Tọa đàm: ‘Nâng cao hiệu quả Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp vươn tầm quốc tế’
Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một giải thưởng đơn thuần, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân.
Có 3 dấu mốc quan trọng phải kể đến trong quá trình phát triển GTCLQG đó là: Giai đoạn 1 (1996 – 1999), đây là giai đoạn xây dựng những nền tảng ban đầu, các hoạt động chủ yếu mang tính tuyên truyền nhằm xây dựng phong trào năng suất chất lượng;
Giai đoạn 2 (2000 – 2008) đánh dấu bước ngoặt quan trọng thể hiện ở hai sự kiện: Năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia chính thức Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (GPEA); Từ năm 2001, Thủ tướng Chính Phủ quyết định tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp đoạt giải Vàng. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá đúng mức vị trí, tầm quan trọng của GTCLQG đối với sự phát triển và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam;
Giai đoạn 3 (từ 2009 – đến nay), đây là giai đoạn phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ vị thế, vai trò của một giải thưởng ở tầm quốc gia.
GTCLQG là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo quy tắc quốc tế – thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương.
TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng GTCLQG nhấn mạnh: “GTCLQG thông qua các tiêu chí đánh giá, giúp doanh nghiệp hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động sản xuất – kinh doanh – dịch vụ bằng việc tiếp cận chất lượng theo một hệ thống các giá trị cốt lõi”.
Để cập nhật những diễn biến mới nhất của hoạt động GTCLQG, đồng thời giúp hiểu rõ hơn giá trị của GTCLQG trong tiến trình đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trên chặng đường hội nhập quốc tế, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả GTCLQG, hỗ trợ doanh nghiệp vươn tầm quốc tế”.
Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời:
+ Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Tiêu Chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL) – Ủy viên Thư kí Hội đồng GTCLQG.
+ Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)
+ Ông Nguyễn Minh Quý – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quý Phát
Chương trình sẽ được cập nhật trên các hệ thống của Chất lượng Việt Nam Online – VietQ.vn.
Các vị khách mời tham gia chương trình tọa đàm trực tuyến.
MC: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Phùng Mạnh Trường. Thưa ông, trong nhiều năm triển khai, GTCLQG đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về phong trào nâng cao năng suất chất lượng tại Việt Nam. Nhìn lại hành trình đã qua, ông đánh giá ra sao về những giá trị mà Giải thưởng đã mang lại?
Ông Phùng Mạnh Trường: GTCLQG được thành lập từ năm 1995 và chính thức triển khai từ năm 1996, như vậy tính đến nay cũng đã gần 30 năm hình thành và phát triển. Đánh giá tổng quan về hoạt động GTCLQG, trước đây có tên gọi là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. GTCLQG được xem là một trong những hoạt động chính của phong trào năng suất chất lượng của Việt Nam từ những năm 1990 cho đến nay.
Trong quá trình phát triển, tính đến hiện tại có khoảng 2.030 lượt doanh nghiệp được trao tặng GTCLQG, trong đó có 52 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương. Tôi đánh giá doanh nghiệp đạt GTCLQG là những doanh nghiệp đi đầu trong phong trào năng suất chất lượng không chỉ tại địa phương mà trong phạm vi toàn quốc. Đây cũng là những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, góp phần to lớn cho việc nâng cao năng suất chất lượng tại Việt Nam. Từ đó, khẳng định vị thế, vai trò của nước ta trong phong trào năng suất chất lượng tại khu vực và trên thế giới.
MC: Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, với vai trò là đại diện tiếng nói của đông đảo doanh nghiệp, ông nhìn nhận gì về vai trò của Giải thưởng đối với DN hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Toàn: GTCLQG hiện nay đã khẳng định vị thế là giải thưởng cao quý nhất cho doanh nghiệp, được Chính phủ trao tặng cho doanh nghiệp. Nhìn vào tiêu chí của giải thưởng, có thể thấy, giải thưởng tạo ra các tiêu chuẩn lý tưởng cho doanh nghiệp hướng tới.
Trên thực tế, trong nhiều năm nay, số lượng doanh nghiệp tham gia giải thưởng ngày càng tăng, thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp dù đã nhiều lần đạt giải Vàng nhưng vẫn theo đuổi và tiếp tục tham gia Giải thưởng. Điều này cho thấy bản thân các doanh nghiệp đánh giá cao và rất coi trọng giải thưởng này cũng cho thấy bản thân giải thưởng mang lại nhiều lợi ích, tác động tốt tới doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc Chính phủ giao Bộ KH&CN phụ trách tổ chức giải thưởng là hoàn toàn hợp lý và Bộ KH&CN đã làm rất tốt vai trò đơn vị tổ chức. Việc đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí mang tầm phổ quát chứ không chỉ dựa trên khía cạnh khoa học công nghệ. Các tiêu chí của giải thưởng rải đều trên nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố có ảnh hưởng tới quá trình phát triển của doanh nghiệp từ tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý, tri thức, công nghệ, đầu ra, đầu vào của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
GTCLQG được xây dựng dựa trên mô hình giải thưởng ở Mỹ và thực tế cho thấy các doanh nghiệp tiên tiến tại Mỹ cũng tham gia giải thưởng rất nhiều và thông thường chỉ đạt 70-80 điểm trên tổng số điểm đề ra trong tiêu chí xét giải. Có thể nói, không chỉ Việt Nam, giải thưởng tạo ra mô hình lý tưởng cho doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí xét chọn giải thưởng.
Khi tham gia GTCLQG, cái lợi đầu tiên là doanh nghiệp tự soi chiếu, nhìn lại mình xem doanh nghiệp đang ở vị trí nào, điểm nào đã làm được, điểm nào chưa tốt hoặc chưa làm được. Khi đưa ra bản tiêu chí của giải thưởng, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần nhìn vào là biết ngay thực trạng của mình.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài.
Tôi thấy khi tham gia GTCLQG, doanh nghiệp đạt được lợi ích kép. Một là doanh nghiệp đạt giải thưởng được vinh danh và nâng cao uy tín, thương hiệu. Hai là doanh nghiệp biết được vị trí của mình đang ở đâu để tự soi chiếu và hoàn thiện.
Tuy nhiên, có một điều tôi thấy tiếc là giải thưởng rất cao quý nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia chưa tương xứng, công tác truyền thông cho GTCLQG chưa đủ mạnh. Khi làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi phải chuẩn bị bộ tài liệu vô cùng thực chất, kéo dài cả trăm trang giấy, dù điều này đôi khi là rào cản nhưng theo tôi vẫn nên giữ nguyên tiêu chí và bộ tài liệu với độ khó cao để nâng cao chất lượng doanh nghiệp dự giải. Sắp tới, tôi nghĩ nên đẩy mạnh thêm công tác truyền thông cho giải thưởng để đến với nhiều doanh nghiệp hơn.
MC: Là doanh nghiệp từng tham gia Giải thưởng nhiều năm và vinh dự đạt được Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, xin ông cho biết lý do gì khiến doanh nghiệp gắn bó với “sân chơi” này như vậy?
Ông Nguyễn Minh Quý: Quý Phát đã tham gia và gắn bó với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia từ năm 2019. Đây là giải thưởng duy nhất được Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm hàng hóa, vì thế có thể nói đây là giải thưởng cao nhất về chất lượng.
Cùng với đó, đây là giải thưởng có độ khó cao nhất trong các giải thưởng về chất lượng, số lượng doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được trao là không nhiều, đây cũng chính là thử thách mà Quý Phát muốn chinh phục.
Tham gia GGTCLQG, đối với Quý Phát là vinh dự rất lớn, và đây cũng là kết quả trong nhiều năm nỗ lực của công ty. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại và đánh giá toàn diện hệ thống sản xuất kinh doanh của mình, từ đó cải tiến chất lượng khẳng định uy tín và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để công ty quảng bá hình ảnh sản phẩm ra thị trường và hơn nữa giúp người tiêu dùng có cái nhìn khắt khe hơn về sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt trên thị trường.
MC: Thưa ông Phùng Mạnh Trường! GTCLQG với 7 tiêu chí đánh giá, vậy ông có thể cho biết rõ hơn về 7 tiêu chí này và đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp DN có thể tiếp cận và đáp ứng hiệu quả?
Ông Phùng Mạnh Trường: GTCLQG được hình thành dựa trên mô hình GTCLQG của Hoa Kỳ đã có từ năm 1988. Trong giai đoạn phát triển của hoạt động GTCLQG Hoa Kỳ, chúng ta thấy rằng các tiêu chí của GTCLQG của Hoa Kỳ được cập nhật liên tục, dựa trên nền tảng của hệ thống quản lý chất lượng cũng như nguyên tắc quản lý chất lượng tiên tiến theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới.
TS. Phùng Mạnh Trường – Phó viện trưởng Phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.
Trong quá trình hình thành GTCLQG của Việt Nam đến nay, 7 tiêu chí của giải thưởng vẫn tuân thủ dựa trên nguyên tắc của GTCLQG Hoa Kỳ. Đây là nền tảng quan trọng cho quá trình hình thành và phát triển của GTCLQG Việt Nam có cơ hội hội nhập với khu vực và thế giới, đồng thời có khả năng tiệm cận với các nguyên tắc về quản trị chất lượng hiện nay.
Nếu để đánh giá đâu là yếu tố quan trọng, theo quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng không nên xem nhẹ bất kỳ tiêu chí nào, bởi vấn đề là mức độ quan trọng của tiêu chí do doanh nghiệp tự quyết định, vào từng thời điểm, giai đoạn mà doanh nghiệp áp dụng. Ví dụ, vào giai đoạn đầu tiếp cận GTCLQG doanh nghiệp cần xác định rằng, tiêu chí quan trọng nhất trong giai đoạn này chính là vai trò tầm nhận thức của người lãnh đạo, bởi lãnh đạo là người nhận thức và quyết định hướng đi của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2 khi doanh nghiệp đã áp dụng tốt thì cần hướng đến những tiêu chí khác. Ví dụ như đối với doanh nghiệp lớn thì vai trò của tiêu chí nguồn lực lao động hay tiếp cận tiêu chí liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất lại là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp.
Hoặc đối với những doanh nghiệp nhỏ thì chú trọng nguồn lực bên ngoài, tận dụng nguồn lực sẵn có và nâng cao hệ thống quản trị nội bộ, tùy từng thời điểm, quy mô mà doanh nghiệp phải quyết định tiêu chí nào là quan trọng nhất. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng dù với tiêu chí nào thì doanh nghiệp cũng cần vận dụng linh hoạt, đồng bộ các tiêu chí, tận dụng nguồn lực mới phát huy được hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ hệ thống quản trị.
MC: CMCN 4.0 đang tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động DN. Vậy, 7 tiêu chí trên đã có những thay đổi hay bổ sung gì để phù hợp với bối cảnh mới, thưa ông?
Ông Phùng Mạnh Trường: GTCLQG tác động đến nhiều đối tượng, trong đó đối tượng thứ nhất là cơ quan quản lý nhà nước – cơ quan tổ chức và điều hành GTCLQG tại trung ương và địa phương; đối tượng thứ 2 là doanh nghiệp – những người áp dụng trực tiếp mô hình giải thưởng; đối tượng thứ 3 là người tiêu dùng và xã hội – được hưởng lợi từ việc áp dụng của doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển hoạt động giải thưởng từ trung ương đến địa phương.
Trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động giải thưởng cũng phải thay đổi từ chính 3 đối tượng này. Đơn cử như đối với cơ quan quản lý nhà nước, về mặt chủ trương, chính sách, đặc biệt là hệ thống văn bản liên quan đến GTCLQG có nhiều thay đổi. Ví dụ, năm 2019, Bộ KH&CN đã xây dựng Thông tư 27 hướng dẫn chi tiết Nghị định 78 liên quan đến hoạt động GTCLQG nói riêng cũng như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung. Thông tư 27 có một số thay đổi cơ bản, trước tiên là thay đổi liên quan đến hình thành các Hội đồng sơ tuyển. Trước đây, Hội đồng sơ tuyển chỉ được thành lập ở địa phương đến nay theo Thông tư 27 được thành lập ở các bộ, ngành.
Mục đích chính của thay đổi này là lôi cuốn sự tham gia và nâng cao hiệu quả tham gia của các bộ, ngành vào GTCLQG. Nghĩa là các bộ, ngành cũng quản lý hoạt động doanh nghiệp và bản thân mỗi bộ, ngành cũng có doanh nghiệp mà do bộ, ngành đó trực tiếp quản lý. Việc tham gia của các bộ, ngành nhằm thúc đẩy sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp, là tín hiệu tích cực bởi đồng thời vừa đảm bảo lôi cuốn doanh nghiệp, vừa nâng cao vị trí, vai trò của các bộ, ngành tham gia trực tiếp vào GTCLQG.
Thứ hai, trước kia ở địa phương thường chú trọng đến các hình thức tham gia GTCLQG. Tuy nhiên hiện nay, ngoài việc chú trọng đến phong trào thì địa phương rất quan tâm đến việc lựa chọn doanh nghiệp từ bước ban đầu.
Các đối tượng phân rất rõ như: Với đối tượng chưa đủ điều kiện để được trao giải thì địa phương sẽ định hướng doanh nghiệp áp dụng GTCLQG như một mô hình công cụ quản lý, giúp doanh nghiệp nhận diện điểm yếu, khoảng trống, khoảng cách khiến họ chưa đạt được GTCLQG.
Đồng thời, địa phương sẽ dùng các chính sách hỗ trợ tại địa phương như hỗ trợ tham gia chương trình năng suất tại địa phương để doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến và nhiều biện pháp khác để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, rút ngắn dần khoảng cách tiến đến GTCLQG. Sau khoảng thời gian 1 – 2 năm hoặc một khoảng thời gian nhất định, doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện tham gia GTCLQG.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương cho 4 doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp đạt giải thì phải có cơ chế khuyến khích, ví dụ như sau khi đạt giải thì quyền lợi của doanh nghiệp là gì, tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giải thưởng. Nhưng điều quan trọng hơn hết chính là xây dựng các mô hình điểm, mô hình thực hành tốt để các doanh nghiệp tại địa phương hướng đến học hỏi và chia sẻ. Hiện tại nhiều địa phương đang làm rất tốt mô hình này.
Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng rất mong muốn ngoài việc mở rộng tiêu chí áp dụng cho khối doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thì mở rộng thêm các nhóm đối tượng khác như y tế, giáo dục, các cơ quan trong hệ thống chính trị,… vì ở các nước thì đối tượng này đã được tham gia và cũng có những tiêu chí riêng để đánh giá. Đây cũng là cách tiếp cận mới mà chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian tới Tổng cục với tư cách là cơ quan đầu mối, cơ quan thường trực về GTCLQG sẽ có định hướng mới trong Chương trình năng suất chất lượng.
Một điểm mới nữa là năm 2022, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 13 liên quan quy định về định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động GTCLQG. Mục đích để làm cơ sở cho việc xây dựng kinh phí cho hoạt động GTCLQG không chỉ ở trung ương mà còn ở các địa phương.
Đây là vấn đề rất quan trọng vì từ trước đến nay tại địa phương cũng vướng mắc trong việc huy động nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho GTCLQG. Do đó, bản thân Thông từ 13 cũng là một giải pháp nhằm một phần gỡ bỏ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề kinh phí triển khai GTCLQG tại trung ương và địa phương.
MC: Thưa ông Toàn! Được biết, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang gặp vô vàn khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng như tác động bất lợi từ tình hình chung cả trên thế giới và trong nước. Theo ông, GTCLQG sẽ hỗ trợ và giúp ích gì cho DN để vượt qua khủng hoảng này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, có thể nói doanh nghiệp thời điểm này mới “ngấm” Covid-19. Cuộc khủng hoảng chính trị toàn cầu cũng dẫn tới hệ quả là công tác bảo hộ nguồn lực trong nước tăng lên, dẫn tới giao thương bị hạn chế, doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu vào do nguồn cung công nghệ suy giảm, việc xuất khẩu công nghệ sang nước khác bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, công nghệ để vận hành sản xuất.
Có một điều đáng buồn là từ cuối năm 2022 tới 6 tháng đầu năm 2023 số lượng doanh nghiệp giải thể lại nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Nếu tình trạng này không thay đổi, không có giải pháp tất nhiên sẽ có nhiều hệ luỵ như lao động thất nghiệp tăng, nền kinh tế bị suy thoái.
Quay lại câu chuyện với các doanh nghiệp tham gia GTCLQG, có thể đánh giá đây là các doanh nghiệp có sức chống chịu tốt. Theo khảo sát thì hiện chưa có doanh nghiệp nào tham gia giải thưởng phải giải thể trong thời gian vừa rồi vì họ có hệ thống tốt.
Các doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng có sức khoẻ toàn diện, do vậy, dù dịch bệnh hay bão tố gây khó khăn thì họ vẫn chống chịu được, kể cả đó là Covid-19 hay khó khăn gì chăng nữa. Đặc biệt, tiêu chí của giải thưởng cũng nhấn mạnh tới việc phát triển bền vững doanh nghiệp (từ quản trị đầu vào, đầu ra, quá trình sản xuất, tầm nhìn, chiến lược của lãnh đạo) nhờ đó doanh nghiệp có thể vượt qua đại dịch.
Thời gian qua, chúng tôi đã kiểm tra, đánh giá nhiều doanh nghiệp, kể cả trong bối cảnh dịch chúng tôi thấy có doanh nghiệp trong dịch thực hiện 3 tại chỗ rất tốt, vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường, đó là điều tuyệt vời. Vì rõ ràng, riêng với doanh nghiệp tham gia giải thưởng, tiêu chí đã đề cập cả việc doanh nghiệp phải có phương án đề phòng rủi ro. Nhìn thoáng qua, những tiêu chí của giải thưởng có vẻ xa vời nhưng rất thiết thực với doanh nghiệp, đặc biệt là hướng doanh nghiệp tới sự hoàn thiện, vượt qua các khó khăn.
MC: Các tiêu chí của Giải thưởng đã được Quý Phát ứng dụng ra sao và mang lại hiệu quả như thế nào trong hoạt động kinh doanh, thưa ông Quý?
Ông Nguyễn Minh Quý: Trước tiên, chúng ta có thể khẳng định 7 tiêu chí của GTCLQG rất khoa học và chặt chẽ, giúp mỗi doanh nghiệp có thể kiểm tra và rà soát quy trình quản trị về nguồn nhân lực, quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng đầu vào, đầu ra sản phẩm…
Ông Nguyễn Minh Quý – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quý Phát.
Khi áp dụng 7 tiêu chí, chúng tôi cũng thấy rằng đây như một tấm gương phản chiếu để doanh nghiệp tự soi, tự hoàn thiện chính mình. Lợi ích đầu tiên mà công ty được hưởng khi tham gia GTCLQG chính là thông qua hoạt động đánh giá của Hội đồng chuyên gia, thông qua quá trình đánh giá có thể nhận thấy điểm mạnh, điểm yếu, từ đó hoàn thiện việc nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế trên thị trường.
7 tiêu chí đã được Quý Phát áp dụng minh chứng cho khách hàng và người tiêu dùng, có thể thấy chất lượng sản phẩm thật sự của công ty. Bên cạnh đó, việc áp dụng 7 tiêu chí còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng và động lực để công ty hoàn thiện hơn về mọi lĩnh vực quản trị, cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm.
MC: Được biết, năm 2022, Hội đồng Quốc gia đã có nhiều hoạt động thẩm định, đánh giá tại doanh nghiệp được đề cử. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các doanh nghiệp tham dự giải?
Ông Phùng Mạnh Trường: Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt giai đoạn dịch bệnh Covid-19 là thời điểm rất quan trọng để nhìn nhận được mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp đã từng tham gia và đạt GTCLQG.
Nhìn chung, GTCLQG là công cụ để “thăm khám” doanh nghiệp định kỳ, nếu áp dụng hiệu quả các tiêu chí của GTCLQG thì doanh nghiệp sẽ biết được tình trạng sức khỏe của mình, từ đó đưa ra các giải pháp củng cố hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Trong 2 năm 2021, 2022, chúng tôi có thống kê và đưa ra con số điển hình như sau: Trong 83 doanh nghiệp đang đăng ký tham dự GTCLQG năm 2022 thì tổng doanh thu khoảng 805 nghìn tỷ đồng – gấp khoảng hơn 3 lần so với năm 2021, mặc dù số lượng doanh nghiệp tham dự của năm 2022 ít hơn khoảng 10% so với năm 2021; lợi nhuận khoảng trên khoảng 50 nghìn tỷ – gấp hơn 3 lần so với năm 2021; đóng ngân sách Nhà nước khoảng 45 nghìn tỷ – gấp hơn 3 lần so với năm 2021; đối với số lực lượng lao động trong 83 doanh nghiệp này khoảng 227 nghìn lao động – gấp khoảng 3 lần so với năm 2021…
Điều này cho thấy mặc dù khó khăn như vậy trong 2 năm 2021, 2022 nhưng mức độ quan tâm, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia hoạt động GTCLQG năm 2022 tăng hơn rất nhiều. Những con số cũng chứng minh rằng càng trong lúc khó khăn thì doanh nghiệp tham dự GTCLQG càng khẳng định vị thế và mức độ trưởng thành, phát triển bền vững.
Qua thực tế đánh giá, chúng tôi thấy rằng thực sự doanh nghiệp tham dự GTCLQG là những doanh nghiệp có mức độ phát triển tương đối bền vững, không chỉ ở địa phương mà ở quy mô toàn quốc, có những doanh nghiệp khẳng định mình cả khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy chúng ta rất tin tưởng về kết quả sản xuất kinh doanh và vị thế của doanh nghiệp tham dự GTCLQG, tin tưởng vào 7 tiêu chí của giải thưởng.
Chỉ có điều là các doanh nghiệp sẽ vận dụng như thế nào 7 tiêu chí vào thực tiễn; cơ quan quản lý và điều hành hoạt động GTCLQG hỗ trợ, truyền thông như thế nào; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, trung ương, địa phương ra sao để nâng cao giá trị của hoạt động GTCLQG.
Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thấy rõ điểm tích cực khi tham gia GTCLQG không chỉ là vấn đề đạt giải, mà doanh nghiệp còn phải nhìn thấy GTCLQG như một công cụ cải tiến. Mục đích cuối cùng không chỉ là hướng đến giải thưởng mà là giúp doanh nghiệp hoàn thiện bản thân, đó mới chính là giá trị đích thực cũng là giúp doanh nghiệp đến gần với giải thưởng hơn.
MC: Thưa ông, trong quá trình sát cánh cùng DN, ông có thể chia sẻ những khó khăn và thuận lợi của DN khi tham gia GTCLQG? Ông có những gợi mở gì giúp các DN giải quyết được những khó khăn đó và tham gia nhiều hơn với giải thưởng?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Theo tôi đánh giá, các tiêu chí cho doanh nghiệp tham gia giải thưởng rất khó. Thực tế chúng tôi đi tuyên truyền có doanh nghiệp nói giải thưởng tiêu chí khó như thế liệu chúng tôi là đơn vị nhỏ có tham gia và có cơ hội đạt giải hay không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng giải thích rõ cho doanh nghiệp rằng, giải thưởng có cơ cấu rất rộng, bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Thậm chí, có những doanh nghiệp sau khi đạt giải Vàng, chúng tôi đề xuất tham dự Giải thưởng Chất lượng Châu Á-Thái Bình Dương thì đều đạt giải của khu vực. Điều này cho thấy GTCLQG có tầm vóc, uy tín lớn, là danh hiệu cao quý cho doanh nghiệp để vươn ra thế giới.
Đối với doanh nghiệp, khó khăn khi tham gia giải thưởng là để đáp ứng tiêu chí giải thưởng doanh nghiệp phải thay đổi, phấn đấu rất nhiều, trải qua nhiều bước, nhiều cơ quan thẩm định, từ hội đồng địa phương tới quốc gia, quy trình khó khăn không giống các giải phong trào khác (tiêu chí đơn giản, không mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp).
Quan điểm của Bộ KH&CN là giữ vững vị thế, uy tín của giải thưởng, do đó chúng ta không xã hội hoá giải thưởng dù còn khó khăn về kinh phí. Tiêu chí giải thưởng khó càng khiến doanh nghiệp khi đạt giải cảm thấy mình xứng đáng, tự hào và giải thưởng thực sự mang lại sự thay đổi tích cực và giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
Để tăng cường truyền thông và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giải thưởng, cần có sự vào cuộc cả hệ thống, Nhà nước và nhân dân cùng làm, đặc biệt cần có kế hoạch nuôi dưỡng doanh nghiệp theo các tiêu chí của giải thưởng, khi họ đã hoàn thiện sẽ tham gia dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần sự kết hợp, chung tay của không chỉ các Chi cục, Sở KH&CN mà còn các đơn vị, bộ ngành khác ví dụ như các Sở Công Thương, Bộ Công Thương.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, tiêu chí giải thưởng khó càng khiến doanh nghiệp khi đạt giải cảm thấy mình xứng đáng, tự hào và giải thưởng thực sự mang lại sự thay đổi tích cực và giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
Theo đề xuất của tôi, Bộ KH&CN cần làm việc với các tỉnh để chỉ đạo các đơn vị liên quan vận động, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia GTCLQG, coi giải thưởng là thước đo để các tỉnh “cạnh tranh”, phấn đấu vì đây là giải thưởng cao quý cấp quốc gia, tỉnh nào có nhiều doanh nghiệp đạt giải thì càng khẳng định được vị thế của tỉnh.
MC: Có ý kiến cho rằng, GTCLQG là thước đo cho sự uy tín, tin cậy của doanh nghiệp với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng. Là “người trong cuộc”, ông nhận định gì về quan điểm này?
Ông Nguyễn Minh Quý: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, GTCLQG không chỉ là tấm gương để doanh nghiệp soi mình mà còn là thước đo vô cùng quan trọng để doanh nghiệp khẳng định uy tín với người tiêu dùng và vị thế với đối tác và khách hàng.
Về phần mình, GTCLQG đã và đang tạo cơ hội cho Công ty Quý Phát có thể học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý, đây không chỉ là giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp mà còn là thước đo đánh giá năng lực, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Tham gia giải thưởng không chỉ giúp doanh nghiệp hoàn thiện bằng việc áp dụng công cụ quản lý tiên tiến mà còn góp phần nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Vậy nên để đạt được GTCLQG doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí và chuẩn mực khắt khe, từ đó, người tiêu dùng, đối tác và khách hàng có thể nhìn vào đó để tạo dựng niềm tin và đánh giá được doanh nghiệp.
MC: Thưa quý vị và các bạn! Giải thưởng Chất lượng Quốc gia trải qua sự đánh giá vô cùng khắt khe với sự tham gia của đại diện các bộ ngành, thông qua việc chấm điểm theo 7 tiêu chí. Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham dự giải thưởng đều mong muốn hoàn thiện mình để không chỉ vì mục tiêu phát triển bền vững mà xa hơn là cạnh tranh có hiệu quả trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Thưa ông Toàn, ông nhận định như thế nào về khả năng đáp ứng các tiêu chí của GTCLQG và Giải thưởng quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương đối với DN Việt Nam. Điểm yếu của DN Việt nằm ở đâu so với các DN nước ngoài khi áp dụng các tiêu chí này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Đây là câu hỏi khá hay. Hiện nay, việc tiếp nhận các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã có chọn lọc do vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã khác xưa rất nhiều. Các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam phần nhiều là doanh nghiệp có hệ thống quản lý và công nghệ tốt, họ có nền tảng do xuất phát từ các nước trình độ cao hoặc được thừa hưởng sự hỗ trợ, đầu tư của công ty mẹ, các công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Bởi vậy, khi mình đưa các tiêu chí để vận động doanh nghiệp tham gia giải thưởng họ chỉ nhìn qua là biết có rất nhiều điểm đáp ứng tốt tiêu chí. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thường phản hồi là tiêu chí giải thưởng khó.
Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu giải thưởng, chúng tôi cũng giải thích và hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc tiếp cận tiêu chí giải thưởng. Phải khẳng định mục tiêu của giải thưởng không phải để doanh nghiệp có được một danh hiệu mà mục tiêu là để doanh nghiệp hoàn thiện chính mình.
Tôi nghĩ cơ quan nhà nước cần có kế hoạch nuôi dưỡng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển tốt, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí mà giải thưởng đề ra. Phải tạo nên một phong trào tham gia giải thưởng ở các địa phương, các tỉnh với nhau.
MC: Được xem là DN mẫu mực trong việc áp dụng mô hình tự đánh giá qua tiêu chí của Giải thưởng, ông đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh của DN Việt đối với DN gia dụng nước ngoài khi mà mô hình tự đánh giá này cũng được rất nhiều DN áp dụng?
Ông Nguyễn Minh Quý: Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu mang đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội và cũng song hành nhiều thách thức.
Việc tham gia GTCLQG đã và đang tạo ra những cơ hội cho Quý Phát được học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng để quản lý, chính vì thế, sau khi được trao GTCLQG, Quý Phát đã có những bước tiến đáng kể trong sản xuất kinh doanh. GTCLQG không đơn thuần chỉ là giải thưởng mà còn là công cụ để doanh nghiệp hoàn thiện khả năng tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuẩn tiên tiến của thế giới đã và đang áp dụng.
Việc áp dụng công nghệ và công cụ quản lý tiến tiến là cách thiết thực để sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của chúng tôi trước hết có khả năng tiếp cận thị trường sau đó là có khả năng cạnh tranh cao so với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trong nước và quốc tế.
Chính vì thế, việc tham gia GTCLQG là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm gia dụng trong nước và nước ngoài. Chúng tôi đã vượt qua 2 năm đại dịch khốc liệt, đây có thể coi là bước ngoạn mục khi doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng mạnh trước, trong và sau đại dịch Covid-19.
MC: Câu hỏi cuối xin được gửi đến ông Phùng Mạnh Trường. Thưa ông, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ có những định hướng gì để nâng cao giá trị Giải thưởng và thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia?
Ông Phùng Mạnh Trường: Muốn hoạt động GTCLQG phát triển và đi vào thực chất chúng ta phải lôi cuốn được sự quan tâm của doanh nghiệp. Tất cả hoạt động kèm theo của Hội đồng GTCLQG, Hội đồng sơ tuyển, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành… sẽ cần phải có những chương trình hành động hoặc giải pháp cụ thể làm sao thúc đẩy được mong muốn của doanh nghiệp.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chưa có thông tin đầy đủ về GTCLQG. Phải khẳng định rằng để đạt được GTCLQG – giải thưởng mang tầm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng không phải điều dễ dàng, tỷ lệ doanh nghiệp đạt giải rất ít. Do vậy, trở ngại ở đây là doanh nghiệp nghĩ rằng đã tham gia phải đạt giải. Chính điều này là rào cản của doanh nghiệp.
Nhưng ngược lại, nếu doanh nghiệp nghĩ rằng đạt giải không phải mục tiêu cuối cùng mà mục tiêu chính là tham gia GTCLQG để được chia sẻ, áp dụng những mô hình tiên tiến, để được các chuyên gia tư vấn, đánh giá, hướng dẫn áp dụng mô hình giải thưởng song song với những mô hình mà bản thân doanh nghiệp đang áp dụng thì đấy chính là lợi ích tự thân của việc tham gia GTCLQG. Đây là vấn đề liên quan đến tuyên truyền, phổ biến GTCLQG mà các cơ quan quản lý ở địa phương và trung ương cũng phải tiến hành.
Vấn đề thứ hai về các hoạt động thực tế. Hiện nay, các hoạt động GTCLQG từ trung ương đến địa phương chỉ hướng đến hoạt động xem xét, đánh giá, trao giải, tôi nghĩ là chưa đủ, đây là hạn chế mà bản thân chúng tôi cũng nhìn nhận thấy. Vậy thì giải pháp ở đây là chúng ta phải tiến hành rất nhiều hoạt động đi kèm, ví dụ phải hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng được đội ngũ chuyên gia đánh giá của chính doanh nghiệp về GTCLQG – đây được xem là giải pháp căn cơ quyết định hoạt động giải thưởng đi vào thực chất của doanh nghiệp.
Vấn đề thứ ba, chúng ta phải tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng hệ thống tài liệu hướng dẫn cho doanh nghiệp để diễn giải 7 tiêu chí. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động đào tạo. Nếu để doanh nghiệp tự đào tạo là rất khó mà hoạt động này phải do các cơ quan quản lý điều hành từ trung ương tới địa phương. Các cơ quan quản lý phải chủ động xây dựng các chương trình đào tạo cho nhiều mức độ của doanh nghiệp, phân ra các mức độ như: doanh nghiệp mới tham gia lần đầu, đã tham gia, đã đạt giải… với từng giai đoạn khác nhau.
Ngoài ra, có một thực tế là đâu đó, hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương vẫn chưa “nét”, bởi vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh các hoạt động mang tính phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ hơn về GTCLQG.
MC: Thưa quý vị và các bạn,
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, năng suất và chất lượng là yếu tố vô cùng quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Qua gần 30 năm triển khai, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã và đang thể hiện tốt sứ mệnh kiến tạo, khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Việc tham dự Giải thưởng giúp doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm… Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đạt Giải thưởng quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp tham dự GTCLQG không chỉ vì mục tiêu đạt giải mà mục đích thiết thực hơn là được sử dụng các tiêu chí của GTCLQG như một công cụ tự đánh giá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và cải tiến hoạt động quản lý của mình.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
NPV