Tội phạm công nghệ cao “len lỏi” vào từng gia đình
Nhiều “cạm bẫy”
Ngày 19/4, Công an phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, tiếp nhận trình báo của ông K và bà L về việc có người gọi điện thoại tự giới thiệu là nhân viên mạng di động Vinaphone trao đổi với nội dung ông K sử dụng cước điện thoại hết 2 triệu đồng. Ngay sau đó, có một người khác tự giới thiệu là cán bộ Công an, gọi điện thoại sử dụng hình ảnh qua Zalo, mặc quần áo Cảnh sát thông báo số điện thoại của bà L hoạt động mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền, yêu cầu bà L chuyển tiền để phục vụ điều tra.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao cảnh giác để không “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo. |
Do quá lo sợ, bà L đã bảo chồng mang 2 quyển sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu để cùng ra ngân hàng rút và chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, do thời gian qua ông K luôn được Công an tuyên truyền cảnh giác về thủ đoạn lừa đảo qua mạng dạng tương tự và ông thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo tội phạm trên Fanpage Tuổi trẻ công an quận Tây Hồ nên đã biết đó là lừa đảo. Vì thế, ông K chở bà L ra trụ sở Công an phường trình báo để không dính bẫy của các đối tượng lừa đảo qua mạng.
Có thể thấy, việc cập nhật những cảnh báo của cơ quan chức năng về các phương thức thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo là vô cùng hữu ích. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như trường hợp trên. Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã công bố danh sách 28 bị hại trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những người này bị lừa đảo gần 36 tỷ đồng.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an thành phố Hà Nội, mặc dù cơ quan chức năng cùng báo chí truyền thông liên tục cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến vẫn đang lan rộng với nhiều chiêu trò ngày càng bài bản, tinh vi. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội đe dọa người dân rằng họ có liên quan đến vụ án ma túy; bắt cóc trẻ em; rửa tiền hoặc thông báo thuê bao di động của bị hại liên quan đến việc các đối tượng lợi dụng để đăng tải các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước và sẽ bị cắt thuê bao…
Đồng thời, các đối tượng thông báo bị hại sẽ có lệnh bắt tạm giam, phong tỏa tài sản, cắt thuê bao di động (có trường hợp, các đối tượng làm giả các lệnh bắt, gửi qua mạng xã hội cho bị hại để đe dọa). Khi bị hại lo sợ, chúng sẽ yêu cầu phải hợp tác với cơ quan chức năng để chứng minh tiền trong sạch, không liên quan đến tội phạm bằng cách đi đến ngân hàng đăng ký tài khoản và dịch vụ ngân hàng điện tử, cung cấp các thông tin đăng nhập, mã OTP cho đối tượng, rút sổ tiết kiệm, vay tiền gửi vào tài khoản mới mở. Khi bị hại gửi hết tiền vào tài khoản mới mở mang tên mình, đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng và chuyển hết tiền đến các tài khoản khác của chúng để chiếm đoạt.
Chủ động phòng ngừa
Theo báo cáo của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Trong tuần qua (từ 15-21/4) có 132 trường hợp tấn công vào trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam: 106 trường hợp tấn công lừa đảo (Phishing), 26 trường hợp tấn công cài cắm mã độc. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2024, NCSC đã ghi nhận 124.579 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức. Các đối tượng sử dụng website giả mạo này để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2024, riêng Công an quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận 183 đơn trình báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng số tiền người dân bị lừa lên tới hơn 47 tỉ đồng. Trong đó có tới 69 vụ người dân bị lừa đảo dưới hình thức làm cộng tác viên, thực hiện nhiệm vụ để hưởng “hoa hồng”; 34 vụ giả danh nhân viên ngân hàng; 35 vụ chiếm đoạt (hack) tài khoản mạng xã hội Facebook và Zalo; 12 vụ giả danh cơ quan tư pháp…
Trung tá Trần Xuân Hải – Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, qua công tác nắm tình hình địa bàn, chúng tôi xác định cứ 10 người thì có 6 – 7 người nhận được các cuộc gọi lừa đảo của tội phạm công nghệ cao và với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, biến đổi liên tục nên người dân khó có thể nắm bắt hết được. Do vậy, Công an quận Hoàn Kiếm đã ban hành kế hoạch “Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng”.
Theo Trung tá Trần Xuân Hải, với kế hoạch này, mỗi cán bộ chiến sĩ sẽ trở thành 1 tuyên truyền viên và lực lượng Cảnh sát khu vực đóng vai trò quan trọng. Mỗi cảnh sát khu vực lại phụ trách nhóm Zalo tổ dân phố do mình theo dõi, quản lý, do vậy vào mỗi buổi sáng sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến các nhóm. Trong trường hợp người dân nhận được các cuộc gọi lạ, việc đầu tiên là sẽ gọi điện thoại cho cảnh sát khu vực để xác minh. Kế hoạch đã đạt được những kết quả nhất định khi có rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi của người dân đến Cảnh sát khu vực để xác minh các cuộc gọi lừa đảo. Chúng tôi hy vọng sẽ chặn đứng được các chiêu trò của tội phạm công nghệ cao đang len lỏi vào từng gia đình…
Theo Trung tá Nguyễn Hà Đức Hưng – Phó Trưởng Công an phường Hàng Trống: “Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tục biến đổi thủ đoạn, phương thức hoạt động, thường xuyên cập nhật các công nghệ mới để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh. Loại tội phạm này thường hoạt động xuyên quốc gia, gây nhiều khó khăn cho công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế. Trong khi đó, việc trang bị các trang thiết bị, phần mềm hiện đại còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng bị thiếu hụt nên công tác điều tra, khám phá án gặp rất nhiều khó khăn”. |
Minh Phương
Nguồn: Báo lao động thủ đô