Toàn cảnh đấu trường giữa voi và hổ độc nhất Việt Nam
Được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, Hổ Quyền là nơi diễn ra các trận tử chiến giữa voi và hổ. Đây được xem là công trình có kiến trúc độc đáo của Việt Nam và thế giới.
Hổ Quyền tọa lạc gần đồi Long Thọ (phường Thủy Biều, TP Huế). Đấu trường được xây dựng vào năm Canh Dần (1830) để tổ chức những trận đấu giữa voi và hổ cho nhà vua, quan lại và dân chúng thưởng lãm. Đây cũng là nơi huấn luyện những con voi thiện chiến phục vụ vào mục đích quân sự.
Hổ Quyền được xây dựng theo kết cấu hình vành khăn với hai vòng tường thành. Vòng trong có chiều cao 5,9m, vòng ngoài cao 4,7m. Công trình được xây dựng nghiêng một góc 15 độ để tạo thế vững chãi.
Hổ Quyền có cấu trúc khá đơn giản nhưng vô cùng chắc chắn. Đấu trường được xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa chọn lựa kỹ càng. Vì lẽ đó, đến tận bây giờ, đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn.
Chu vi phía tường ngoài của Hồ Quyền là 145m, phần đường kính lòng chảo là 44m. Mặt trên của dải đất cao bằng vòng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn (chỉ gián đoạn ở vị trí khán đài nơi vua ngồi).
Tường thành có trổ 5 cửa chuồng hổ với kích thước khác nhau và một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào thi đấu. Cửa voi đi rộng 1,9m, cao gần 4m. Con đường trên cửa vòm được thu hẹp bằng một cây cầu, cửa vòm có hai cánh bằng gỗ lớn, bản lề bằng đá.
Phía trên mỗi chuồng hổ được thiết kế để hứng ánh sáng mặt trời. Hổ được nhốt ở đây trước khi đưa ra thi đấu. Trên trường vẫn còn in hàng loạt vết tích do móng vuốt của hổ tạo ra.
Khán đài nơi vua ngồi để xem các trận đấu quay mặt về hướng Nam. Khu vực này được xây cao và rộng hơn khán đài chạy quanh đấu trường. Vị trí này nằm đối diện với 5 chuồng hổ.
Đấu trường Hổ Quyền là nơi thu hút khá đông du khách. Nhiều người muốn đến đây chiêm ngưỡng công trình độc đáo vào loại bậc nhất ở Việt Nam.
Hệ thống thoát nước ở đấu trường Hổ Quyền được thiết kế thành hình đầu cá chép.
Trận đấu cuối cùng tại đấu trường Hổ Quyền diễn ra cách đây 120 năm dưới thời vua Thành Thái.
Đấu trường Hổ Quyền là di tích có kiến trúc độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Từ năm 1993, di tích này cùng với hệ thống di tích ở cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Năm 1998, đấu trường Hổ Quyền được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng