Tổng Công ty Kinh Bắc trước khi bị phạt vì không công bố thông tin dùng vốn trái triếu: Tồn kho trên 11.000 tỷ đồng, nửa năm 2023 thu lãi đậm
(Xây dựng) – Trước khi bị phạt do không công bố thông tin sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, Tổng Công ty Kinh Bắc đã ghi nhận kết quả kinh doanh “lãi đậm” trong quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận năm dù lượng hàng tồn kho ở mức trên 11.000 tỷ đồng.
Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu riêng lẻ, theo báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2023 của Kinh Bắc City. |
Bị phạt vì giấu thông tin dùng trái phiếu
Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (gọi tắt là Tổng Công ty Kinh Bắc, mã chứng khoán: KBC) có địa chỉ tại lô 7B, Khu công nghiệp Quế Võ, phường Phương Liễu, thị ã Quế Võ, Bắc Ninh.
Cụ thể, KBC bị phạt 85 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. KBC bị Thanh tra UBCKNN phạt vì hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
KBC có các vi phạm khi không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020. KBC gửi nội dung công bố thông tin không đúng thời hạn cho HNX các tài liệu: Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã được soát xét; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2021.
Doanh thu tăng mạnh nhờ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp
Trong quý II/2023, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã chứng khoán: KBC) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.051 tỷ đồng.
Kinh Bắc City ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2023 và 6 tháng đầu năm. |
Doanh thu thuần tăng mạnh đã giúp cho cho lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Kinh Bắc đạt 1.492 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Kinh Bắc tăng 63,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 138 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lại giảm nhẹ 2,7 tỷ đồng, xuống còn 152,4 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng gấp gần 18 lần, đạt 151 tỷ đồng và chi phí doanh nghiệp tăng gấp hơn 3 lần, đạt 299 tỷ đồng.
Trong kỳ, Tổng Công ty Kinh Bắc ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.030 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và lãi trước thuế đạt 1.027 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, Tổng Công ty Kinh Bắc báo lãi 746,8 tỷ đồng trong quý II/2023.
Giải trình về lợi nhuận hợp nhất quý II/2023 tăng 1.069 tỷ đồng so với năm cùng kỳ năm 2022 (lỗ sau thuế hợp nhất quý II/2022 là 323,02 tỷ đồng), KBC cho biết nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ này Công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Kinh Bắc ghi nhận 4.274 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, Tổng Công ty Kinh Bắc mang về 1.803 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 9 lần so với lũy kế 6 tháng đầu năm 2022.
Giải trình về lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 tăng 1.868 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, KBC cho biết nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ này Công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đến ngày 21/8, Tổng Công ty Kinh Bắc đã bổ sung công bố Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 với doanh thu thuần gấp 4 lần cùng kỳ năm 2022, đạt 4.551 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần kết quả cùng kỳ năm trước, đạt 2.068 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng 265 tỷ đồng, tương đương mức tăng 14,7% so với báo cáo tự lập công bố trước đó.
Giải trình về chênh lệch kết quả kinh doanh giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo tài chính soát xét, KBC cho biết nguyên nhân khác biệt chủ yếu là do tăng doanh thu và giảm chi phí quản lý trong kỳ.
Như vậy, với mục tiêu đặt ra mang về doanh thu hợp nhất là 9.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế là 4.000 tỷ đồng trong năm 2023, sau nửa năm sản xuất kinh doanh, KBC đã hoàn thành lần lượt 51% kế hoạch doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận năm.
Bất động sản tồn kho tại 10 dự án ở mức trên 11.000 tỷ đồng
Tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, Tổng Công ty Kinh Bắc có tổng cộng tài sản đạt 33.616 tỷ đồng, giảm 1.290 tỷ đồng so với thời điểm hồi cuối năm 2022. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 26.107 tỷ đồng, chiếm 77,6% tổng cộng tài sản của KBC. Đáng chú ý, trong tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho chiếm tới 45,5% với 11.897 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Tổng Công ty Kinh Bắc đạt 11.897 tỷ đồng tính tới thời điểm ngày 30/6. |
Trong đó, có 10 dự án đang tồn kho, đáng chú ý có 3 dự án có chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cao nhất, bao gồm: Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát với 7.894 tỷ đồng; Dự án Khu công nghiệp Tân Phú Trung có 1.119 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Phúc Ninh với 1.113 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2023, Công ty đang nắm giữ 312.177 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo với giá trị đạt 7,4 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản đầu tư ngắn hạn vào Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoa Sen đạt 1.854 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của KBC tính tới thời điểm ngày 30/6/2023 ở mức 7.508 tỷ đồng, trong đó có tới 4.759 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn. Bất động sản đầu tư đạt 1.040 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với thời điểm cuối năm 2022.
Theo chia sẻ về tình hình hoạt động của công ty vào thời điểm ngày 23/6, ông Phạm Phúc Hiếu (Phó Tổng giám đốc KBC) cho biết, tình hình tài chính của KBC có thể nói là tốt nhất từ trước tới nay, từ đầu năm đến giờ có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính tiếp xúc với KBC để đề nghị tài trợ dự án.
Nợ phải trả của Tổng Công ty Kinh Bắc tính tới thời điểm ngày 30/6/2023 đạt mức 13.837 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cuối năm 2022. Nợ ngắn hạn giảm 31,3%, xuống còn 7.331 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản vay ngắn hạn còn 904 tỷ đồng, giảm 3.047 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, nợ dài hạn lại có xu hướng tăng nhẹ 0,2%, đạt mức 6.505 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu KBC trên sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Trong năm, Công ty đã vốn hóa chi phí đi vay tổng cộng là 149,2 tỷ đồng Việt Nam. Các khoản chi phí đi vay này liên quan đến khoản vay nhằm đầu tư xây dựng phát triển Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Khu đô thị Phúc Ninh, Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Duệ, Khu đô thị Tràng Cát và các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác của Công ty.
Tính tới thời điểm ngày 30/6/2023, Tổng Công ty Kinh Bắc có vốn chủ sở hữu đạt 19.779 tỷ đồng, tăng 10,8% so với hồi cuối năm ngoái, như vậy, vốn chủ sở hữu của KBC đang chiếm gần 59% tổng cộng nguồn vốn. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP tăng 1,2%, qua đó nâng thị giá lên 33.600 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: Báo xây dựng