Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn: Thúc đẩy việc hạn chế sử dụng nước ngầm
Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn: Thúc đẩy việc hạn chế sử dụng nước ngầm
Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đang nỗ lực thực hiện chương trình cung cấp nước sạch an toàn, chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM để hòa chung xu thế của thế giới tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngầm.
Nước ngầm, một cách gọi khác của “nguồn nước dưới đất”, là một dạng tài nguyên nước được phân bổ hoàn toàn dưới bề Trái Đất được tích trữ trong không gian rỗng của đất hay trong những khe nứt của lấp đất đá trầm tích. Ở Việt Nam, nguồn nước ngầm hiện nay đã và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng, theo nhận định của các chuyên gia.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt nhiệm vụ vừa phải hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ nước ngầm hiện có, vừa ứng dụng công nghệ để xử lý nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.
Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy hiện toàn quốc có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước mặt chiếm 87%, nước ngầm chiếm 13%. Khu vực đô thị có khoảng 829 nhà máy nước với tổng công suất đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm, 70% trong đó sử dụng nguồn nước mặt và 30% từ nước ngầm.
Trong những năm gần đây đã có nhiều cải tiến và nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao, hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn. Đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, dẫn đến tình trạng nguồn nước dưới mặt đất bị khai thác quá mức, tập trung tại một số đô thị như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Tại khu vực nông thôn, đã xây dựng khoảng trên 16.573 công trình cấp nước tập trung, phục vụ cho 28,5 triệu người, phần lớn được lấy từ nguồn nước ngầm. Đối với người nông dân, nước không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là nguồn tài nguyên chính giúp quá trình canh tác đạt hiệu quả, góp phần duy trì và phát triển ngành nông nghiệp.
Vài năm trước, mỗi nhà vườn chỉ cần khoan từ 1-2 giếng khoan là đáp ứng nhu cầu sản xuất vì nguồn nước khoan khá dồi dào. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, người dân phải khoan 3-4 giếng mới đủ nước đảm bảo sản lượng sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tuy ở nhiều tỉnh thành, nước máy đã được triển khai để cấp nước cho người dân nhưng do tâm lý e ngại, người dân thay vì sử dụng nước máy, vẫn tiếp tục khai thác và sử dụng nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất.
Tất cả những nguyên nhân này đã và đang góp phần làm cạn kiệt, khan hiếm nguồn nước ngầm, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Các chuyên gia về môi trường, địa chất đã cảnh báo rằng việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Quá trình khai thác nước ngầm sẽ tạo ra các “phễu”, hạ thấp mực nước cục bộ tại nơi khai thác. Các “phễu” này sẽ phát triển to ra khi lưu lượng khai thác vượt quá sự bổ cập nước cho đất, gây nên hiện tượng hạ thấp mực nước trên vùng rộng lớn, từ đó kéo theo hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nguồn nước.
Tại TP. HCM, việc giảm khai thác nước ngầm và cấp nước sạch an toàn cho người dân là nhiệm vụ kép mà SAWACO đang theo đuổi. Lộ trình giảm khai thác nước ngầm đã được lên kế hoạch, lấy việc giảm khai thác tới mức thấp nhất làm kim chỉ nam hành động.
SAWACO tuân thủ lộ trình giảm khai thác nước ngầm của TP.HCM theo Quyết định 1242 ngày 30.3.2018 của UBND TP.HCM về việc ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất (nước ngầm) và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025.
SAWACO đã xây dựng Kế hoạch giảm khai thác nước ngầm phù hợp với lộ trình theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Cụ thể, giảm lượng nước ngầm khai thác từ các hệ thống giếng xuống mức 100.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2018; 90.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2019; 70.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2020; 66.000 m³/ngày đêm vào năm 2021 và mức 62.300 m³/ngày đêm trong năm 2022. Trong năm 2023, SAWACO dự kiến sẽ giảm khai thác thêm 12.300 m³/ngày đêm từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú về mức 50.000 m³/ngày đêm.
Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích sử dụng nước sạch thay cho nước ngầm, SAWACO đảm bảo nguồn nước liên tục, chất lượng và an toàn. Đồng thời phối hợp tốt với các sở ban ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm, trám lấp giếng, thực hiện chương trình giảm giá nước để khuyến khích các hộ dân đã được gắn đồng hồ nước nhưng chưa sử dụng nước. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có giá bán sỉ nước sạch hợp lý.
SAWACO và các công ty cấp nước thành viên luôn nỗ lực cấp nước chất lượng, an toàn cho 20/21 quận – huyện và TP.Thủ Đức, bảo đảm mỗi người dân sống và làm việc tại TP.HCM đều được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ cung cấp nước sạch, chất lượng và ổn định. Từ năm 2017, đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung… Mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 nâng tổng công suất hệ thống cấp nước lên 2,9 triệu m³/ngày đêm.
SAWACO đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên mọi phương diện, triển khai và xây dựng các hệ thống và phần mềm ứng dụng như: triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu Data Center; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý chất lượng nước; xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai hệ thống quản lý thất thoát nước; trang bị phần mềm quản lý dự án; trang bị phần mềm mô phỏng thủy lực để mô hình hóa mạng lưới.
Bức tranh giảm khai thác nước ngầm tại TP.HCM sẽ còn tươi sáng hơn khi trong những năm tới ngành cấp nước đặt mục tiêu giảm mạnh việc khai thác nước ngầm bằng cách tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm bao phủ toàn TP.HCM./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị