TP.HCM được quyền quyết định chuyển đổi đất trồng lúa dưới 500 ha

TP.HCM được quyền quyết định chuyển đổi đất trồng lúa dưới 500 ha

Tại Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, một trong những nội dung quan trọng đang thu hút sự quan tâm của người dân là cho phép thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị quyết tạo điều kiện cho Thành phố phát triển bứt phá trong những năm sắp tới và tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước nhằm góp phần thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Nghị quyết cho phép HĐND Thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cơ chế này theo HoREA vừa tạo được quỹ đất để thực hiện đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội.

Nghị quyết cũng cho phép Thành phố được thí điểm thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Việc cho phép TP.HCM thí điểm thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội hoá từ các thành phần kinh tế để thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông. Hình thức đầu tư BT này đã dừng thực hiện kể từ ngày 01/01/2021 (ngày Luật PPP có hiệu lực).

Cơ chế này tạo điều kiện cho Thành phố chủ động trong việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để có thể hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao quy mô lớn, nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Đồng thời cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/06/2018 của Chính phủ cho phép chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp tại TP.HCM thành đất sản xuất, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị.

HoREA cho biết, theo tính toán của các chuyên gia thì mỗi ha đất nông nghiệp của thành phố chỉ làm ra được giá trị khoảng 500 triệu đồng/năm, trong lúc 1 ha đất sản xuất, công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị làm ra giá trị khoảng 55 tỷ đồng/năm gấp 100 lần.

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND Thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo thủ tục, trình tự do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

“Với thẩm quyền về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được phân cấp trên đây thì Thành phố sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư các dự án có sử dụng đất của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, HoREA cho biết.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng cho phép TP.HCM được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội. Đối với trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa phù hợp quy hoạch chung thì cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định.

Minh Thư (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích