Tội làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bị xử lí thế nào?

Bạn đọc Hoàng Văn Hưng (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) hỏi: Tội làm giả hồ sơ để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bị xử lí thế nào?

Nội dung bạn hỏi, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, được quy định rõ tại điểm a, điểm b, Khoản 1, Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:

“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.

Đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng (Theo quy định tại khoản 2 điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022).

Đối với người lao động có hành vi vi phạm: Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022).

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích