“Tôn sư trọng đạo” – truyền thống quý báu
(Xây dựng) – Hàng năm, cứ đến ngày 20/11 là dịp Nhân dân cả nước, hệ thống trường học, học sinh, sinh viên, phụ huynh hân hoan chào đón, có những hoạt động như một lễ hội quan trọng để tri ân nhà giáo.
“Tôn sư trọng đạo” – truyền thống quý báu của dân tộc ta. |
Bắt nguồn từ lịch sử thế giới, tháng 7/1946 tại Paris (Cộng hoà Pháp) ra đời Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục và đến năm 1949 tổ chức này phát triển mang tên Liên đoàn Giáo dục quốc tế (FISE), ban hành Hiến chương các Nhà giáo…
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời thống nhất nền giáo dục, Ngày Hiến chương Nhà giáo được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngày 26/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167/HĐBT do Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.
“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống lớn của dân tộc. Ngày 20/11 là dịp đặc biệt để Nhân dân, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên cũng như phụ huynh có những hoạt động tri ân, tôn vinh, ghi nhận thành tựu, thành tích của ngành Giáo dục, của địa phương, các trường học từ mầm non đến cao đẳng, đại học, cống hiến của các nhà giáo cho sự nghiệp trồng người.
Ngày nay, đất nước ta là một quốc gia mới nổi. Để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, nước phát triển vào năm 2045, ngành Giáo dục và Đào tạo có sứ mệnh lịch sử là đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế toàn diện, phù hợp xu hướng thời đại.
Với đường lối coi giáo dục và đạo tạo, khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, nhân tố con người là quyết định. Thời cơ đã đến và cơ hội đang đặt ra cho đội ngũ nhà giáo, một ngành có gần 1,3 triệu cán bộ, công chức, viên chức, đông đảo nhất trong các ngành kinh tế – xã hội cả nước, vững bước thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2023 của Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” trong giai đoạn mới.
Ngành Xây dựng Việt Nam có một hệ thống các trường đào tạo, bao gồm học viện, các trường đại học Xây dựng, Kiến trúc, các trường cao đẳng, học nghề, hàng trăm trường đại học của các ngành đều tham gia đào tạo lĩnh vực xây dựng với đội ngũ đông đảo cán bộ giảng dạy, giáo viên là lực lượng góp phần đào tạo nguồn lực lao động chất lượng cao cho đất nước.
Nguồn: Báo xây dựng