Tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng với phương pháp MFCA

MFCA là phương pháp quản lý giúp doanh nghiệp nhận diện, phân tích và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sử dụng nguyên liệu. Nó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn chi phí ẩn liên quan đến lãng phí từ đó tối ưu hóa quy trình sản xuất.

MFCA đem lại 4 nhóm lợi ích chính: Giảm lãng phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất/Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao cạnh tranh. Cụ thể, MFCA giúp xác định và giảm lãng phí nguyên vật liệu thông qua việc phân tích dòng vật liệu, chúng ta có thể thấy lượng nguyên vật liệu không được sử dụng hiệu quả, từ đó đề ra biện pháp cải thiện.

MFCA giúp bảo vệ môi trường thông qua việc tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, như là giảm lượng chất thải – khí thải. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí xử lý mà còn cải thiện uy tín về trách nhiệm môi trường.

MFCA giúp nâng cao cạnh tranh thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất và loại bỏ các khâu không hiệu quả, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và ổn định hơn. Sản phẩm có chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế hơn so với đối thủ trên thị trường; MFCA giúp doanh nghiệp nhận diện chính xác các khoản chi phí ẩn và lãng phí trong quy trình sản xuất. Việc giảm thiểu lãng phí trực tiếp giúp giảm tổng chi phí, qua đó doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm với giá thành thấp hơn, tạo lợi thế cạnh tranh;

MFCA giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững. Những cải tiến này không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Để phân tích MFCA, trải qua 4 bước cơ bản đó là: Thu thập dữ liệu – Phân loại dòng nguyên liệu – Tính toán chi phí – Đề xuất cải tiến. Bước đầu tiên là thu thập dữ liệu. Đây là bước quan trọng đảm bảo rằng các thông tin đầu vào đầy đủ và chính xác nhằm phục vụ cho việc phân tích dòng chảy nguyên liệu và tính toán chi phí.

Bước thứ 2 là phân loại dòng nguyên liệu. Để phân loại dòng nguyên liệu khi phân tích MFCA, doanh nghiệp cần thực hiện các bước. Đầu tiên là xác định quy trình sản xuất và nguyên liệu đầu vào, sau đó cần xem xét quá trình chuyển hóa nguyên liệu trong mỗi giai đoạn sản xuất, từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất trung gian đến khi ra sản phẩm cuối cùng để xác định rõ phần nguyên liệu nào được sử dụng để tạo ra sản phẩm và phần nào bị loại bỏ dưới dạng phế thải, sản phẩm hỏng, hoặc tổn thất lãng phí;

Bước thứ 3 là tính toán chi phí. Trong MFCA, chi phí được phân loại thành ba nhóm chính: Chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận hành sản xuất và chi phí xử lý lãng phí.

Bước thứ 4 là đề xuất cải tiến. Đề xuất cải tiến trong phân tích MFCA là quá trình đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu, năng lượng, hệ thống trong quá trình sản xuất hoặc kinh doanh. Qua phân tích MFCA, doanh nghiệp có thể nhận diện nguồn lãng phí cụ thể từ đó đề xuất các biện pháp cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, tăng cường tính cạnh tranh.

Sau khi đề xuất cải tiến được thực hiện, doanh nghiệp cần giám sát kết quả và đánh giá hiệu quả của biện pháp. Điều này giúp xác định xem liệu lãng phí có được giảm thiểu và chi phí có được tối ưu hóa không.

Có thể thấy, MFCA giúp doanh nghiệp không chỉ nhìn vào những gì họ sản xuất mà còn chú ý đến những thứ họ mất đi trong quá trình đó, từ đó tối ưu hóa từng dòng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Nhưng điều đặc biệt là, phương pháp này không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp. Bất kể lĩnh vực, loại hình kinh tế- xã hội có thể áp dụng, thậm chí áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đặc biệt là trong học tập và sinh hoạt của các bạn sinh viên.

 Tiểu My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích