Tọa đàm: Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính
Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.
Năm 2022, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhưng cũng đánh dấu những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản. Nhờ sự phối hợp hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ban, ngành, đã có nhiều loại nông sản được các thị trường khó tính chấp nhận.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã liên tiếp ký các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây, thực phẩm sang Trung Quốc như: chanh leo, chuối, sầu riêng, khoai lang, tổ yến…
Mới đây, Mỹ cũng đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép xuất khẩu; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam; trong khi đó, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đã xuất hiện ở các siêu thị của Mỹ, EU, Nhật Bản…
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong năm 2022, bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh: “sau 2 năm đại dịch, nhờ có sự chuẩn bị tốt, chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng mừng. Bản thân Chánh Thu cũng vậy, trong năm vừa qua chúng tôi và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã có tăng trưởng cao.”
Những kết quả trong việc mở cửa thị trường đã góp phần giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27,0%. Đến nay, đã có 08 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 02 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ).
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định việc xuất khẩu nông sản đi các nước sẽ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, có thể giai đoạn này sẽ là căng thẳng Nga – Ukraine, dịch Covid-19, giá đầu vào tăng cao, nhưng sang giai đoạn khác có thể sẽ là các hàng rào thuế quan…
Thực tế cho thấy, thời gian qua giá vật tư đầu vào tăng cao, đơn cử giá phân bón chiếm tới 20% giá thành sản xuất. Đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để bà con nông dân nhìn lại cách thức tổ chức và tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí đầu vào, đạt hiệu quả kinh tế. Không chỉ vậy, việc mở cửa thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường. Vì vậy chúng ta cần có kế hoạch sản xuất bài bản, từ khâu phát triển, duy trì và mở rộng thị trường. Đây là cơ sở để tọa đàm trực tuyến: mở cửa thị trường nông sản – cơ hội và thách thức được tổ chức.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu