TP.HCM: Đề xuất dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm – Điện Biên Phủ (quận 1)

TP.HCM: Đề xuất dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm – Điện Biên Phủ (quận 1)

MTĐT –  Thứ tư, 08/03/2023 08:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, CSGT TP.HCM đề xuất nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm – Điện Biên Phủ, quận 1, để tổ chức giao thông cho xe theo đèn tín hiệu đi qua giao lộ.

Cụ thể, trong công văn Phòng CSGT Đường bộ – đường sắt , Công an TP HCM vừa gửi Sở Giao thông Vận tải, sau khi đánh giá tình hình kẹt xe ở khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đang phức tạp.

Khu vực trên là điểm giao cắt của hai tuyến đường lớn Điện Biên Phủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, kết nối giao thông giữa cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP HCM. Vòng xoay được xây dựng tại đây hơn 10 năm trước, đường kính khoảng 60 m, đang trồng nhiều cây xanh. Giữa vòng xoay có tháp đồng hồ 4 mặt, cao khoảng 16 m, được xem là biểu tượng ở nút giao. Hiện, khu vực không có đèn tín hiệu giao thông mà cho xe chạy theo vòng xoay để quay đầu, vào đường xung quanh.

tm-img-alt
CSGT  TP.HCM đề xuất nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm – Điện Biên Phủ, quận 1. (Ảnh: Internet)

Theo Phòng CSGT Đường bộ – đường sắt , lượng xe qua khu vực trên tập trung đông nên vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đang thường xuyên ùn ứ, đặc biệt là giờ cao điểm sáng và chiều. Do vậy, đơn vị đề xuất tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu, đồng thời kéo dài dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ về nút giao để hạn chế xe máy chạy ngược chiều và quay đầu.

Trước đề xuất trên, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết các đơn vị đang nghiên cứu, trong đó sẽ dựa theo mô hình mô phỏng lưu lượng xe chạy qua để lựa chọn phương án phù hợp. Trước đây vòng xoay được xây dựng nhằm tổ chức giao thông theo dạng ngã 5, vì ngoài đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, nút giao còn nhánh rẽ qua tuyến Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc.

“Thông thường với giao lộ rộng và có nhiều ngả đường, việc tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu rất khó giảm giao cắt giữa các hướng đi. Bởi theo chu kỳ đèn, xe ở hướng này có thể chưa thoát khỏi nút giao, hướng khác đã dồn đến dễ gây ùn tắc”, đại diện Sở Giao thông Vận tải nói và cho biết vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện có lưu lượng xe lớn, nên việc tổ chức giao thông cần được tính toán kỹ lưỡng, so sánh giữa các phương án trước khi lựa chọn.

Ngoài khu vực trên, cách đó khoảng 1,5 km, Phòng CSGT Đường bộ – đường sắt cũng đánh giá giao thông ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) diễn biến phức tạp, thường ùn ứ giờ cao điểm. Đơn vị này đề xuất lắp dải phân cách di động ở chân cầu vượt thép tại ngã tư (hướng từ quận 1 đi TP Thủ Đức) để nắn dòng xe qua cầu, giúp giảm ùn tắc phía dưới. Các loại xe có thể quay đầu lại ngã tư Hàng Xanh tại giao lộ Điện Biên Phủ – Võ Văn Thương.

Ngoài ra, Phòng CSGT Đường bộ – đường sắt đề xuất bố trí lại một đoạn dải phân cách trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhằm tạo thêm làn rẽ trái cho xe từ ngã tư Hàng Xanh vào đường Bạch Đằng. Trên tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ ngã tư đến Bạch Đằng) và đường Điện Biên Phủ cũng được kiến nghị bố trí thêm biển báo cấm dừng, đỗ xe theo giờ hạn chế ùn tắc.

Minh Thư (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích