TP.HCM đưa ra khỏi kế hoạch dự án đầu tư công 2 năm không đăng ký vốn
UBND Thành phố tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Khu vực nút giao Bến Lức, nơi giao giữa tuyến Vành đai 3 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN) |
Xem xét, đề xuất đưa ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án hai năm liên tiếp không đăng ký nhu cầu bố trí vốn hằng năm để khởi công thực hiện dự án hoặc dự án không có khả năng tiếp tục giải ngân vốn; đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án cấp bách và có tính khả thi thực hiện cao hơn.
Trên đây là một trong những yêu cầu được nêu rõ trong Chỉ thị về tăng cường thực hiện, giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn giai đoạn 2021-2025 vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
Đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các chủ đầu tư chủ động rà soát lập kế hoạch bố trí vốn và giải ngân cho các tháng còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo (theo từng năm 2023, 2024, 2025) cho toàn bộ các dự án phù hợp với mức vốn trung hạn đã bố trí của từng dự án và dự kiến thời gian hoàn thành dự án.
Mặt khác, rà soát nhu cầu vốn của các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trường hợp nhu cầu vốn thực tế để hoàn thành dự án thấp hơn giá trị đã đăng ký (do tiết kiệm chi phí trong công tác đấu thầu, do yếu tố kỹ thuật thuận lợi…) hoặc dôi dư vốn sau khi hoàn thành quyết toán dự án thì đề xuất điều chỉnh giảm nhu cầu vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho các dự án khác.
Về công tác bố trí, điều chuyển vốn, đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2022, các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các chủ đầu tư phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân từng dự án.
Đồng thời, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Cùng đó, yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt hợp đồng, có giải pháp chế tài đối với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Ngoài ra, tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công…
Về giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, hướng dẫn các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các chủ đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục về đầu tư công, đảm bảo các dự án được bố trí vốn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền…
Về giải ngân vốn, các sở, ngành phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan giám sát việc triển khai của các dự án đầu tư công của các chủ đầu tư theo lĩnh vực được phân công phụ trách.
Cụ thể, theo dõi tiến độ triển khai dự án theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công mà chủ đầu tư đã ban hành và chủ trì giải quyết các khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư công trong lĩnh vực do mình phụ trách; có ý kiến về việc tăng, giảm, điều chuyển vốn của các dự án theo đề nghị của các chủ đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong lĩnh vực phụ trách…
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết, tính đến ngày 30/9, tổng vốn đã giải ngân của Thành phố là 10.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,3% tổng kế hoạch vốn được giao (37.996 tỷ đồng); trong đó, vốn cân đối ngân sách Trung ương chỉ đạt tỷ lệ 3%, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 29%.
Về lý do tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 không như kỳ vọng, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ngành liên quan cho biết nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các yếu tố bên ngoài như xung đột quân sự, chính trị trên thế giới dẫn đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí hàng hóa tăng cao.
Ngoài ra, các vấn đề như việc huy động nhân lực, thiết bị phục vụ các dự án bị gián đoạn; vướng mắc về thủ tục đầu tư; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều thủ tục… cũng tác động đến tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư.
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố (tổng nhu cầu khoảng 672.000 tỷ đồng).
Ủy ban Nhân dân Thành phố đã trình Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua Nghị quyết số 99 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 142.557 tỷ đồng, bao gồm: vốn từ nguồn bội chi ngân sách Thành phố là 14.873,1 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách Thành phố là 127.683,9 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, số công trình, dự án chuyển tiếp, các công trình, dự án triển khai mới, các công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 1.191 dự án được bố trí tổng số vốn là 67.853 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng số vốn trung hạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố (142.557 tỷ đồng).
Đến nay 298 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng./.
Nguồn: Báo xây dựng