Tổng Công ty UDIC: Áp dụng hiệu quả mô hình thông tin công trình trong xây dựng và quản lý vận hành

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, ngay từ năm 2017, Tổng Công ty UDIC đã triển khai áp dụng BIM vào các dự án, công trình của Tổng Công ty.

Tổng Công ty UDIC: Áp dụng hiệu quả mô hình thông tin công trình trong xây dựng và quản lý vận hành
Việc xây dựng một mô hình BIM của công trình ngay từ giai đoạn đấu thầu, giúp nhà thầu thi công hiểu rõ hơn về công trình, để đưa ra phương án thực hiện cho phù hợp.

Đến nay, UDIC đã bước đầu đạt được một số thành tựu nhất định. Theo đó, mô hình BIM đã giúp các Ban quản lý dự án có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo Tổng Công ty ra quyết định lựa chọn phương án thiết kế để triển khai các bước tiếp theo của dự án. Đây là một công việc rất quan trọng và không hề dễ dàng, nên việc có một mô hình BIM 3D – trực quan của công trình từ giai đoạn thiết kế, giúp có được cái nhìn thật hơn, toàn diện hơn về từng phương án, dễ phát hiện những điểm mạnh và điểm yếu của phương án thiết kế, sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc đánh giá lựa chọn phương án.

BIM giúp lập Biện pháp kỹ thuật thi công và Biện pháp tổ chức thi công đối với nhà thầu và phê duyệt nó với ban quản lý dự án. Đối với các công trình có điều kiện thi công khó khăn như mặt bằng thi công chật hẹp, công trình được xây thêm trong khuôn viên vẫn có các hoạt động khác… thì việc lập và phê duyệt Biện pháp kỹ thuật thi công và Biện pháp tổ chức thi công sẽ thuận lợi hơn với một mô hình BIM 3D, hoặc một đoạn video mô phỏng quá trình thi công. Theo đó, mô hình BIM của Biện pháp kỹ thuật thi công, Biện pháp tổ chức thi công và video mô phỏng quá trình thi công giúp nhà thầu lên kế hoạch thi công, phối hợp công việc tốt hơn làm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng thi công, tăng cường an toàn lao động trên công trường, từ đó tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công.

Bên cạnh đó, từ mô hình 3D tích hợp thêm tiến độ thi công, biểu đồ nhân công, BIM có thể mô phỏng quá trình thi công theo thời gian, giúp cho ban quản lý theo dõi tiến trình thi công, dễ dàng so sánh tiến độ cơ sở và tiến độ thực tế. Điều phối việc thực hiện dự án giữa các nhà thầu và các đơn vị liên quan, giúp lường trước và xử lý các tình huống xảy ra ở công trường.

Việc xây dựng một mô hình BIM của công trình ngay từ giai đoạn đấu thầu giúp nhà thầu thi công hiểu rõ hơn về công trình, lường trước được các khó khăn trong quá trình thi công để đưa ra phương án thực hiện cho phù hợp. Điều này đặc biệt hiệu quả đối với các dự án có yêu cầu kĩ thuật cao hoặc điều kiện thi công khó khăn.

Đồng thời dựa vào tính trực quan của mô hình BIM, nhà thầu xây lắp sẽ thấy trước được các bất cập trong hồ sơ thiết kế, từ đó có kế hoạch phối hợp với các bên liên quan để giải quyết. Điều này giúp giảm thiểu thời gian ngừng chờ xử lý xung đột ngoài ý muốn (xuất phát từ lỗi thiết kế hoặc từ việc không phù hợp giữa thiết kế và thi công) và qua đó cũng góp phần tiết kiệm chi phí cho dự án.

Từ thực tế cho thấy với các khối lượng phức tạp khó tính chính xác (như đào đất, hoặc sơn các cấu kiện kết cấu thép), nhà thầu thi công hoặc là mất rất nhiều thời gian để giải trình bảo vệ, hoặc là phải “tính non” chịu thiệt mất khối lượng, đồng thời ban quản lý khi xem xét nghiệm thu khối lượng cũng phải cân nhắc mất nhiều thời gian. Trong trường hợp này, việc cập nhật hiện trạng thi công thực tế vào mô hình BIM, có thể trích xuất chính xác nhanh chóng các khối lượng giúp việc nghiệm thu khối lượng thi công, làm hồ sơ thanh quyết toán công trình được nhanh hơn chính xác hơn.

Theo Tổng Công ty UDIC, việc áp dụng BIM góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình. Đây là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Tổng Công ty UDIC nói riêng và của ngành Xây dựng nói chung trong tương lai gần.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích