Toạ đàm y tế “Sức khỏe về gen và chống lão hóa”

Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, chiến lược phát triển khoa học công nghệ của ngành Y tế Việt Nam từ nay đến năm 2030 là những vấn đề liên quan phát triển về y học cá thể, trong đó có công nghệ về gene.

Toạ đàm y tế “Sức khỏe về gen và chống lão hóa”
Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang phát triển tại Tọa đàm.

Ông Quang khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học – công nghệ y tế, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đơn vị đầu mối hợp tác tại Việt Nam phối hợp, hợp tác triển khai nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ ở Việt Nam.

Các chuyên gia y tế cho rằng, thay vì phòng bệnh và các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ sớm, đa phần người dân Việt Nam chỉ quan tâm đến các vấn đề về sức khỏe và đi khám khi thấy xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng của bệnh. Trong khi nếu chủ động phòng ngừa, khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật, giảm tỷ lệ chi tiêu tiền túi cho chăm sóc sức khỏe, tăng hiệu quả điều trị.

Giáo sư, Tiến sĩ Shigeo Horie, Chủ tịch Hiệp hội Chống lão hóa Nhật Bản, chia sẻ tại toạ đàm các vấn đề về lão hoá, yếu tố di truyền và yếu tố môi trường của các bệnh đa yếu tố, như: Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, dị ứng, sa sút trí tuệ, trầm cảm…

Giáo sư Horie cho hay, các bệnh như: Ung thư, tim mạch và đột quỵ có tác động lớn đến cuộc sống, trong đó, yếu tố nguy cơ chính của những bệnh này là tuổi tác. Hầu hết bệnh nhân thường phát bệnh sau 50 tuổi, và nguy cơ mắc bệnh gia tăng nhanh chóng theo sự lão hóa. Tuỳ vào mã gen mà con người mắc phải những bệnh khác nhau.

Đột quỵ nằm trong nhóm các bệnh lý gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra có 32 loại gen liên quan căn bệnh này. Theo Giáo sư Horie, những người có nguy cơ cao bị đột quỵ, nếu không chú ý đến việc thay đổi lối sống, sẽ đối diện với khả năng bị bệnh gấp 3 lần người bình thường. Do đó, kết quả giải mã gen sẽ xác định chính xác tuổi thọ sinh học, từ đó có thể dự đoán bệnh trong tương lai, giảm rủi ro khi mắc bệnh.

Toạ đàm y tế “Sức khỏe về gen và chống lão hóa”
GS Horie của Nhật Bản (thứ 2 bên phải qua), chia sẻ thông tin tại buổi Tọa đàm.

Công nghệ giải mã gen của Công ty Revita sở hữu do Giáo sư Shigeo Horie cùng nhóm nghiên cứu của ông nghiên cứu, giải mã được 3,2 tỷ tế bào gen, giúp con người hiểu rõ những ẩn số về tình trạng, thể chất, dinh dưỡng và những yếu tố di truyền. Đây là cơ sở để có thể tiên liệu và lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe đúng hướng. Nói cách khác, kết quả phân tích bộ gen có thể góp phần dự đoán một số bệnh nguy hiểm, thường gặp trong thời đại hiện nay.

Phương thức kết hợp giải mã ký tự gen và liệu pháp sau giải mã của Giáo sư Shigeo Horie được cho là đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng, từ trẻ sơ sinh, trẻ ở độ tuổi đến trường, người trưởng thành, người lớn tuổi… Phương thức này được thực hiện bằng cách lấy DNA từ mẫu nước bọt, hoặc mẫu máu, có kết quả sau khoảng 2-3 tháng.

Sau khi có kết quả giải mã bộ gen, khách hàng, bệnh nhân sẽ được tư vấn chuyên sâu, giúp chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân thông qua tập luyện ăn uống, bổ sung “tố chất” theo đúng cơ địa để phòng ngừa ung thư, giảm thiểu nguy cơ tai biến và các bệnh lý mãn tính…, góp phần giúp họ có một tương lai khoẻ mạnh, “đảo ngược quá trình lão hoá”, kéo dài tuổi thọ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà hiện là đại diện duy nhất tại Việt Nam cùng Công ty Revita cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe theo phương thức giải mã gen. Bệnh viện sẽ tư vấn miễn phí, khám sàng lọc bệnh nhân trước khi đưa sang giải mã gen và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Juntendo, Nhật Bản.

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích