Tổng Công ty UDIC: Quản lý và phát triển hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Là một trong những Tổng Công ty chủ lực trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, doanh nghiệp mạnh và thương hiệu uy tín trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng, những năm qua, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (Tổng Công ty UDIC) đã đóng góp cho Nhà nước và Thủ đô nhiều công trình, dự án trọng điểm, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, văn hoá, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tổng Công ty UDIC: Quản lý và phát triển hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Dự án UNIMAX TWIN TOWER (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) do Tổng Công ty UDIC đầu tư xây dựng.

Cùng với nhiệm vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh, Tổng Công ty UDIC đặc biệt chú trọng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Theo đó, bên cạnh việc ban hành các Nghị quyết, quy chế, quy trình… của Hội đồng thành viên Tổng Công ty nhằm cụ thể hóa Nghị định 61/2012/NĐ-CP, Nghị định 71/2012/NĐ-CP, Tổng Công ty còn tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát trong việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước; cử cán bộ có trách nhiệm, am hiểu công việc ở Tổng Công ty và doanh nghiệp thành viên để quản lý phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thành viên.

Kết quả, trong giai đoạn từ năm 2011-2015: Vốn Nhà nước tại Tổng Công ty tăng từ 1.541 tỷ đồng năm 2009 lên 2.750 tỷ đồng năm 2014 (gấp 1,78 lần); trong giai đoạn từ năm 2016-2020: Vốn Nhà nước tại Tổng Công ty từ 2.632,5 tỷ đồng năm 2015, tăng lên 4.436,3 tỷ đồng năm 2019 (gấp 1,67 lần). Kết quả này phản ánh vốn Nhà nước tại Tổng Công ty UDIC không những được bảo toàn, mà còn được phát triển.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty. Việc thực hiện các chỉ tiêu về: Lợi nhuận, cổ tức, khả năng thanh toán, vòng quay vốn… của phần lớn các doanh nghiệp thành viên cũng như của Công ty Mẹ vẫn duy trì được sự ổn định; quy mô vốn ở một số doanh nghiệp được nâng lên do phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ (14 Công ty) và bổ sung từ lợi nhuận giữ lại.

Nhờ uy tín về thương hiệu và năng lực, Tổng Công ty đã trúng thầu nhiều công trình lớn trong lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, hạ tầng, cấp nước… ở Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh như: Nam Định, Thái Nguyên… Các sản phẩm công nghiệp và vật liệu xây dựng như: Khóa và phụ kiện lắp cho cửa, gạch xây, ngói lợp, bê tông ứng suất trước… vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên như: Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội… đã quan tâm đến công tác đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng địa bàn kinh doanh, do đó, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh nâng lên rõ rệt.

Đồng thời, các công ty thành viên đã quan tâm đến công tác quảng bá thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp; trong đó, Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp là doanh nghiệp dẫn đầu Tổng Công ty trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích