TP.HCM: Đề xuất làm đường liên cảng Cát Lái bằng vốn đầu tư công
TP.HCM: Đề xuất làm đường liên cảng Cát Lái bằng vốn đầu tư công
Theo dõi MTĐT trên
Sở GTVT TP.HCM cho rằng nếu tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu được triển khai đầu tư và thu phí theo hình thức hợp đồng BOT sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM phương án kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái – Phú Hữu vào cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (gọi tắt là cao tốc HLD) và đường Vành đai 3 TPHCM.
Theo Sở GTVT TPHCM, trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoàn thiện phương án nút giao thông đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu với đường Vành đai 3 – cao tốc HLD, Sở GTVT đã chủ trì phối hợp UBND TP Thủ Đức, các doanh nghiệp cảng dọc tuyến đường và đơn vị tư vấn nghiên cứu, rà soát các đồ án quy hoạch liên quan, thông tin các dự án, công trình bị ảnh hưởng bởi tuyến đường liên cảng này.
Sau khi phân tích, đánh giá các yếu tố kinh tế – kỹ thuật cùng ưu, nhược điểm của các phương án, các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất kiến nghị phương án với quy mô, hướng tuyến đường Liên cảng gồm điểm đầu (giao với đường Nguyễn Thị Định) và điểm cuối là nút giao đường Vành đai 3 – cao tốc HLD.
Tuyến đường liên cảng dài khoảng 6km với lộ giới quy hoạch (mặt cắt ngang) rộng 60m, quy mô 12 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.000 tỷ đồng.
Về hình thức đầu tư, Sở GTVT TPHCM cho biết, qua nghiên cứu, rà soát các quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và tình hình thực tế khu vực lân cận dự án hiện có 3 tuyến đường đang và sẽ tổ chức thu phí theo hình thức hợp đồng BOT.
Sở GTVT TPHCM cho rằng, trường hợp nếu dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu được tiếp tục đầu tư và thu phí theo hình thức BOT sẽ gặp nhiều khó khăn về tính khả thi thu phí hoàn vốn. Đồng thời, sẽ vấp phải phản ứng của các doanh nghiệp có phương tiện lưu thông qua khu vực này, bởi lẽ các doanh nghiệp hiện đang phải nộp phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển).
Ngoài ra, theo Sở GTVT, với khả năng vốn ngân sách thành phố được bổ sung tăng thêm từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Liên cảng này bằng nguồn vốn ngân sách thành phố sẽ thuận lợi, phù hợp với mục tiêu Nghị quyết của HĐND TPHCM. Toàn bộ số thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TPHCM sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách thành phố để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố”.
Với nội dung nghiên cứu, nhận định nêu trên, để sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu kết nối đồng bộ với đường Vành đai 3 TPHCM và cao tốc HLD, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận thực hiện đầu tư dự án này từ nguồn vốn ngân sách thành phố (vốn đầu tư công) thay hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu có điểm đầu từ đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối ở nút giao đường vành đai 3 TP.HCM và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Tổng chiều dài đường liên cảng khoảng 6 km. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án khoảng 8.000 tỉ đồng, dự kiến làm bằng nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển.
Hiện Sở GTVT TP đã đưa dự án đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu vào danh mục các dự án trọng điểm trong năm 2023.
Tuệ Nhi (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị