Tổ công tác của Thủ tướng ghi nhận, giải đáp 25 vướng mắc về dự án đầu tư

Trên tinh thần tháo gỡ “nút thắt” của các dự án để giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã tổng hợp, ghi nhận, cũng như giải đáp ngay 25 vướng mắc của Hà Nội trong 3 nhóm dự án là đầu tư công; sản xuất, kinh doanh và dự án đối tác công-tư (PPP).

to cong tac cua thu tuong ghi nhan giai dap 25 vuong mac ve du an dau tu
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành lắng nghe kiến nghị của UBND TP. Hà Nội tại hội nghị

Tại Hội nghị trực tuyến trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư tại Hà Nội do Bộ KH&ĐT tổ chức chiều 1/9, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, chỉ đạo của Thủ tướng chính là kim chỉ nam cho các hoạt động của Tổ công tác đặc biệt. Đó là “Chỉ ra được các vấn đề đúng và trúng, để làm sao tháo gỡ khó khăn cho các nguồn lực ở các dự án rất quan trọng, đang vướng mắc chưa được giải ngân trong thực tế. Bên cạnh đó, tinh thần là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với công tác thanh tra, kiểm tra”.

Gỡ ‘rào cản’ dự án đầu tư công cho Thủ đô

Liên quan đến dự án vốn đầu tư công, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội phân tích rõ những khó khăn xuất phát từ các quy định hiện hành, như thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công; công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp; dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, phương án thiết kế, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn chưa được pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể; chế độ, chính sách quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước có nhiều thay đổi…

UBND TP. Hà Nội cũng phân tích những hạn chế đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu xây lắp có quy mô nhỏ (giá trị dưới 20 tỷ đồng); vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, phải kéo dài thời gian dự án nhiều năm; thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cùng sự bất cập trong việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đặc biệt là khó khăn khi chuyển tiếp áp dụng các quy định mới.

Tổng hợp lại 11 phản ánh của Hà Nội trong triển khai dự án đầu tư công, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, 5 nội dung đã được các bộ, ngành, đơn vị liên quan phản hồi, giải thích rõ. 6 nội dung còn lại sẽ được ghi nhận, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh, sửa đổi.

Cụ thể, về thực hiện công tác báo cáo tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trong luật quy định cơ quan chuyên môn, hoặc UBND cấp huyện, địa phương đề xuất bổ sung thêm ban quan lý dự án. Đây là cơ quan trực tiếp làm chủ đầu tư, trực tiếp phê duyệt các thiết kế về dự toán nên sẽ làm việc nhanh hơn. “Vấn đề này liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, cần báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung. Trước mắt chưa sửa được thì các địa phương thực hiện đúng quy định hiện hành. Tổ công tác sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi nội dung này”.

Tổ công tác đặc biệt cũng ghi nhận và sẽ nghiên cứu các nội dung, như vướng mắc liên quan đến dự án nhóm A; làm rõ hơn điều khoản chuyển tiếp theo tinh thần đã phân cấp thì phân cấp cả điều chỉnh dự án, tránh tình trạng điều chỉnh phải báo cáo lại; về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của chủ tịch UBND cấp tỉnh, có thể phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện, hoặc cấp phó, hoặc cơ quan chuyên môn.

Trước thắc mắc của Hà Nội về việc triển khai dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của Luật nào, Tổ công tác cho biết: Luật Đầu tư công chỉ quy định về chấp nhận chủ trương đầu tư, tức là dừng ở thẩm định nguồn vốn, còn tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án có cấu phần xây dựng, thì thực hiện theo Luật Xây dựng…

Đáng chú ý, trả lời băn khoăn của Hà Nội về bố trí vốn đầu tư công cho công tác quy hoạch, Thứ trưởng Trần Duy Đông phân định rõ 2 nội dung, đó là 5 nhóm quy hoạch nằm trong Luật Quy hoạch được bố trí vốn đầu tư công và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành chưa được quy định rõ. Riêng đối với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành về xây dựng, Bộ Xây dựng quy định là sử dụng vốn sự nghiệp.

Đối với các quy hoạch chuyên ngành có tính chất chuyên ngành khác chưa có quy định, tại hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch diễn ra mới đây, Bộ KH&ĐT kiến nghị sử dụng vốn sự nghiệp và Thủ tướng đã đồng ý. Hiện việc này đang giao Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục về lập kinh phí chi.

Làm rõ nội dung liên quan đến dự án sản xuất, kinh doanh và dự án PPP

Đối với dự án đầu tư kinh doanh, đại diện UBND TP. Hà Nội đã chỉ rõ các vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án đầu tư. Trong đó vấn đề nổi cộm là sự “vênh” giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất Đai và các nghị định hướng dẫn đối với triển khai nhà ở thương mại trong các trường hợp chuyển mục đích sử dụng quỹ đất đang quản lý, sử dụng và nhận chuyển nhượng, góp vốn đất nông nghiệp hay các loại đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Ngoài ra, hạn chế nữa là sự chưa thống nhất về thủ tục giữa quy định về đầu tư và quy định về phát triển cụm công nghiệp.

Đặc biệt, Hà Nội đề nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường để phù hợp với tình hình hiện nay và đồng bộ triển khai thực hiện các luật và quy định mới được ban hành; Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành Hà Nội.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đề cập tới các vướng mắc về việc giao chủ đầu tư dự án, giao lập quy hoạch chi tiết; việc xác định chủ đầu tư đối với các đơn vị đang quản lý, sử dụng đất và vấn đề chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô nhỏ.

Đề xuất thêm, UBND TP. Hà Nội cho rằng, các bộ, ngành cần rà soát, sớm ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với lĩnh vực chuyên ngành và xã hội hóa để thực hiện đồng bộ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Liên quan đến dự án đầu tư PPP, đại diện UBND TP. Hà Nội đề cập đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu của công trình PPP do nhà đầu tư thực hiện theo quy chế lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế. Hiện chưa có quy định rõ về công tác quản lý, giám sát thực hiện dự án. Thêm vào đó, quy định không đầy đủ về thực hiện chuyển tiếp đối với các dự án xây dựng-chuyển giao, dẫn đến khó khăn trong triển khai dự án PPP.

Tổng kết giải đáp các vướng mắc về dự án sản xuất kinh doanh, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, 6 nội dung đã được làm rõ ngay tại hội nghị. 6/12 nội dung liên quan đến các luật, nghị định sẽ được rà soát lại, tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền. Đối với dự án PPP, các tồn tại cũng tương đối rõ, cơ quan chức năng sẽ sớm đưa ra hướng dẫn. Một số nội dung cần phải trao đổi thêm, Tổ công tác cũng sẽ đề xuất phương án xử lý./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích