Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng: Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại 04 tỉnh, thành phố phía Nam
(Xây dựng) – Thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao, từ ngày 26/8 – 30/8 Tổ công tác đặc biệt phòng, chống Covid-19 của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tại 04 tỉnh, thành phố bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Tổ công tác tập trung kiểm tra việc cung cấp nước sạch, việc ứng cứu chống ngập, việc duy trì thu gom xử lý rác thải đặc biệt là rác thải y tế, công tác hỏa táng, xây dựng và vận hành bệnh viện dã chiến, vận hành các tòa nhà trong khu giãn cách…
Đoàn kiểm tra tại nhà máy xử lý nước thải Bình Dương. |
Các địa phương đã cơ bản chủ động trong việc cung ứng các tiện ích hạ tầng kỹ thuật
Qua kiểm tra thực tiễn tại các địa phương, Tổ công tác nhận định, các địa phương đã cơ bản chủ động trong việc cung ứng các tiện ích hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn như việc hỏa táng tại Thành phố Hồ Chí Minh, xử lý rác thải đặc biệt là rác thải y tế tại Long An, vấn đề nhiễm mặn trong cung ứng nước sạch, xử lý cục bộ nước thải có nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở cách ly và điệu trị dịch bệnh và đặc biệt là vướng mắc trong cơ chế đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bệnh viện dã chiến, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Kết quả kiểm tra tại các tỉnh, thành phố cụ thể như sau:
Sáng ngày 26/8, Tổ công tác đã kiểm tra và đánh giá một số nội dung tại tỉnh Đồng Nai, bao gồm: Công tác cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn): Qua kiểm tra các cơ sở cung ứng, tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường với công suất trên 500 ngàn m3/ngày đêm, duy trì mọi hoạt động sản xuất bằng cách duy trì hoạt động 3 tại chỗ. Kiểm tra tại Công ty Cổ phần môi trường Sonadezi việc thu gom rác thải trong khu dân cư, khu cách ly và các Bệnh viện dã chiến, Đoàn ghi nhận các đơn vị đã chủ động đáp ứng nhu cầu hiện nay, đồng thời đã lưu ý các đơn vị trong mùa mưa bão cần có biện pháp ứng phó kịp thời để đảm bảo chống ngập lụt cho toàn tỉnh.
Về bệnh viện dã chiến, Đoàn cũng ghi nhận và đánh giá việc Đồng Nai tạm chuyển đổi các ký túc xá thành các Bệnh viện thu dung, Bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung. Hiện các cơ sở này đều được vận hành trong điều kiện cho phép. Tuy nhiên, Đoàn cũng đã lưu ý việc các ca nhiễm của Đồng Nai vẫn chưa cao, do đó phải đề phòng tình huống các ca nhiễm tăng trong thời gian tới sẽ gây áp lực tới các Bệnh viện thu dung, Bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, cơ sở hoả táng và hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Song song đó, cũng cần kiểm tra, đánh giá và có công tác khử khuẩn nước thải từ các Bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung… trước khi thải ra môi trường.
Chiều ngày 26/8, Tổ công tác đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại một số địa điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại công trường xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), đây là một trong số ít công trình giao thông trọng điểm đang thi công trong thời điểm hiện nay. Đoàn đánh giá, việc thi công công trình trọng điểm trong thời điểm hiện nay là sự cố gắng rất lớn của các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, cũng cần phải làm tốt mọi công tác phòng chống dịch bệnh tại công trường theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.
Tổ công tác cũng đến kiểm tra công tác vận hành cơ điện tại cụm chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của lãnh đạo UBND phường 2, khu chung cư này có 17 block với gần 9.800 người dân sinh sống là địa bàn nằm trong vùng đỏ của thành phố. Sau khi nghe báo cáo, Đoàn đề nghị chính quyền phường ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân thì cũng cần có duy trì vận hành điện nước trong từng căn hộ và nhà ở để đảm bảo sinh hoạt bình thường của người dân trong điều kiện giãn cách.
Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh về bệnh viện dã chiến: Theo báo cáo, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 17 bệnh viện dã chiến và 03 bệnh viện có chức năng điều trị cấp độ 3, đáp ứng khoảng 71.000 giường bệnh. Trong số này có 05 khu hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai 04 bệnh viện hồi sức cấp cứu với khoảng 1.750 giường bệnh. Đoàn đề nghị Sở Xây dựng cần làm tốt các vấn đề quản lý chuyên ngành, đặc biệt trong thời điểm hiện nay cần đảm bảo triển khai nhanh các bệnh viện dã chiến còn dang dở, các trạm cung cấp oxy cho các bệnh viện dã chiến; đồng thời lưu ý, việc duy trì đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích hạ tầng kỹ thuật cho người dân của Thành phố Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng trong bối cảnh giãn cách xã hội. Về đề nghị của Sở Xây dựng cần có cơ chế tháo gỡ cho đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chống dịch theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sớm giải quyết việc này.
Đoàn kiểm tra tại bãi rác Đa Phước, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ngày 27/8, Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ công tác đã kiểm tra nhà máy nước Thủ Đức có công suất thiết kế 750.000 m3/ngày (trong tổng số khoảng 2 triệu m3/ngày đêm của thành phố), hiện đang duy trì hoạt động sản xuất 03 tại chỗ để cung cấp cho thành phố 650.000 m3/ngày đêm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhà máy đã lập và triển khai phương án 03 tại chỗ từ giữa tháng 06/2021 đến nay cho bộ phận phân xưởng điều hành tại nhà máy.
Đối với công tác thoát nước mưa, chống ngập úng, Đoàn công tác ghi nhận sự chủ động của thành phố trong công tác chống ngập trước mùa mưa. Hiện thành phố có 1.200 điểm thoát nước ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, để tăng cường, thành phố đã lắp đặt thêm 26 tổ máy bơm chống ngập, đã góp phần giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập do mưa lớn và 04 tuyến ngập do triều. Sau khi kiểm tra tại các trạm bơm chống ngập, Đoàn lưu ý Trung tâm Chống ngập cần có phương án ứng cứu sự cố khi xảy ra ngập lụt.
Đối với vấn đề xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn y tế: Thành phố Hồ Chí Minh thải ra 8-10 ngàn tấn rác/ngày, trong đó rác thải y tế 120 tấn/ngày (tăng hơn 5 lần so với thời điểm trước giãn cách). Từ ngày dịch bệnh tăng mạnh, người lao động tại công ty cũng như các công ty trong lĩnh vực môi trường phải căng mình làm việc. Gần 2.000 công nhân của công ty vẫn ngày đêm tỏa vào các con hẻm nhỏ để thu gom rác thải mặc dù đang trong thời gian giãn cách, đã có 1 số công nhân bị dương tính với Covid-19.
Tổ công tác đã kiểm tra công tác vận hành cơ sở hỏa táng tại Đa Phước với 07 lò đang hoạt động, đánh giá cao sự nỗ lực của đơn vị đồng thời lưu ý đơn vị vận hành và chính quyền Thành phố cần có chuẩn bị sớm hơn cho những diễn biến xấu hơn của dịch bệnh.
Ngày 28/8, tại tỉnh Bình Dương, Tổ công tác đã kiểm tra và đánh giá một số nội dung, về công tác cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật: Trên địa bàn tỉnh có 02 đơn vị cung cấp nước sạch với tổng công suất trên 2 triệu m3/ngày đêm. Theo đánh giá, với công suất này đủ cung cấp cho toàn địa bàn. Về thu gom và xử lý nước thải, hiện Bình Dương có Tổng Công ty Cổ phần Nước và Môi trường là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thu gom nước thải tại khu vực phía Nam với tổng công suất khai thác khoảng trên 45.000m3/trên 69.000m3/ngày đêm. Việc thu gom và xử lý rác thải hầu hết do Tổng Công ty này quản lý, vận hành, trong đó có lò đốt xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế với công suất gần 400 tấn/ngày. Sau khi đi thực địa, Đoàn công tác ghi nhận việc Bình Dương đã chủ động lên kịch bản nhằm ứng phó với các tình huống xấu hơn. Song song đó, Đoàn đã có đánh giá chung về các công tác cấp thoát nước, thu gom rác thải, xây dựng Bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung tại Bình Dương đã đáp ứng được yêu cầu của người dân trong thời điểm hiện nay.
Đối với việc triển khai xây dựng Bệnh viện dã chiến: Tỉnh đang áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng cho bệnh nhân Covid-19. Tổng số khu điều trị là 27 với trên 34.000 giường bệnh. Hiện tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng 11 Bệnh viện dã chiến với gần 17.000 giường, đang xây dựng 5 Bệnh viện dã chiến công suất trên 15.000 giường. Quá trình xây dựng Bệnh viện dã chiến được cải tạo từ các nhà xưởng tại địa phương được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, tuy nhiên còn 1 số vướng mắc về việc trưng thu, xử lý tài sản sau khi hết dịch; mô hình, bố trí mặt bằng công năng, khu vệ sinh, phòng cháy chữa cháy…
Bên cạnh đó, theo phản ánh của địa phương, việc đầu tư xây dựng Bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công đã được hướng dẫn cụ thể trong Luật Xây dựng và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc đầu tư Bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp còn một số vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công. Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án khẩn cấp chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện; về thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng và Nghị định 15 thì chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm giao tổ chức cá nhân thực hiện… nhưng Luật Đấu thầu lại quy định đối với các gói thầu theo lệnh khẩn cấp thì được chỉ định thầu. Việc này sẽ mất thêm thời gian, ảnh hưởng tiến độ xây dựng công trình.
Tiếp tục chuyến công tác, sáng ngày 29/8 tại tỉnh Long An, Tổ công tác đã kiểm tra công tác cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cung cấp nước sạch của tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chỗ của doanh nghiệp với 36 nhà máy và 1.413 trạm cấp nước nông thôn có tổng công suất gần 450.000m3/ngày đêm. Về xử lý rác thải y tế, hiện nay chất thải phát sinh từ các cơ sở điều trị và các khu cách ly tập trung từ 10-15 tấn/ngày. Theo kế hoạch tỉnh sẽ đầu tư, lắp đặt 6 lò đốt rác y tế có tổng công suất khoảng 10 tấn/ngày đêm. Trong thời gian chờ các lò đốt rác đi vào hoạt động, tỉnh đã cho thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo đúng quy định. Trước khó khăn và đề xuất của tỉnh Long An về việc hỗ trợ cho tỉnh lò đốt rác thải y tế, Đoàn công tác cơ bản thống nhất sẽ hỗ trợ địa phương xử lý vấn đề rác thải y tế. Ngoài ra, tỉnh cũng lập tổ kiểm tra công tác quản lý chất thải, nước thải và vệ sinh môi trường tại các cơ sở điều trị Covid-19 và khu cách ly tập trung. Tình hình thoát nước thải phát sinh từ các khu vực cách ly tập trung, Bệnh viện dã chiến đều được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế và xử lý khử khuẩn nước thải đầu ra, đảm bảo đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải y tế trước khi thải ra môi trường.
Về bệnh viện dã chiến, Đoàn ghi nhận có nhiều số liệu khả quan. Theo số liệu của UBND tỉnh cung cấp, toàn tỉnh có 26 Bệnh viện dã chiến với trên 13.000 giường; 36 khu cách ly tập trung với gần 5.800 giường. Long An cho biết Sở Y tế đang lên kịch bản cho số lượng 20.000 – 25.000 ca F0.
Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng đến ngày 26/8, toàn tỉnh Long An vẫn còn 170 công trường xây dựng đang hoạt động đều đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.
Tại buổi làm việc, tỉnh Long An kiến nghị 1 số vấn đề cấp bách với Bộ Xây dựng với mong muốn được hướng dẫn việc thẩm định, thanh quyết toán đối với các trường hợp xây dựng khẩn cấp, cụ thể việc thi công đang gặp khó khăn do vật tư, nhân công trong thời gian giãn cách tăng cao (chưa kể chi phí test Covid, ăn ở 3 tại chỗ cho công nhân, nguồn vật liệu khan hiếm dẫn đến suất đầu tư và chi phí biến động cao).
Chiều ngày 29/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng dịch của thành phố.
Ngày 30/8, tại quận 6 và quận 8 Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã kiểm tra, làm việc với chính quyền 02 quận và các đơn vị có liên quan để thực hiện nội dung công văn số 3185/TB-TCT của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ. Qua buổi làm việc, chính quyền quận 6 và quận 8 đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ kinh phí, vật tư, thuốc men và lực lượng y tế hỗ trợ trực tiếp cho y tế cơ sở tại quận.
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng làm việc với quận 6 và quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh – 2 quận này đang là điểm nóng về dịch bệnh. |
Khẩn trương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn công tác phòng chống Covid 19 tại các địa phương và yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng, Tổ công tác đã đề xuất, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo một số nội dung như sau:
Về xây dựng báo cáo nội dung thực hiện và kiến nghị của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng gửi Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, đề xuất giao Cục Hạ tầng kỹ thuật chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý hoạt động xây dựng dự thảo.
Đối với các nhiệm vụ theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Tổ công tác kiến nghị Bộ nghiên cứu trình Chính phủ quy chế đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp phục vụ phòng chống dịch bệnh, đề xuất giao Cục Quản lý hoạt động xây dựng chủ trì, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Cục Kinh tế xây dựng phối hợp dự thảo, hoàn thành trước 10/9/2021.
Hỗ trợ tỉnh Long An vấn đề xử lý rác y tế bằng hình thức nghiên cứu, mua sắm và trao tặng 02 lò cho tỉnh trước ngày 20/9/2021, đề xuất Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì nhiệm vụ, Cục Hạ tầng kỹ thuật phối hợp thực hiện.
Đối với nhiệm vụ bổ sung do Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ giao tại Công văn 3185/TB-TCT ngày 27/8/2021 cho Bộ Xây dựng trong việc trực tiếp hỗ trợ cho quận 6 và quận 8 của Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo phát động phong trào hỗ trợ về kinh phí, vật tư, thuốc men và sớm gửi lực lượng xung kích về y tế, thanh niên của Bộ Xây dựng với nòng cốt là các cán bộ, y bác sỹ của Bệnh viện Xây dựng, Bệnh viện Việt Trì. Tổ công tác đề xuất Bộ trưởng giao thêm một đồng chí Thứ trưởng phụ trách, chỉ đạo nhiệm vụ này.
Bổ sung, tăng cường thành viên tổ công tác trên cơ sở các nhiệm vụ mới của Bộ Xây dựng trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh để đảm bảo nhiệm vụ phụ trách trực tiếp quận 6 và quận 8 Thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ; bố trí kinh phí thực hiện cho Tổ công tác thông qua việc tiết kiệm chi phí thường xuyên của Bộ, đề xuất giao Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì lập dự toán, bố trí kinh phí, Văn phòng Bộ là đầu mối tổ chức thực hiện việc sử dụng theo quy định.
Đề xuất giao Cục Công tác phía Nam chủ động thành lập các nhóm cán bộ trực tiếp xuống các quận 6 và quận 8 Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện nội dung công văn số 3185/TB-TCT của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
Nguồn: Báo xây dựng