Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đào tạo nội bộ về cải tiến Kaizen

Tham dự buổi đào tạo có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục.

Chia sẻ tại buổi đào tạo nội bộ, ông Lê Minh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Kaizen trong tiếng Nhật có nghĩa gốc là “thay đổi để tốt hơn”, trong từ điển tiếng Nhật và cả trong ý nghĩa thường ngày, thuật ngữ này còn bao hàm cả ý nghĩa là “liên tục” và “triết lý”. Kaizen đề cập đến bất kỳ sự cải thiện nào, dù được thực hiện một lần hay liên tục, lớn hay nhỏ.

Ông Lê Minh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. 

Trong tiếng Anh, thuật ngữ này có nghĩa là “cải tiến” (improvement). Tuy nhiên, sau khi thuật ngữ “kaizen” được sử dụng rộng rãi trong các phương pháp cải tiến kinh doanh và công nghiệp tại Nhật, đặc biệt tiên phong là Toyota, từ “kaizen” dần mang nghĩa để chỉ hoạt động cải tiến liên tục, đặc biệt với những tổ chức hoạt động theo “triết lý Nhật Bản”. 

Kaizen không phải công cụ, không phải kỹ thuật, Kaizen là triết lý trong quản lý của người Nhật, Kaizen được ví với câu chuyện của rùa và thỏ. Việc áp dụng nguyên tắc Kaizen có thể ví như một cuộc đối thoại liên tục giữa người quản lý và người lao động và giữa người lao động này với người lao động khác. Chính vì thế, các yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động Kaizen bao gồm: Cam kết của lãnh đạo cao nhất, vai trò của cán bộ quản lý các phòng ban, tổ, nhóm, sự nỗ lực tham gia của mọi người, việc triển khai cải tiến được thực hiện liên tục, hàng ngày.

Theo ông Tâm, Kaizen có 5 đặc điểm. Thứ nhất, Kaizen là tập hợp tích luỹ thay đổi nhỏ; thứ hai, Kaizen là cải tiến liên tục, làm nữa và luôn có cách làm tốt hơn nữa; thứ ba, hành động khắc phục khó khăn, bất cứ ai cũng đang làm việc; thứ tư, nhanh và đơn giản, hãy nghĩ về những phương pháp mới mà không phải tốn quá nhiều thời gian, không tốn quá nhiều tiền đầu tư, không cần quá nhiều người; thứ năm Kaizen không phải sửa chữa, sửa lỗi.

So sánh sự khác biệt giữa cải tiến Kaizen và đổi mới, theo ông Tâm, Kaizen về tính hiệu quả thường dài hạn và không gây ấn tượng trong khi đổi mới tính hiệu quả ngắn hạn nhưng gây ấn tượng. Kaizen nhịp độ các bước nhỏ liên tục và gia tăng, còn đổi mới thì cách quãng đột ngột và dễ thay đổi. Xét về cách tiếp cận thì Kaizen thiên về nỗ lực tập thể, liên quan đến tất cả mọi người, còn đổi mới thì ý tưởng và nỗ lực cá nhân, chỉ một vài người được lựa chọn. Mục đích của Kaizen và đổi mới cũng hoàn toàn khác nhau, trong khi Kaizen duy trì và cải tiến thì đổi mới là đột phá và xây dựng. Nói chung, Kaizen định hướng về con người, còn đổi mới sẽ định hướng về công nghệ.

Đông đảo đại biểu tham dự buổi đào tạo.

Các ý tưởng truyền thống của Nhật Bản về Kaizen tuân theo năm nguyên lý cơ bản đó là làm việc theo nhóm, kỷ luật cá nhân, cải thiện tinh thần, phẩm chất và đề xuất để cải thiện. Năm nguyên lý này dẫn đến ba kết quả chính: loại bỏ lãng phí, quản lý tốt và tiêu chuẩn hóa.

Trong khuôn khổ buổi đào tạo, ông Tâm đã đưa ra nhiều ví dụ thiết thực bên ngoài đời sống cũng như cách vận dụng Kaizen trong tổ chức, doanh nghiệp, từ đó có thể thấy tầm quan trọng và cần thiết của Kaizen.

Áp dụng triết lý Kaizen mang đến lợi ích hữu hình cũng như vô hình cho doanh nghiệp. Kaizen tích lũy từng cải tiến nhỏ trong thời gian dài để tạo nên những kết quả to lớn đáng kể, đồng thời giảm sự lãng phí, gia tăng năng suất trong sản xuất và vận hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, triết lý Kaizen cũng tạo động lực để các cá nhân trong doanh nghiệp đưa ra ý tưởng cải tiến hiệu quả; thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể, tăng tính đoàn kết nội bộ; xây dựng văn hóa doanh nghiệp với thói quen tiết kiệm và hiệu quả trong từng chi tiết. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi tích cực sau khi áp dụng triết lý Kaizen.

 Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích