TP.HCM: Cần quan tâm nhiều hơn cho vận động viên năng khiếu thể dục thể thao
Báo cáo với Đoàn khảo sát, thầy Lê Quang Ninh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên năng khiếu Thể dục thể thao (TDTT) Nguyễn Thị Định cho biết, khuôn viên trường có tổng diện tích hơn 54.000 m2, tọa lạc trên địa bàn phường 16, quận 8 và được chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1, xây dựng khu vực phòng học văn hóa 2 tầng, khu vực phòng chức năng 1 tầng, khu hành chính và được đưa vào sử dụng trong năm học 2004 – 2005. Giai đoạn 2 chia thành 2 gói thầu để xây dựng các khu đào tạo vận động viên TDTT như sân bóng, đường chạy điền kinh, các khu nhà nội trú, khu quản lý và đưa vào phục vụ cho năm học 2012 – 2013…
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội thuộc HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi khảo sát. |
Tuy nhiên, theo thầy Lê Quang Ninh, do công trình xây dựng kéo dài và chia thành nhiều giai đoạn nên đã hạn chế công tác phát triển số lượng lẫn chất lượng học sinh năng khiếu. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2004 – 2009, việc đi lại của giáo viên và học sinh khi đến trường còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông xung quanh trường chưa xây dựng hoàn chỉnh, cho đến năm 2010, sau khi đại lộ Đông Tây (nay là Võ Văn Kiệt) thông xe mới cải thiện tình hình.
Tính đến thời điểm này, Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định có 2 cấp học gồm khối THCS từ lớp 6 đến lớp 9 và THPT từ lớp 10 đến lớp 12 với tổng số học sinh là 1.682 em. Trong gần 20 năm qua, công tác giáo dục của trường đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Cụ thể về văn hóa trong năm học 2021 – 2022, học sinh đậu tốt nghiệp THPT trên 97%, có 1 học sinh đạt giải 3 học sinh giỏi cấp Thành phố môn Vật Lý. Về TDTT, trong năm học 2022 – 2023 trường đạt 102 Huy chương vàng, 72 Huy chương bạc, 61 Huy chương đồng cấp Thành phố và đạt 5 Huy chương vàng, 1 Huy chương đồng cấp Quốc gia…
Thầy Lê Quang Ninh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định báo cáo với Đoàn khảo sát. |
“Do số lượng học sinh đông, mà cơ sở vật chất của trường còn nhiều hạn chế, hệ thống nhà tập, phòng tập luyện, sân bóng đá, hồ bơi lội… không đáp ứng như kỳ vọng của nhà trường. Do đó, qua buổi khảo sát này, nhà trường đề xuất Thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa về chế độ dành cho giáo viên, huấn luyện viên và các em vận động viên đang theo học tại trường. Đặc biệt là đầu tư thêm cơ sở vật chất, cũng như các trang thiết bị để huấn luyện…”, thầy Lê Quang Ninh – Hiệu trưởng nhà trường đề xuất.
Qua khảo sát và là việc với trường, nhiều thành viên trong Đoàn đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng, chính sách đặc thù, cùng quyền lợi dành cho đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời, các thành viên trong Đoàn Giám sát cũng đề nghị nhà trường cần rà soát lại việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên; công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên năng khiếu theo Nghị quyết 05 của HĐND TP.HCM và Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện thể thao thành tích cao trước đó để đề xuất lên các Sở, ngành có liên quan kịp thời tháo gỡ, cũng như có cơ chế riêng theo đúng quy định.
Ban Văn hóa – Xã hội thuộc HĐND TP.HCM khảo sát tại Trường năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định trong chiều 25/4. |
Kết luận tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của Trường năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định, đồng thời đề nghị nhà trường tiếp tục thực hiện các chế độ dinh dưỡng, chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên, công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên năng khiếu theo Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM.
“Là một trong những trường năng khiếu TDTT hàng đầu của TP.HCM nhưng hiệu quả mô hình Trường năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định sau gần 20 năm hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa xứng tầm và chưa được quan tâm một cách đúng mức”, ông Nguyễn Minh Nhựt nêu quan điểm.
Nguồn: Báo lao động thủ đô