Tổng quan về chất lượng không khí trên thế giới

Tổng quan về chất lượng không khí trên thế giới

MTĐT –  Thứ sáu, 30/09/2022 10:12 (GMT+7)

Dữ liệu chất lượng không khí đóng vai trò quan trọng và cần thiết để định lượng và hiểu biết về các xu hướng chất lượng không khí trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2020 đã phân tích dữ liệu PM2,5 được tổng hợp, báo cáo bởi các trạm quan trắc mặt đất trên khắp thế giới thông qua nền tảng thông tin chất lượng không khí của IQAir bao phủ khắp 106 quốc gia, tăng so với 98 quốc gia vào năm 2019 và 69 quốc gia vào năm 2018. Bằng cách so sánh các nồng độ PM2,5 trên toàn cầu, IQAir cố gắng làm nổi bật một loạt các thách thức về chất lượng không khí cũng như nhấn mạnh mối đe dọa ô nhiễm không khí do con người gây ra; nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí giúp mọi người hành động cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu tiếp xúc cá nhân của họ với không khí ô nhiễm.

Qua phân tích dữ liệu cho thấy, khả năng tiếp cận với dữ liệu chất lượng không khí công cộng có sự khác nhau khá lớn giữa các thành phố và quốc gia. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là những quốc gia có mạng lưới quan trắc chính phủ toàn diện nhất khi mà các quốc gia này công bố các dữ liệu chất lượng không khí liên tục, trong khi đó các vùng rộng lớn ở Châu Phi và Nam Mỹ lại thiếu dữ liệu quan trắc chất lượng không khí. Như vậy, có thể thấy, các nước có mức thu nhập cao có xu hướng đạt được mức độ có sẵn của dữ liệu ở mức cao và mức độ truy cập công cộng lớn hơn so với các nước có mức thu nhập thấp hơn.

Hiện trạng quan trắc công cộng

Khu vực Đông Á chiếm tỷ lệ tử vong có liên quan tới ô nhiễm không khí ngoài trời nhiều nhất thế giới (37%)[1]. Hàng năm, ô nhiễm không khí cũng chiếm 7,5% tổn thất phúc lợi của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực này[2]. Mặc dù khu vực này có tới 42 thành phố trong số 100 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu, nhưng nồng độ PM2,5 tại đây đang có chiều hướng giảm do có những bước tiến đáng kể nhằm cải thiện quá trình quan trắc chất lượng không khí và kiểm soát ô nhiễm. Trong năm 2020, các biện pháp tạm thời hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2 đã dẫn tới lượng phát sinh khí thải từ các phương tiện giao thông ít hơn và sự giảm bớt các hoạt động sản xuất và công nghiệp, từ đó càng làm giảm lượng PM2,5 xung quanh. Các nguồn ô nhiễm không khí thay đổi xuyên suốt khu vực, nhưng các nguồn ô nhiễm PM2,5 phổ biến nhất bao gồm sản xuất năng lượng từ than, công nghiệp, phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, và hoạt động đun nấu sinh hoạt. Hong Kong, Đài Loan, Ma Cao và Hàn Quốc còn bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm xuyên biên giới từ các quốc gia láng giếng, vì bụi PM2,5 có thể di chuyển xa nhờ gió[3].

Khu vực này còn có một mạng lưới quan trắc chất lượng không khí mạnh mẽ với mức độ bao phủ và khả năng tiếp cận dữ liệu nằm trong nhóm tốt nhất toàn cầu. Dữ liệu ở khu vực này chủ yếu được cung cấp bởi các chính phủ như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi Trung Quốc có mạng lưới quan trắc lớn nhất khu vực, thì Nhật Bản có mạng lưới chi tiết nhất toàn cầu, với lượng trạm ít hơn 30% so với Trung Quốc nhưng phân bố quanh diện tích nhỏ hơn 25 lần.

Đông Nam Á đang phải đối mặt với các thách thức ô nhiễm không khí chủ yếu là do dân số tăng nhanh và sự phát triển kinh tế. Khu vực này chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch (dầu, than đá). Các nguồn phát sinh PM2,5 ở Đông Nam Á cũng rất khác nhau đối với từng quốc gia và môi trường. Ở các khu vực đô thị, nguồn phát phát thải chủ yếu là xây dựng, công nghiệp và giao thông vận tải. Ở các khu vực nông thôn, tác nhân chính của PM2,5 là việc đốt ngoài trời, một hoạt động trong nông nghiệp bao gồm đốt rơm rạ để dọn đất canh tác cho vụ mùa tiếp theo. Việc này được cho là đóng góp 5-30% tổng khí thải do con người gây ra của khu vực này [2]. Mặc dù hầu hết các nước trong khu vực có các chính sách để ngăn chặn việc đốt ngoài trời, nhưng việc thực thi vẫn còn hạn chế. Sự di chuyển xuyên biên giới của các khí ô nhiễm từ các điểm đốt ngoài trời tới các quốc gia láng giếng cũng là một mối lo ngại của khu vực này, đặc biệt là đối với Singapore và Malaysia – cả hai nước đều đã phải trải qua ô nhiễm không khí theo mùa gây ra.

Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á cũng dễ bị ảnh hưởng bởi cháy rừng. Nạn chặt phá rừng và hoạt động nông nghiệp đã gây ra những thay đổi về việc sử dụng đất từ đó làm trầm trọng thêm những điều kiện khiến các vụ cháy rừng có thể lan ra ở trong rừng và đất than bùn[4].

Mặc dù gánh nặng về chất lượng không khí của khu vực này cao, quá trình quan trắc của chính phủ ở Đông Nam Á vẫn còn khá thưa thớt. Xấp xỉ hai phần ba trang thiết bị quan trắc chất lượng không khí ở khu vực này được đóng góp bởi các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân. Thái Lan có mạng lưới chính phủ lớn nhất trong khu vực (158 trạm) cũng như như các trạm phi chính phủ lớn nhất (424 điểm). Tại Philippines, có tổng cộng 55 trạm PM2,5 của chính phủ, phần lớn trong số này được đặt ở khu vực thủ đô Manila (22 trạm). Ở Campuchia, Myanmar và Lào chỉ có dữ liệu của các tổ chức phi chính phủ là có thể dùng được.

Trung và Nam Á là khu vực có nhiều thành phố được ghi nhận có chất lượng không khí xấu nhất trên thế giới với 37 trên 40 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2020 thuộc khu vực này. Khoảng 13-22% số người chết ở khu vực này có liên quan đến những ảnh hưởng về sức khỏe do tiếp xúc ô nhiễm không khí, gây thiệt hại khoảng 7,4% tổng số GDP toàn khu vực.[5,6]. Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đang phải chịu đựng chất lượng không ô nhiễm tồi tệ nhất trong khu vực, với lần lượt 32%, 67%, và 80% thành phố có mức đo lường của AQI Hoa Kỳ ở mức “Có hại cho sức khỏe” (> 55,5 μg/m³). Trong năm 2020, có một số cải thiện về chất lượng không khí được chứng kiến tại khu vực. 25 thành phố ô nhiễm nhất trong khu vực với dữ liệu theo thời gian cho thấy nồng độ PM2,5 giảm so với năm 2019 và xu hướng giảm xuống trong 4 năm qua. Những xu hướng chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Nam Á bao gồm đô thị hóa, phát triển kinh tế và công nghiệp hóa. Các nguồn ô nhiễm không khí bao gồm đốt sinh khối (đặc biệt là cho nấu nướng ở các vùng nông thôn), đốt các nhiên liệu hóa thạch, bụi từ công trình xây dựng và phương tiện giao thông, đốt trong hoạt động sản xuất nông nghiệp (hoạt động có thể gây ra các vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới nội vùng)[7].

Ấn Độ, Iran và Nepal vẫn là những nước Nam Á duy nhất có hệ thống quan trắc chính phủ cung cấp dữ liệu thời gian thực cho công chúng. Tuy nhiên, phạm vi phủ sóng dữ liệu từ các mạng chính phủ và máy cảm biến chi phí thấp phi chính phủ đang ngày càng tăng. Vào năm 2020, thêm 55 thành phố được quan trắc so với năm 2019. Với mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí trong khu vực này, cần có thêm quan trắc thời gian thực để nhiều người có thể ứng phó và bảo vệ sức khỏe của họ.

tm-img-alt
Hệ thống quan trắc chất lượngkhông khítại Nhật Bản

Tại khu vực Tây Á, ô nhiễm không khí do tổ hợp nhiều nguồn gây ra, bao gồm xe cơ giới, sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp, đốt rác thải ngoài trời, xây dựng, và các nguyên nhân tự nhiên như bão cát [8]. Bão cát xảy ra theo mùa, diễn ra thường xuyên hơn từ tháng Năm đến tháng Tám khi nắng nóng gay gắt khiến bộ phận áp thấp đối lưu hình thành và bốc lên một lượng bụi đáng kể. Ước tính bão cát chiếm 30% ô nhiễm bụi trên bán đảo Ả rập. Gần một nửa số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí ở Tây Á và Bắc Phi có liên quan đến bão cát [9,10]. Các đô thị ở miền nam và miền đông của Tây Á có xu hướng gánh chịu nồng độ PM2,5 cao nhất. Doha (Qatar), Manama (Bahrain) và Kuwait City (Kuwait) đều nằm trên vùng bờ biển Vịnh Ba Tư và đồng thời nằm trong top 5 thành phố ô nhiễm nhất khu vực.

Hoạt động quan trắc chất lượng không khí tại Tây Á nhìn chung còn thưa thớt, nhiều quốc gia trong khu vực như Armenia, Bahrain, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Ả rập Xê út và Yemen thiếu hoạt động quan trắc của chính phủ và thay vào đó là các hệ thống quan trắc của Hoa Kỳ hoặc cảm biến kinh phí thấp từ các tổ chức và cá nhân. Israel, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Georgia, và Jordan có các mạng lưới quan trắc thuộc chính phủ rộng rãi nhất và có mức PM2,5 thấp nhất khu vực.

Tại Châu Âu, tình hình phát thải ô nhiễm không khí trong khu vực đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua, tuy nhiên ô nhiễm không khí vẫn là mối đe dọa lớn nhất đến sức khỏe người dân trên lục địa này. Năm 2020, khoảng một nửa số thành phố Châu Âu vượt mức khuyến cáo PM2,5 hàng năm của WHO, góp phần gây ra khoảng 50.000 ca tử vong sớm mỗi năm [11]. 18% thành phố Châu Âu vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm dai dẳng, phải chịu đựng từ 50 ngày trở lên vượt tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO (≥ 25.5 μg/m³). Nồng độ PM2,5 có xu hướng tồi tệ hơn ở khu vực Đông và Nam Âu so với phía Tây và Bắc Âu. Xu hướng này càng thể hiện rõ ràng vào mùa đông, khi các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng từ than đá và đốt sinh khối để sưởi ấm, chứng kiến sự thay đổi theo mùa rõ rệt nhất. Các vùng thành thị ở Ba Lan, Bosnia-Herzegovina, Serbia, và Thổ Nhĩ Kỳ đều phải trải qua ít nhất hai tháng trong tình trạng chất lượng không khí được xếp vào mức “có hại cho sức khỏe” (≥ 55.5 μg/m³) theo tiêu chuẩn của AQI Hoa Kỳ. Đầu năm 2020, những vụ cháy rừng Taiga Siberia ở Nga đã đốt cháy 19 triệu héc-ta, lớn hơn cả diện tích của nước Hy Lạp. Khói từ các vụ cháy rừng gây ra những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng kéo dài ở Siberia. Tuy rằng các vụ cháy gây ít ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của con người bởi chúng xảy ra ở những vùng xa xôi, nhưng việc chúng xảy ra ngày càng nhiều đang tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và khí hậu.

Việc quan trắc và báo cáo chất lượng không khí của Chính phủ ở Châu Âu tương đối rộng rãi. Trong khi Bắc và Tây Âu có mạng lưới giám sát chất lượng không khí dày đặc nhất với 818 thành phố được bao phủ, thì Đông và Nam Âu cũng có 616 thành phố được bao phủ hệ thống giám sát. Tuy nhiên, hệ thống quan trắc chất lượng không khí chỉ phổ biến tại các thành phố trọng điểm và khu vực thành thị, còn ở các vùng nông thôn thì lại thưa thớt. Để bổ sung sự giám sát của chính phủ, các cá nhân và tổ chức đã đóng góp các cảm biến cho mạng lưới, đặc biệt là ở Hy Lạp, Đan Mạch, Bosnia Herzegovina, Kosovo và Nga, nơi các cảm biến này hiện cung cấp 88%, 86%, 86%, 71% và 43% dữ liệu trực tiếp tương ứng.

TạiBắc Mỹ, thông qua quan trắc chất lượng không khí và kiểm soát phát thải, Bắc Mỹ đã phân tách ô nhiễm không khí khỏi mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mức tiêu thụ năng lượng. Mặc dù có quá trình cải thiện lâu dài, 35% thành phố trong khu vực vẫn đang vượt quá mức khuyến cáo của WHO về tiếp xúc PM2,5 hằng năm (10 μg/m³). Phát thải PM2,5 do hoạt động của con người ước tính gây ra 200.000 ca tử vong sớm tại Hoa Kỳ và 14.600 ca tử vong sớm tại Canada [12]. Các nguồn phát thải PM2,5 do con người ở Bắc Mỹ bao gồm sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, giao thông vận tải, và công nghiệp. Cháy rừng là nguồn phát thải ô nhiễm chính do tự nhiên. Các vụ cháy rừng đang gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong những năm gần đây chủ yếu là từ biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Bắc Mỹ là vùng có mạng lưới quan trắc chất lượng không khí rộng nhất với hơn 5.500 trạm quan trắc đặt tại 1.700 thành phố. 95% số trạm này được đặt trên đất Mỹ. Số lượng trạm quan trắc chất lượng không khí của Mỹ chiếm số lượng lớn là nhờ các nguồn đóng góp từ cộng đồng, với hơn 75% số trạm quan trắc của nước này được đóng góp bởi các cá nhân và tổ chức địa phương. Los Angeles và San Francisco là hai thành phố có mạng lưới trạm trải khắp thành phố dày đặc nhất thế giới với lần lượt là 146 và 112 trạm. Canada có một mạng lưới gồm 436 trạm quan trắc trên khắp 174 thành phố.

Mỹ La-tinh và vùng Caribe đối mặt với những thách thức về chất lượng không khí đáng kể, đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Khi các thành phố phát triển, nhu cầu về năng lượng và phát thải giao thông cũng tăng lên làm tăng đột biến nồng độ PM2,5 trong khu vực. Năm 2020, hơn 50% các thành phố trong khu vực ghi nhận hơn 50 ngày chất lượng không khí vượt mức khuyến cáo PM2,5 24 giờ của WHO. Các quy định lỏng lẻo, các phương tiện và thiết bị lạc hậu, kém hiệu quả và các vụ cháy rừng (đặc biệt là ở Mexico), đốt sinh khối để sưởi ấm… góp phần vào mức độ ô nhiễm bụi cao trong khu vực.

Quan trắc chất lượng không khí ở Mỹ La-tinh và Caribe vẫn còn hạn chế, chỉ có 170 thành phố trong cả vùng có dữ liệu tức thời dù chiếm tới 8% dân số toàn cầu. Các trạm quan trắc tập trung chủ yếu ở thủ đô và các thành phố lớn, 70% thành phố có dưới 3 cảm biến trong phạm vi địa chính của mình để thu dữ liệu quan trắc. Mexico và Chile là hai nước có các mạng lưới quan trắc rộng nhất, cung cấp 67% dữ liệu của cả vùng, trong khi đó mạng lưới quan trắc của Brazil mới chỉ giới hạn ở São Paulo và Acre và vẫn đang tiếp tục mở rộng, phát triển.

Ở Châu Phi khó có thể định lượng được mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra, vì dữ liệu về chất lượng không khí còn hạn chế. Đối với hầu hết các địa điểm trong khu vực này, thông tin chi tiết chỉ có thể được suy luận từ dữ liệu vệ tinh. Theo phương pháp này, người ta ước tính rằng ô nhiễm không khí lấy đi sinh mạng của 780.000 người châu Phi hàng năm [13]. Có rất nhiều nguồn tạo ra PM2,5 khác nhau trong khu vực này, nhưng tổng thể bao gồm các chất ô nhiễm được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch (than và dầu hỏa), chất thải, đốt nông nghiệp, giao thông phát thải cao và bụi thổi từ các sa mạc của lục địa.

Riêng trong năm 2020, mạng lưới quan trắc chất lượng không khí của khu vực này đã phát triển ở 5 quốc gia mới (Senegal, Mali, Bờ Biển Ngà, Madagascar và Kenya) và 10 thành phố mới. Tuy nhiên, dữ liệu trong khu vực vẫn còn thưa thớt. 41 quốc gia châu Phi thiếu dữ liệu quan trắc chất lượng không khí, khiến gần một tỷ người không có thông tin cần thiết để đưa ra các quyết định quan trọng về sức khỏe. Nam Phi là quốc gia châu Phi duy nhất có mạng lưới giám sát chất lượng không khí chính phủ công khai, theo thời gian thực.

ChâuĐạiDương là khu vực sạch nhất trên thế giới xét về chất lượng không khí hàng năm. Tuy nhiên, khu vực này cũng bị ảnh hưởng bởi các sự cố ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong ngắn hạn như cháy rừng và bão cát. Một trong những mùa hỏa hoạn tàn khốc nhất của Úc được ghi nhận kéo dài từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2020. Mức độ nghiêm trọng của khói chứa PM2,5 từ các đám cháy đạt đỉnh điểm từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020, ảnh hưởng đến dân cư địa phương và di chuyển đến tận New Zealand và thậm chí cả Nam Mỹ [14]. Có 12 thành phố trong khu vực này vượt mức PM2,5 khuyến cáo hàng năm của WHO. Các thành phố của Úc như Albury, Canberra, Goulburn, và Wangaratta đều nằm trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất của khu vực, với mức PM2,5 trong tháng 1 cao gấp 10 lần mức trung bình tháng từ trước tới nay. Gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đều được dự đoán làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và giao thông, cũng như điều kiện thời tiết càng nóng và khô hơn, khiến cho cháy rừng và bão cát dữ dội hơn.

Những nước có thu nhập cao hơn thường có mạng lưới quan trắc chất lượng không khí dày đặc hơn. Tuy nhiên, xu hướng này không đúng với Úc và New Zealand, hai nước nằm trong số những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Điều này có thể do dân số phân tán thưa thớt và mức độ ô nhiễm không khí tương đối thấp quanh năm. Một số trạm khẩn cấp của chính phủ đã được thiết lập trong các vụ cháy rừng năm 2019/20 ở Úc và đã được giữ lại làm giám sát liên tục kể từ đó, điều này cho thấy tầm quan trọng của dữ liệu chất lượng không khí trong các trường hợp khẩn cấp và nhanh chóng như cháy rừng. 91 trong số 155 thành phố của khu vực được phủ sóng dữ liệu chất lượng không khí. Các cảm biến do cộng đồng triển khai chiếm 60% tổng số trạm quan trắc chất lượng không khí ở Úc và 55% ở New Zealand, mở rộng đáng kể lượng dữ liệu địa phương có sẵn tại Châu Đại Dương.

Các giải pháp vì môi trường

Để ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí, Chính phủ các nước cần phải có các giải pháp:

Giảm phát thải ô nhiễm khí: Loại bỏ điện than, điện khí và các nguồn năng lượng sử dụng dầu; cũng như các lò đốt chất thải. Thúc đẩy năng lượng sạch, bao gồm vai trò của năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; Chuyển đổi các loại hình giao thông công cộng của chính phủ (đường bộ, đường thủy và đường không) sang sử dụng năng lượng sạch hơn; Đưa vào sử dụng các loại hình giao thông công cộng giá rẻ và hoàn chỉnh, kết hợp cơ sở hạ tầng cho xe đạp và đi bộ an toàn bên trong thành phố.

Áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt hơn đối với các nguồn ô nhiễm không khí: Áp dụng giới hạn phát thải nghiêm ngặt tăng cường, với mục đích là loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Yêu cầu áp dụng các công nghệ mới để cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm phát thải; Triển khai chiến lược cấp bách và cụ thể nhằm cải thiện chất lượng không khí trên nền tảng pháp luật.

Mởrộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí của chính phủ: Lắp đặt các trạm quan trắc hoặc cung cấp các gói ngân sách hỗ trợ cho các trạm được vậng hành bởi các tổ chức phi chính phủ để gia tăng khả năng tiếp cận thông tin chất lượng không khí tức thời; Thắt chặt tiêu chuẩn chất lượng không khí tiến tới đạt mức khuyến cáo của WHO không chỉ đối với bụi PM2,5 mà cả những chất ô nhiễm khác, với mục đích là cắt giảm nhanh chóng và cuối cùng là loại bỏ nguồn ô nhiễm không khí do con người tạo ra.

Để đảm bảo sức khỏe cho mỗi cá nhân và môi trường xung quanh, mỗi người dân cần:

Giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm bằng cách hạn chế hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang lọc bụi khi không khí ô nhiễm; Hạn chế chất ô nhiễm ngoài trời đi vào trong phòng bằng cách đóng kín cửa, dùng điều hòa với chế độ tuần hoàn khí sạch, và sử dụng máy lọc không khí nếu có thể;Thường xuyên theo dõi thông tin về chất lượng không khí tức thời để chuẩn bị phòng tránh khi ô nhiễm.

Giảm phát thải chất ô nhiễm: Những lựa chọn cá nhân có thể giúp giảm phát thải chất ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí, có thể sử dụng một số cách thức đơn giản mà hiệu quả đóng góp vào một môi trường khỏe mạnh hơn như sử dụng giao thông sạch (như đi xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng nếu có thể); Giảm tiêu dùng điện và giảm thải chất thải; Giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí; Hỗ trợ các sáng kiến quốc gia và địa phương về cải thiện chất lượng không khí.

Nguyễn Vũ Phương Linh
Mạng lưới Báo chí Biến đổi khí hậu và Năng lượng

Tài liệu tham khảo

[1] Lelieveld J, et al. (2020) Loss of life expectancy from air pollution compared to other risk factors: A worldwide perspective. Cardiovascular Research. DOI:10.1093/cvr/cvaa025

[2] Climate& Clean Air Coalition (CCAC) & United Nations Environment Programme (UNEP). (2019) “Air pollution in Asia and the Pacific: Science based solutions”. https://www.ccacoalition.org/en/resources/air-pollution-asia-and-pacific-science-based-solutions- summary-full-report

[3] Hung Lam Yim, et al. (2019). Air quality and acid deposition impacts of local emissions and transboundary air pollution in Japan and South Korea. Atmospheric Chemistry and Physics. DOI: 10.5194/acp-19-13309-2019

[4]Greenpeace. (2020). Burning up: Health impact of Indonesia’s forest fires and implications for the COVID 19 pandemic. https://www.greenpeace.org/static/planet4-southeastasia-stateless/2020/09/9295d7dd-burning-up-2020-health-impact- of-indonesia%E2%80%99s-forest-fires.pdf

[5]Krishna B, et al. (2017). Tackling the health burden of air pollution in South Asia. BMJ. DOI: 10.1136/bmj.j5209

[6]Climate& Clean Air Coalition (CCAC) & United Nations Environment Programme (UNEP). (2019) “Air pollution in Asia and the Pacific: Science based solutions”. https://www.ccacoalition.org/en/resources/air-pollution-asiaand-pacific-science-based-solutions- summary-full-report

[7]The Energy and Resources Institute. (2019). Scoping study for South Asia air pollution. https://assets.publishing.service.gov.uk/media/5cf0f3b 0e5274a5eb03386da/TERI_Scoping_Study_final_rep ort_May27_2019.pdf

[8]United Nations Environment Programme. (2016). Global environment outlook GEO-6: Regional assessmentfor West Asia. http://wedocs.unep.org/bitstream/handle/20.500.11822/7668/GEO_West_Asia_201611.pdf

[9]Kưaragulian F, et al. (2019). Analysis of a severe dust storm and its impact on air quality conditions usingWRF-Chem modeling, satellite imagery, and ground observations. Air Quality, Atmosphere & Health. DOI: 10.1007/s11869-019-00674-z

[10]nited Nations Environment Programme. (n.d.). Middle East & North Africa: Actions taken by governmentsto improve air quality. https://wedocs.unep.org/bitstream/handle/20.500.1182 2/20255/NorthAfricaMiddleEast_report.pdf

[11] Khomenko S, et al. (2021). Premature mortality due to air pollution in European cities: A health impact assessment. The Lancet Planetary Health. DOI: 10.1016/S2542-5196(20)30272-2

[12] Caiazzo F. (2013) Air pollution and early deaths in the United States. Part I: Quantifying the impact of major sectors in 2005. Atmospheric Environment. DOI: 10.1016/j.atmosenv.2013.05.081

[13]Bauer SE, et al. (2019). Desert dust, industrialization, and agricultural fires: Health impacts of outdoor air pollution in Africa. JGR Atmospheres. DOI: 10.1029/2018JD029336

[14]Reuters.(2020, January 7). Australian bushfire smoke drifts to South America – WMO. https://www.reuters.com/article/us-australia-bushfires-wmo-idUSKBN1Z6271

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích