TP.HCM: Cần giải pháp đột phá để phát triển nhà ở xã hội
Ngày 28/3, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội” với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan chuyên môn; lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Bình Dương, Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia đô thị, pháp luật, kinh tế, doanh nghiệp bất động sản.
Dẫn chứng số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 tại hội thảo cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.
Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011.
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất…
Anh Nguyễn Trọng Nhân nêu khó khăn của công nhân tại hội thảo. |
Có mặt tại hội thảo, anh Nguyễn Trọng Nhân, văn phòng KCN Đông Nam (Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ, anh rời quê vào TP.HCM lập nghiệp đã 22 năm, mức lương hiện nay là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, anh Nhân cho biết chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, việc mua một căn hộ để sinh sống là điều xa xỉ, khó với tới.
“Việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn thật khó khăn. Tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống hiện tại, đặc biệt hiện tại giá nhà ở cao hơn so với trước. Gần đây tôi có tìm hiểu để mua nhà nhưng thấy ngày càng khó”, anh Nhân bộc bạch.
Chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội nhanh nhất. Hiện nay, mức lương của tôi 8 triệu đồng/tháng, không tăng ca, giá cả leo thang, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó.
Nhà ở xã hội gắn liền với người lao động nhưng điều kiện ngày càng xa xôi. Tôi mong nguồn vay dễ tiếp cận, lãi suất rẻ hơn, thời gian trả kéo dài hơn. Công nhân mong muốn có được một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp và giảm nghèo cho TP.HCM.
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay dự án 260 căn nhà ở xã hội được đưa vào vận hành tại thành phố Thủ Đức năm 2021 là dự án đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, có nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại thành phố, trong đó lĩnh vực này chịu tác động của 6 đạo luật. Trong khi đó, chính sách thì có nhưng các thông tư, hướng dẫn chi tiết nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.
Toàn cảnh hội thảo. |
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay trên cơ sở rà soát các vướng mắc, thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để rõ ràng các bước ở các cơ quan để thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành. Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.
Ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay trong quá trình triển khai các thiết chế công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc. Tổng liên đoàn đứng ra làm các thiết chế văn hóa để có nơi cho người lao động có khu vui chơi, thể dục thể thao và kết hợp với nhà đầu tư làm dự án nhà ở thì sẽ đồng bộ, giúp công nhân ổn định chỗ ở và nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, thực tế khi doanh nghiệp vào thì muốn xây nhà cao 15-20 tầng, cao hơn quy hoạch trước đó, dẫn đến điều chỉnh quy hoạch, thời gian rất lâu vì liên quan nhiều quy hoạch. Trong khi đó, chưa điều chỉnh quy hoạch thì chưa được chấp thuận đầu tư. Vì vậy, ông Lê Văn Nghĩa cho rằng quy hoạch phải tổng thể phải rộng ra, nhiều nơi quy hoạch nhà ở xã hội 5 tầng thì không đảm bảo thu hút dầu tư.
Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành đã chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vướng đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, mất rất nhiều thời gian ở khâu này. Nói về câu chuyện chính doanh nghiệp mình, ông Nghĩa nói phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án của công ty ông đã được tháo gỡ, tiến độ được đẩy nhanh khi được các sở, ngành thành phố vào cuộc. Một vấn đề khác cũng được ông Nghĩa nêu ra là khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành rất lâu, có khi 6 tháng không thấy trả lời.
Từ đó, ông Nghĩa cho rằng cần đột phát ở những điều này, cũng như đột phá con người. “Nhiều khi lãnh đạo TP.HCM, sở, ngành rất quyết tâm nhưng lại chậm ở các chuyên viên – những người trực tiếp xử lý hồ sở của doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội. Đó là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Theo ông, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.
Nguồn: Báo lao động thủ đô