Tổng công ty Xi măng Việt Nam thua lỗ nặng và áp lực tái cấu trúc
Những điểm nhấn về các khoản thua lỗ
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), một trong những doanh nghiệp xi măng lớn nhất cả nước, đang đối mặt với hàng loạt vấn đề tài chính nghiêm trọng do các khoản đầu tư không hiệu quả. Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy VICEM đã phải trích lập dự phòng gần 1.600 tỷ đồng cho các dự án dài hạn không mang lại hiệu quả, trong đó nổi bật là những dự án đình trệ kéo dài nhiều năm. Năm 2023, 14/31 khoản đầu tư dài hạn của Tổng công ty Xi măng lỗ với tổng số tiền 1.610 tỷ đồng, còn lại 17/31 công ty lãi chỉ 186 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra ngày 31/12/2023, Công ty mẹ – Tổng công ty đã đầu tư vào 31 công ty với tổng số tiền là 13.973 tỷ đồng, chiếm 93% vốn góp chủ sở hữu. Trong đó, Công ty mẹ – Tổng công ty đã đầu tư vào 3 công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ số tiền 3.927 tỷ đồng, đầu tư vào 14 công ty con cổ phần số tiền 7.698 tỷ đồng, đầu tư 10 công ty liên doanh, liên kết số tiền 2.005 tỷ đồng và đầu tư vào 4 công ty khác số tiền 342 tỷ đồng. Về hiệu quả hoạt động đầu tư dài hạn, năm 2023, có 17 công ty có kết quả kinh doanh lãi là 186 tỷ đồng, có 14 công ty có kết quả kinh doanh lỗ số tiền 1.610 tỷ đồng (trong đó, Xi măng Hạ Long có số lỗ lớn nhất là 647,8 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, có 15 Công ty lỗ luỹ kế đến 31/12/2023 với số tiền là 7.923 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ góp vốn Công ty mẹ – Tổng công ty tại từng công ty là 5.895 tỷ đồng, bằng 85,3% vốn công ty mẹ đã đầu tư tại các công ty này. Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp lỗ có đến 8/10 công ty con sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam, số tiền lỗ luỹ kế đến 31/12/2023 là 6.702 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, VICEM bị yêu cầu nộp lại ngân sách nhà nước gần 11,9 tỷ đồng do các khoản chi phí bị hạch toán sai và quản lý vốn không minh bạch. Qua thanh tra việc hạch toán Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của công ty mẹ và 3 công ty con thấy các đơn vị phải điều chỉnh tăng các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN số tiền 33,7 tỷ đồng, trong đó 03 đơn vị hạch toán chưa đúng chi phí năm 2023 số tiền 26 tỷ đồng. 3 đơn vị này là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên.Trong 11,9 tỷ đồng 3 đơn vị phải nộp có thuế TNDN là 4,7 tỷ đồng, thuế GTGT là 532 triệu đồng, lợi nhuận còn phải nộp ngân sách nhà nước là 6,69 tỷ đồng.
Cũng theo thông tin từ Tạp chí Đầu tư Tài chính, Vicem Tam Điệp có vốn chủ sở hữu 1.132 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế năm 2023 tới 1.126 tỷ đồng, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gấp 19 lần, điều này cho thấy công ty gần như đã mất hết vốn và đang trong tình trạng mất an toàn tài chính nghiêm trọng. Công ty phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản vay và hỗ trợ từ công ty mẹ. Công ty Vicem Hải Phòng tổng tài sản 1.521 tỷ đồng nhưng nợ phải trả 601 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 920 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2023 giảm tới 97% so với năm trước đó. Công ty dự kiến tiếp tục ghi nhận lỗ âm 79 tỷ đồng vào năm 2024. Còn với công ty Vicem Hà Tiên thì doanh thu năm 2023 là 7.054 tỷ đồng, lợi nhuận được 17 tỷ đồng nhưng lợi nhuận quý I/2024: âm 24,6 tỷ đồng đồng thờ công ty phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế GTGT do các sai phạm trong hạch toán tài chính.
Một cái tên cũng đáng chú ý trong danh sách thua lỗ này là Vicem Hải Vân, với ghi nhận lỗ 60,7 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty này bị âm vốn, dẫn đến tình trạng tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ ngắn hạn, báo hiệu nguy cơ mất khả năng thanh toán, việc này cũng kéo theo cổ phiếu của công ty (mã HVX) bị đưa vào diện cảnh báo trên sàn chứng khoán.
Các dự án cũng đình trệ kéo dài
Một trong những dự án đáng chú ý là Vicem Tower tại khu đô thị Cầu Giấy, Hà Nội. Với tổng mức đầu tư lên tới 2.743 tỷ đồng ( gần gấp 2 lần so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu), Vicem Tower được kỳ vọng trở thành trung tâm điều hành và giao dịch xi măng hiện đại. Tuy nhiên, sau hơn10 năm khởi công, dự án chỉ hoàn thiện phần thô, bị bỏ hoang và cỏ mọc đầy công trường.Dự án này đã có nhiều lần điều chỉnh từ tổng mức đầu tư tới cả phương án. Tổng công ty đã từng thay đổi dự án Vicem Tower từ “tiếp tục xây dựng dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt, sau đó bị cơ quan điều tra vào cuộc. Mới đây, dự án này đã được Chính phủ chấp thuận cho triển khai trở lại và dự kiến sẽ điều chỉnh lại quy mô đầu tư để phù hợp với tình hình thực tế.
Tòa tháp Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem Tower tại Cầu Giấy, Hà Nội “đắp chiếu” hơn 1 thập kỷ
Ngoài Vicem Tower, VICEM còn gặp khó khăn trong việc triển khai dự án 122 Vĩnh Tuy tại Hà Nội. Dự án này được thiết kế để trở thành khu dịch vụ tổng hợp nhưng lại rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Thay vì đem lại giá trị đầu tư, khu đất hiện được sử dụng dưới hình thức quản lý tạm thời, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng.
Đây từng là 2 dự án của VICEM mà tại thời điểm năm 2020, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc và bị Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Vicem trong việc đầu tư 2 dự án.
Nguyên nhân và áp lực tái cấu trúc
Nguyên nhân dẫn đến tình trang thua lỗ và đình trệ các dự án nêu trên chủ yếu là trong những năm gần đây thị trường xi măng trong nước suy giảm, cùng với chi phí sản xuất tăng cao, đã góp phần vào kết quả kinh doanh kém khả quan của VICEM và các đơn vị thành viên. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân chru quan là năng lực quản lý đầu tư, quản lý tài chính kém, một số công ty con dù doanh thu lớn nhưng vẫn lỗ, các dự án đầu tư không được triển khai đúng tiến độ, khiến chi phí phát sinh tăng cao. Có nhiều sai phạm trong quả lý vốn nên việc cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý tài sản gặp nhiều vấn đề, gây tổn thất lớn. Cấu trúc tài chính còn nhiều sai sót khiến trích lập dự phòng lớn. Thiếu minh bạch trong quản lý vốn: Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, dẫn đến những khoản tài chính lớn chưa được xử lý đúng cách. Một nguyên nhân nữa là cơ cấu tổ chức VICEM khá công kềnh, công ty mẹ quản lý nhiều công ty con, nhưng hiệu quả vận hành thấp, không tận dụng được lợi thế quy mô, còn các công ty thành viên hoạt động độc lập, thiếu sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, dẫn đến phân tán nguồn lực.
Để vượt qua những khó khăn hiện tại, VICEM đang được yêu cầu tái cấu trúc toàn diện, tập trung vào cải thiện hiệu quả đầu tư và minh bạch hóa công tác quản lý. Tái khởi động dự án Vicem Tower là một bước đi tích cực, nhưng để khôi phục niềm tin và củng cố vị thế, doanh nghiệp cần một chiến lược rõ ràng hơn trong dài hạn. Sự lãng phí từ các dự án đình trệ và sai phạm trong quản trị vốn là bài học quý giá không chỉ với VICEM mà còn cho các doanh nghiệp nhà nước nói chung.
Nguồn: hoanhap.vn