định vào một số công tác quản lý môi trường có liên quan.

2.    Tại Chương III. PHÂN VÙNG MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

2.1.    Tại Điều 21, quy định chung về phân vùng môi trường:
    – Tại Điểm a, khoản 3 dự thảo:  đã quy định về “Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm: a) Nội thành, nội thị của các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị” và  tại Điểm a, Khoản 4 dự thảo quy định về vùng hạn chế phát thải bao gồm: Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt quy định tại khoản 3 Điều này (nếu có).

Ý kiến  góp ý: Cần quy định cụ thể để xác định “vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt của nội thành, nội thị của các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị”.

2.2.    Tại khoản 1 Điều 26:

 Theo Dự thảo:  1. Trong thời hạn tối đa 24 (hai mươi bốn) tháng, kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau thời hạn này, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.

 Ý kiến  góp ý: Đề nghị điều chỉnh xuống còn 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày có thông báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Lý do: 

 Theo quy định pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu; 

 Thời gian hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ dự án kéo dài, dẫn đến khó khăn trong công tác theo dõi, lưu giữ và giải quyết thủ tục hành chính chưa kể có khả năng sẽ có sự thay đổi đối với các đối tượng có khả năng bị tác động trong dự án so với ĐTM đã trình

Ngoài ra, tại Khoản 2, mục b và d có nội dung “…làm thay đổi yếu tố nhạy cảm về môi trường, khả năng chịu tải của môi trường…”, đề nghị có quy định cụ thể việc thay đổi như thế nào mới thuộc đối tượng phải lập lại ĐTM theo quy định tại điều này.

–    Đồng thời, tại Khoản 4 quy định: chủ dự án tự chịu trách nhiệm với những thay đổi, đề nghị bổ sung cụ thể quy định “chủ dự án có cần phải có công văn thông báo đến cơ quan phê duyệt ĐTM trước khi thực hiện những thay đổi theo quy định tại khoản này”.

2.3.    Tại Điều 38. Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường:

 Theo khoản 2:
 Dự thảo: a) Căn cứ vào giấy phép môi trường đã được cấp, chủ dự án đầu tư trước khi thực hiện vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án đầu tư hoặc cho từng phân kỳ đầu tư dự án (nếu có) phải lập kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án theo mẫu Phụ lục 31 ban hành kèm theo Nghị định này.

 Ý kiến góp ý: Đề nghị cần quy định cụ thể thời gian thực hiện và gửi kế hoạch vận hành thử nghiệm đến  cơ quan quản lý.

 Theo khoản 3:

 Dự thảo: Thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải tối đa 06 (sáu) tháng, kể từ thời điểm bắt đầu vận hành thử nghiệm.

 Ý kiến góp ý: Đề nghị bổ sung hướng dẫn quy định cụ thể quy mô, công suất hoạt động thử nghiệm của dự án tại thời điểm vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải để có thể đánh giá được hiệu quả xử lý.

 Tại Khoản 7 dự thảo: Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện nơi triển khai dự án là a) tiếp nhận, xử lý b) giám sát. Như vậy, khi dự án kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm, cơ quan chuyên môn có phải ban hành văn bản thông báo về việc kết thúc hoặc thông báo kết quả quá trình vận hành thử nghiệm của dự án? Đề nghị có bổ sung cụ thể quy định này.

 Tại Khoản 8 dự thảo: “Trước khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm 30 ngày, chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng phải vận hành công trình xử lý chất thải trừ các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường phải lập báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm theo Phụ lục 32 ban hành kèm theo Nghị định này, tự chịu trách nhiệm đối với kết quả vận hành thử nghiệm theo quy định” như vậy kết quả báo cáo không bao gồm 30 ngày vận hành cuối cùng (trong đó bao gồm 7 ngày vận hành ổn định), đề nghị xem xét lại thời gian nộp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm, cùng với khoản 7 cũng không quy định việc thông báo kết quả vận hành thử nghiệm, như vậy văn bản nào xác minh việc dự án đã kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm.

 Theo khoản 10:

 Dự thảo: Trường hợp phải vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải để hiệu chỉnh công nghệ đảm bảo đáp ứng yêu cầu của giấy phép môi trường đã được cấp, chủ dự án đầu tư phải có văn bản báo cáo cơ quan cấp giấy phép môi trường để xem xét, chỉ được vận hành thử nghiệm lại sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan cấp giấy phép môi trường.Việc vận hành thử nghiệm lại được thực hiện như vận hành thử nghiệm lần đầu và thực hiện không quá 01 (một) lần.

 Ý kiến góp ý: Đề nghị hướng dẫn cách giải quyết đối với trường hợp dự án đã thực hiện vận hành thử nghiệm lại công trình nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

3.    Những nội dung khác kiến nghị hướng dẫn thêm:

 Bổ sung Biểu mẫu liên quan đến công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành  kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

 Tại điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật BVMT quy định “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn  36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ  ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn”. 

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định chưa có hướng dẫn trình tự thủ tục đối với “Dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường; Dự án đầu tư không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, chủ dự án đầu tư gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường” nhưng chưa hướng dẫn trình tự thủ tục đối với các dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM trước đây hoặc các giấy phép môi trường có pháp lý tương đương (đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường,…) đã được cơ quan chức năng phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2022; Trường hợp bổ sung các thủ tục này cho các nhóm đối tượng nêu trên thì cần bổ sung các nội dung nêu trên vào các phụ lục kèm theo của dự thảo.

Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể:

    Thời điểm chủ đầu tư thực hiện thủ tục giấy phép môi trường sau khi   phê duyệt ĐTM. Nếu một trong các giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực (như giấy phép xả thải), các giấy phép khác còn thời hạn hoặc không có thời hạn thì chủ dự án có phải thực hiện mới Giấy phép môi trường không hay sau 5 năm mới thực hiện?

    Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01          năm 2022, tuy nhiên trong trường hợp đến tháng 12 năm 2021, Giấy phép xả thải của Doanh nghiệp hết hiệu lực. Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, trong vòng 3 tháng trước khi giấy phép xả thải hết hạn Chủ dự án phải xin gia hạn giấy phép xả thải. Như vậy, nếu Chủ dự án có nhu cầu thực hiện luôn Giấy phép môi trường trước khi giấy phép xả thải hết hạn được không? Vì nếu nộp và trong thời gian chờ được gia hạn Giấy phép xả thải thì Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực và cho làm Giấy phép môi trường. Như vậy sẽ tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 

 Tại điểm d khoản 3 Điều 34 của Luật BVMT quy định “Trường hợp dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi thì hội đồng thẩm định phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó; cơ quan thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi phê duyệt kết quả thẩm định”.

Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm cử thành viên tham gia hội đồng thẩm định, có ý kiến bằng văn bản về việc phê duyệt kết quả thẩm định trong thời hạn lấy ý kiến; trường hợp hết thời hạn lấy ý kiến mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Căn cứ quy định nêu trên, nhận thấy ý kiến của Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi là một trong những cơ sở quan trọng để xem xét phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi được lấy ý kiến; trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản và cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi không đồng thuận về việc thực hiện dự án hoặc nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi đó cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường có được tổ chức Hội đồng thẩm định hay không hay phải dừng lại và báo cáo xin ý kiến của cơ quan cấp trên.

Ngoài ra, một số vấn đề những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề nghị Bộ có quy định, hướng dẫn thêm như sau:

–    Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chỉ còn giấy Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường, không còn cuốn báo cáo đính kèm, vậy những đơn vị này có thuộc trường hợp lập lại ĐTM hay đăng ký môi trường theo quy mô, công suất hoạt động?

–    Quy định chủ dự án tự chịu trách nhiệm với những thay đổi nếu không thuộc đối tượng lập lại ĐTM và đối tượng thực hiện thủ tục chấp thuận môi trường, vậy các chủ dự án này có cần phải có công văn thông báo đến cơ quan phê duyệt ĐTM trước khi thực hiện những thay đổi theo quy định.

–    Đề nghị làm rõ hướng xử lý các trường hợp chuyển tiếp (như Đề án BVMT) theo đúng nguyên tắc tinh giảm thủ tục và đạt hiệu quả, do Nghị định cũ không quy định nhưng theo Nghị định mới dự án lại thuộc đối tượng phải thực hiện

–    Cần làm rõ việc lập lại Báo cáo đánh giá ĐTM, Kế hoạch BVMT: cụ thể như thế nào là tăng quy mô công suất đến mức cần phải lập lại DTM, KHBVMT; thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, xử lý nước thải, khí thải đến mức phải lập lại DTM, KHBVMT.

–    Quy định rõ các trường hợp ko cần lập lại thì chỉ cần doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và tự cập nhật vào báo cáo Hoàn thành công trình hoặc Báo cáo giấy phép môi trường. 

Phần 2: VỀ LĨNH VỰC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN

Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phân loại CTRSH tại nguồn, các năm qua Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy việc việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn nhưng hiệu quả đạt được cũng chưa cao, thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn do vận động, tuyên truyền, khuyến khích là chính, chưa có chế tài để người dân thực hiện. Trong dự thảo Nghị định này, đã phân công trách nhiệm cho UBND cấp xã tổ chức triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn (quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 73 của dự thảo Nghị định), Sở Tài nguyên và Môi trường đồng thuận cao về quy định này, khi đó, chính quyền cấp xã sẽ có trách nhiệm triển khai công tác này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, qua rà soát dự thảo Nghị định Sở đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ về “chất thải hữu cơ và chất thải thực phẩm” tại Điều 3 của dự thảo Nghị định; bổ sung quy định đặc tính, quy cách về bao bì lưu giữ chất thải cho từng nhóm chất thải tại Điều 83; bổ sung trách nhiệm của Bộ NNPTNT (Khoản 5 Điều 92) về quản lý chất thải rắn hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi,…(PHẦN NÀY, SỞ TNMT SẼ CÓ GÓP Ý CỤ THỂ TRONG VĂN BẢN GỬI BỘ TNMT)

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: TTXVN

Phần 3:  VỀ LĨNH VỰC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH 

* Về thời hạn Thanh tra (tại điểm a, b khoản 2, Điều 190):
– Dự thảo Nghị định quy định: “Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra thường xuyên tối đa không quá 36 tháng đối với một tổ chức, cá nhân và được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 16 Nghị định  07/2012/NĐ-CP  của Chính phủ quy định Quy định về  cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, quy định thời hạn 30 ngày, trường hợp phức tạp không quá 45 ngày.

Như vậy, nội dung Dự thảo Nghị định nêu trên chưa phù hợp với thời hạn 01 cuộc Thanh tra được quy định tại Điều 16 Nghị định  07/2012/NĐ-CP. Do đó, Sở kiến nghị xem lại nội dung quy định này. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể đây là thời gian ngày làm việc hay ngày dân sự?.

– Tại khoản Điểm b, Khoản 2, Điều 190 dự thảo quy định: “Một cuộc thanh tra thường xuyên được thực hiện theo nhiều đợt nhưng không quá một đợt trong một năm, trừ trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Thời gian tối đa một đợt thanh tra không quá 70 ngày”.  Tuy nhiên, Sở nhận thấy: việc quy định thời gian thanh tra không quá 70 ngày như dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP  (tại Điều 16 của Nghị định).

* Về đối tượng Thanh tra thường xuyên (tại điểm c, khoản 2, Điều 190)

Dự thảo Nghị định quy định: “Đối tượng thanh tra thường xuyên là các cơ sở có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao quy định tại Phụ lục 7a ban hành kèm theo Nghị định này, thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”.

Như vậy, cần làm rõ thêm: Ngoài các đối tượng thuộc Phụ lục 7a ban hành kèm theo Nghị định này, thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, thì các đối tượng còn lại có được kiểm tra thường xuyên không?

* Về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (tại điểm d, khoản 2, Điều 190)
Dự thảo Nghị định quy định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước quyết định đối tượng thanh tra thường xuyên. Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành ban hành quyết định thanh tra thường xuyên. Quyết định thanh tra thường xuyên phải được gửi cho cơ quan thanh tra các cấp để biết, tránh chồng chéo”.

Theo quy định pháp luật thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, gồm có:

– Thanh tra chuyên ngành (như Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quy định tại Luật Thanh tra) 
– Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (như Chi cục thuộc Sở và tương đương… được quy định tại Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định Quy định về  cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành).
Theo quy định nêu trên, được hiểu: chỉ có cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mới được thực hiện thanh tra thường xuyên.
Do đó, để hiểu và áp dụng quy định pháp luật được đầy đủ, chính xác, đề nghị xem xét điều chỉnh “cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”. 

* Thời hạn kiểm tra doanh nghiệp (tại điểm đ, khoản 2, Điều 247)
Dự thảo Nghị định quy định: “Thời hạn một cuộc kiểm tra đối với một tổ chức, cá nhân tối đa không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra tại nơi được kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn kiểm tra được gia hạn bằng văn bản nhưng không quá 07 ngày”.

Thực tế, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hơn 800 doanh nghiệp. Do đó, để thuận lợi cho việc ban hành quyết định kiểm tra, thì Sở không ban hành quyết định kiểm tra cho từng doanh nghiệp mà gồm nhiều doanh nghiệp. 

Như vậy, để việc ban hành quyết định kiểm tra phù hợp nội dung, hình thức của Mẫu phụ lục 93, đề nghị hướng dẫn cách thể hiện thời hạn kiểm tra doanh nghiệp trong trường hợp quyết định kiểm tra áp dụng đối với nhiều doanh nghiệp.

 * Về trưng cầu kết quả giám định mẫu môi trường (điểm a, khoản 3, Điều 191)
Dự thảo Nghị định quy định: “Trường hợp phát hiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được kiểm tra có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và căn cứ kết quả trưng cầu giám định mẫu môi trường (nếu có), Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền lập hành chính theo quy định của pháp luật”.

Đề nghị quy định rõ về trách nhiệm của đơn vị lấy mẫu, phân tích môi trường.
* Về thẩm quyền kiểm tra của Cảnh sát môi trường (Điều 191)
Tại Điểm d, khoản 2, Điều 191 Dự thảo Nghị định quy định: Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thực hiện kiểm tra việc chấp pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 160 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thực hiện kiểm tra khi có “dấu hiệu tội phạm môi trường”; “phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường”

Nhưng theo quy định Bộ Luật hình sự năm 2015, để xác định tội phạm môi trường phải xác định được hành vi và mức độ vi phạm.

Như vậy, với quy định “dấu hiệu”, “phản ảnh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường” nêu tại Điểm b, khoản 3, Điều 160 Luật BVMT 2020 thì chưa rõ thẩm quyền kiểm tra của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.

Do đó, kiến nghị Nghị định hướng dẫn quy định cụ thể thẩm quyền Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường. 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích