Tọa đàm chuyên đề: Phát triển ngành Halal
Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham gia phiên thảo luận liên quan đến phát triển ngành Halal.
Triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện nghiên cứu hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về Halal của Việt Nam và thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia.
Phiên thảo luận với chủ đề phát triển ngành Halal.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết thoả thuận hợp tác về tiêu chuẩn đo lường chất lượng bao gồm cả lĩnh vực Halal với Iran, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhât (UAE) và dự kiến sẽ ký kết với Malaysia, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Các thoả thuận này sẽ giúp tăng cường năng lực về tiêu chuẩn và chứng nhận Halal cho Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, tiến tới ký kết các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau với cơ quan chứng nhận Halal quốc gia tại thị trường này.
Thực hiện đề án nghiên cứu tiêu chuẩn liên quan đến Halal của các nước Hồi giáo, trên cơ sở 05 TCVN đã có, Bộ KH&CN xây dựng kế hoạch hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam về Halal, trong đó dự kiến xây dựng 30 TCVN bao gồm các tiêu chuẩn về thuật ngữ định nghĩa, tiêu chuẩn Halal lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế, thực phẩm, da giầy, thảm trải sàn, bao bì, du lịch và dịch vụ, đánh giá sự phù hợp, chuỗi cung ứng Halal. Bộ tiêu chuẩn quốc gia này là công cụ kỹ thuật quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu, áp dụng đúng đắn vào sản xuất kinh doanh của mình để đạt chứng nhận sản phẩm Halal được thuận lợi.
TS. Hà Minh Hiệp trao đổi tại phiên thảo luận.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp Việt Nam về việc làm thế nào để giảm chi phí, ông Hiệp cũng chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về yêu cầu của tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm được chứng nhận Halal, đặc biệt với mỗi thị trường xuất khẩu các tiêu chuẩn này khác nhau. Do đó, nếu không hiểu về tiêu chuẩn này thì việc đầu tư từ khâu ban đầu đến sản phẩm cuối cùng có thể sẽ không phù hợp, dẫn đến đầu tư sai, dàn trải và đây là chi phí vô cùng lớn cho doanh nghiệp khi bước đầu tham gia vào ngành kinh tế Halal.
Theo ông Hiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang xúc tiến thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, cần có nghiên cứu bài bản về hệ thống của các quốc gia đối với Halal, vấn đề thủ tục chứng nhận, quản lý chuỗi…
Ông Hà Minh Hiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam tiếp cận thị trường đạo Hồi, phi Đạo Hồi và nghiên cứu để Việt Nam trở thành thành viên quan sát của Diễn đàn các tổ chức công nhận Halal của Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC).