Tọa đàm Áp dụng BIM trong công trình giao thông của Thành phố Hà Nội
Tọa đàm Áp dụng BIM trong công trình giao thông của Thành phố Hà Nội
BIM không chỉ là công cụ kỹ thuật số mà còn là nền tảng tin cậy giúp ra quyết định.
Nhằm thúc đẩy quá trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, ngày 24/4/2024, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã tổ chức Tọa đàm “Áp dụng BIM trong công trình giao thông của Thành phố Hà Nội ” phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, Viện Kinh tế Xây dựng, và Công ty TNHH Công nghệ cao Hài Hòa.
Theo TS Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế đầu tư và xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, BIM đóng vai trò quan trọng trong việc số hóa thông tin công trình thông qua mô hình không gian ba chiều (3D), hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình. BIM không chỉ là công cụ kỹ thuật số mà còn là nền tảng tin cậy giúp ra quyết định.
Với việc triển khai BIM, TP Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn chi tiết nội dung áp dụng BIM đối với công trình giao thông, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và kết nối giữa các hệ thống. TS Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết rằng: Hướng dẫn này tập trung vào các giai đoạn từ chuẩn bị dự án đến đưa công trình vào vận hành.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ và thảo luận về việc ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công và quản lý dự án cầu đường. Cùng với đó, việc áp dụng BIM trong xây dựng hệ thống giao thông thông minh cũng được đặc biệt quan tâm.
Đây được xem là một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dự án giao thông tại TP Hà Nội, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng TP Hà Nội thông minh, hiện đại.
Theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình áp dụng BIM chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Sau khi theo dõi, đánh giá giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Chính phủ sẽ đưa ra lộ trình áp dụng cụ thể cho giai đoạn 3.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị