TP.HCM: Chấn chỉnh công tác thu hồi nợ tại Công ty HFIC

Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM Phan Văn Mãi đã đồng ý cơ bản nội dung Kết luận của Thanh tra TP.HCM, yêu cầu lãnh đạo HFIC tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót đã nêu tại Kết luận thanh tra theo thẩm quyền quy định.

Giao Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc HFIC nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước theo đúng quy định. Xây dựng giải pháp đầu tư, phương án kinh doanh, tăng doanh thu đạt và vượt kế hoạch được giao, cần chú ý công tác lập kế hoạch năm đảm bảo tỷ lệ tăng theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước.

Đối với việc quản lý công nợ, UBND TP.HCM yêu cầu HFIC chấn chỉnh, thu đúng theo quy định; rà soát và có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, đặc biệt là các khoản nợ phải thu quá hạn để đảm bảo thu hồi vốn, nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của HFIC.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng yêu cầu lãnh đạo HFIC khẩn trương triển khai thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV và Thanh tra Chính phủ; chấn chỉnh công tác thẩm định cho vay, xây dựng phương án thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu (nhóm 5) trong hoạt động cho vay từ nguồn vốn hoạt động. Đồng thời khẩn trương xây dựng và trình UBND TP.HCM phương án thu hồi các khoản nợ quá hạn trong hoạt động cho vay từ nguồn vốn ủy thác.

Đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn vào các doanh nghiệp, UBND TP.HCM yêu cầu HFIC xây dựng biện pháp, giải pháp đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp; xây dựng phương án tái cơ cấu hoặc thoái vốn tại các doanh nghiệp đầu tư không có lợi nhuận và bị lỗ đảm bảo không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước và đúng quy định. Thực hiện việc thoái vốn đầu tư tài chính ngoài ngành, không làm thiệt hại vốn nhà nước và đúng theo quy định pháp luật. Tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu của HFIC giai đoạn 2021 – 2025.

Đối với Giám đốc Sở Tài chính, UBND TP.HCM đề nghị rà soát, báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM hướng xử lý đối với phần vốn của HFIC tại Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM. Sau khi nhận được báo cáo rà soát, kiến nghị hướng xử lý của HFIC liên quan đến 7 doanh nghiệp kinh doanh lỗ; Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Nhiều tồn tại về quản lý công nợ, vốn góp

Trong Thông báo kết luận số 404/TB-TTTP-P7, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra một số thiếu sót, tồn tại. Cụ thể về quản lý công nợ, HFIC chưa trích lập dự phòng 10 khoản nợ với số tiền hơn 154 tỷ đồng là thực hiện chưa đúng Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015; Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013. Đối chiếu, xác nhận công nợ chưa đầy đủ là thực hiện chưa đúng Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 9/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ, có những khoản nợ kéo dài.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2020 là 1.165,81 tỷ đồng. Đây là số trích lập Quỹ Đầu tư phát triển từ 30% lợi nhuận sau thuế và các quỹ khác HFIC chưa kết chuyển do chưa được UBND TP.HCM phê duyệt Báo cáo tài chính và phân phối lợi nhuận năm.

HFIC chưa thực hiện trích nộp 20% số Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ đã trích sử dụng không hết năm 2015, 2016 và chưa nộp khoản trích từ năm 2019 số tiền hơn 3,4 tỷ đồng về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Thành phố. HFIC chưa nộp ngân sách số lãi tiền gửi và lãi cho vay nguồn vốn ủy thác số tiền gần 13,7 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, theo ghi nhận của Thanh tra TP.HCM, HFIC chưa thực hiện 1/10 nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV, đang thực hiện 1 kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

TP.HCM: Chấn chỉnh công tác thu hồi nợ tại Công ty HFIC
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót về quản lý vốn tại Công ty HFIC.

Thanh tra TP.HCM cho rằng, HFIC phải khẩn trương xây dựng phương án triển khai thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và của Thanh tra Chính phủ; đồng thời thực hiện công khai các nội dung đã thực hiện để toàn thể cán bộ, người lao động theo dõi, giám sát theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Năm 2020, 2021, giá trị vốn góp của HFIC tại 28 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn đầu tư theo sổ sách kế toán hơn 3.465 tỷ đồng. Theo Thanh tra TP.HCM, hiệu quả việc đầu tư tài chính của HFIC năm 2020, 2021 cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với tổ chức kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ bình quân của một số ngân hàng cùng thời điểm. Tuy nhiên có một số công ty không chia lợi nhuận, cổ tức (năm 2020 có 10 doanh nghiệp, năm 2021 có 14 doanh nghiệp), trong đó có 7 doanh nghiệp bị lỗ. Số lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2021 là 349 tỷ đồng, HFIC đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ với số tiền 349 tỷ đồng, 7 doanh nghiệp bị lỗ nêu trên khó có khả năng bảo toàn vốn đầu tư.

HFIC cử người đại diện vốn chưa kịp thời đối với khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần Cơ điện Thạch Anh; người đại diện phần vốn của HFIC tại một số công ty cổ phần tuy có báo cáo nhưng chưa đề xuất biện pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn … là thực hiện chưa đúng quyền, trách nhiệm của Người đại diện phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước được quy định Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Doanh nghiệp. Cùng với đó, HFIC kiểm tra, giám sát tài chính chưa kịp thời, chậm niên độ đối với các doanh nghiệp thành viên và doanh nghiệp được HFIC đầu tư vốn năm 2020, năm 2021.

Về việc thoái vốn của HFIC tại các doanh nghiệp mà HFIC đã đầu tư vốn, giai đoạn từ năm 2012 – 2015, khi thực hiện thoái vốn tại 4 đơn vị (Công ty Cổ phần In Thanh niên, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, Công ty Cổ phần Xây dựng cầu Sài Gòn), HFIC thu được 176,43 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, khi thực hiện thoái 16,5% vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM, HFIC thu được tiền lãi là 172,85 tỷ đồng.

Lợi nhuận chưa cao

HFIC là công ty TNHH một thành viên do nhà nước (UBND TP.HCM) làm chủ sở hữu 100% vốn, được tổ chức theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Công ty có chức năng nhiệm vụ huy động, quản lý và sử dụng vốn, tài sản; đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết; cho vay tín dụng, cho vay ủy thác; thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông tại các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết…

Theo Thanh tra TP.HCM, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HFIC hàng năm có lợi nhuận, phần lớn các lĩnh vực đầu tư đều sinh lợi, đảm bảo nguồn nộp ngân sách, trong nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn là nguồn thu từ hoạt động đầu tư vào các công ty thành viên và công ty liên kết; nguồn vốn được bảo toàn và phát triển.

Kết quả kinh doanh năm 2020 và 2021 chủ yếu nguồn thu từ lợi nhuận và cổ tức được chia của các công ty con và công ty liên kết chiếm tỷ lệ cao trong tổng nguồn thu (năm 2020 là 419,93 tỷ đồng/716,13 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,64% trong tổng nguồn thu; năm 2021 là 359,81 tỷ đồng/599,22 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60,05% trong tổng nguồn thu). Năm 2020 chi phí hoạt động cho vay chiếm 80,30% doanh thu từ hoạt động cho vay (188,71 tỷ đồng/234,99 tỷ đồng), thu nhập thuần từ hoạt động cho vay chiếm 10,45% tổng thu nhập thuần (46,28 tỷ đồng/442,69 tỷ đồng); năm 2021 chi phí hoạt động cho vay chiếm 51,65% doanh thu từ hoạt động cho vay (93.19 tỷ đồng/180.44 tỷ đồng); thu nhập thuần từ hoạt động cho vay chiếm 23,18% tổng thu nhập thuần (87,25 tỷ đồng/376,40 tỷ đồng).

Bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội ông Phạm Phú Quốc

Liên quan đến hoạt động của HFIC, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 4 đã có báo cáo kiểm toán, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về một số vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư; bán chỉ định 53 địa chỉ đất công nhưng việc thẩm định chưa đảm bảo.

Về công tác nhân sự, ông Phạm Phú Quốc từng giữ chức Tổng Giám đốc HFIC. Sau đó, tháng 11/2020 ông Phạm Phú Quốc đã bị Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XIV do không báo cáo với cơ quan, tổ chức việc có Quốc tịch Cộng hòa Síp, vi phạm tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.

Trần Tình

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích