Toạ đàm Phát triển nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản

Toạ đàm Phát triển nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản

MTĐT –  Thứ năm, 25/08/2022 10:27 (GMT+7)

Tọa đàm nhằm hướng tới mục tiêu đánh giá triển vọng cho các kênh vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) đồng thời khuyến nghị các giải pháp giúp thị trường vốn phát triển bền vững, lành mạnh

Ngày 24/8, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang Thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn) và Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) tổ chức tọa đàm: “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”.

Toạ đàm có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, tài chính, tổ chức huy động vốn, ngân hàng thương mại, tổ chức xếp hạng, công ty kiểm toán. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, hiện nay, thị trường BĐS rơi vào trầm lắng, xu hướng doanh nghiệp nợ đọng với kỳ hạn ngày càng dài, tốc độ triển khai dự án chậm và áp lực lãi vay ngày càng lớn.

Việc hầu hết các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp BĐS hiện nay bao gồm vay ngân hàng, phát hành trái phiếu… gần như tắc nghẽn kể từ quý II/2022 đã tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp xây dựng và BĐS.

Đề cập đến một số giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị cần sửa đổi nhanh Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ để phục hồi thị trường TPDN đang bị đình trệ do thủ tục và lòng tin nhà đầu tư suy giảm.

Cùng với đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp BĐS có dư nợ trái phiếu lớn, thời gian đáo hạn trong kỳ tới cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi trả, mạnh dạn phát hành trái phiếu mới hoặc bán các dự án, tài sản dở dang… nhằm duy trì thanh khoản, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Phát triển nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản - Ảnh 2.
Toàn cảnh Tọa đàm – Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Theo các chuyên gia, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính; kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới; nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn, quan tâm rủi ro hệ thống tài chính; chú trọng điều tiết cung – cầu BĐS. Bên cạnh đó, sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua.

Tiếp tục kiểm soát tình trạng sốt BĐS đất nền, đầu cơ, thao túng giá…; đẩy nhanh đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Hoàn thiện thể chế theo hướng sửa đổi Nghị định 153 và Nghị định 156 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đồng thời rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, nhất là điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp, quy định cần thiết có xếp hạng tín nhiệm. Quy định phân nhóm phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp; phân nhóm TPDN.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải hoàn thiện mình, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết; huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, quan tâm quản lý rủi ro tài chính, lãi suất, tỉ giá, dòng tiền.

Hoàng Mai (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích