TP.HCM: Đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí tham gia bảo hiểm tự nguyện

Theo đại diện BHXH TP.HCM, trong giai đoạn 2017 – 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng từ 8.283 người lên 51.401 người (trong đó có 4.259 người thuộc hộ nghèo tham gia BHXH tự nguyện và 3.079 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện). Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đạt 30.170 người, giảm 21.231 người so với năm 2021, đạt 0,6% lực lượng lao động. Đáng chú ý, chỉ có 848 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện, giảm 6.337 người so với năm 2021, chưa đạt chỉ tiêu.

TP.HCM: Đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí tham gia bảo hiểm tự nguyện
Người dân thử nghiệm tính năng đặt lịch làm việc với cơ quan BHXH.

Nguyên nhân của việc số người tham gia BHXH tự nguyện giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, một bộ phận người dân TP.HCM nói chung còn gặp khó khăn về tài chính (trong đó có người lao động tự do) và nguồn thu nhập không ổn định do bị mất việc làm, giá cả tiêu dùng tăng nên việc trang trải sinh hoạt phí hàng ngày là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Vì thế có không ít người không có khả năng tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện hoặc phải tạm dừng đóng đến khi có thu nhập ổn định và khả năng tham gia tiếp.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2022, theo quy định của Chính phủ, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng tương ứng mức đóng BHXH tự nguyện nâng từ mức 154.000 đồng/người/tháng lên 330.000 đồng/người/tháng (cao hơn 2,14% so với từ năm 2021 trở về trước). Trong đó, mức đóng cho đối tượng thuộc hộ nghèo tăng từ mức 107.800 đồng/người/tháng tăng lên 231.000 đồng/người/tháng; đối tượng thuộc hộ cận nghèo tăng từ mức 115.500 đồng/người/tháng lên mức 247.500 đồng/người/tháng; đối tượng khác tăng từ mức 138.600 đồng đồng/người/tháng lên 297.000 đồng/người/tháng (tăng 2,14 lần). Điều này gây khó khăn cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, chính sách về BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, thời gian tham gia thụ hưởng chế độ hưu trí khá dài, phải có ít nhất đủ 20 năm tham gia BHXH trong khi mức đóng tăng nhưng chế độ không thay đổi.

Đại diện BHXH TP.HCM cho biết, số người tham gia BHXH có tăng hằng năm nhưng so với quy mô dân số và lực lượng lao động của TP.HCM vẫn còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Vẫn còn hơn 2 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH, số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp.

“Nếu không có giải pháp phù hợp trong thời gian tới, số lượng người già, người hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn”, đại diện BHXH TP.HCM cho hay.

Chỉ tiêu tăng số người tham gia BHXH tự nguyện đang gặp khó khăn

Theo chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 2558/KH-UBND ngày 26/6/2019 của UBND TP.HCM: Số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng 150.000 người. Trong 3 năm 2023 – 2025, bình quân mỗi năm phải tăng 50.000 người. Việc thực hiện chỉ tiêu này đang rất khó khăn.

BHXH TP.HCM kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng xem xét giảm thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện ngắn hơn so với người tham gia BHXH bắt buộc; mở rộng thêm chế độ ngắn hạn cho người tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH TP.HCM cũng đề nghị Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP.HCM xem xét hỗ trợ thêm kinh phí tham gia BHXH tự nguyện so với mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (30% đối với người thuộc hộ nghèo TP.HCM thiếu hụt BHXH, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo TP.HCM thiếu hụt BHXH, 20% đối với hộ thoát mức chuẩn hộ nghèo TP.HCM thiếu hụt BHXH) cho người tham gia BHXH tự nguyện từ Ngân sách TP.HCM.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích