Tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội
Theo báo cáo tại Đại hội, thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội đã bám sát sự chỉ đạo của Thành phố, của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Hội Người cao tuổi Việt Nam với nhiều đổi mới, sáng tạo.
Lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam và thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Thành phố. |
Hiện nay, Hà Nội có 1.104.704 người cao tuổi, chiếm 12,93% dân số. Toàn Thành phố đã tập hợp được 1.071.159 hội viên (chiếm tỷ lệ 91,7% người cao tuổi Thành phố), có 30 Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận, huyện, thị xã; 579 Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn và 4.907 chi hội, 13.629 tổ hội; có 5.741 Câu lạc bộ văn hóa thể thao người cao tuổi, 390 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Đáng lưu ý, hiện có trên 66.000 người cao tuổi tham gia cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, thanh tra nhân dân… ở cơ sở.
Ban Đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố và Hội Người cao tuổi các cấp đã thực hiện chế độ trợ cấp xã hội cho 295.827 lượt người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu; có 906.966 người có thẻ bảo hiểm y tế. Phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 17 nhà tình thương cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 1,02 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Hà Nội có 13.872 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, trong đó có 6.943 người cao tuổi làm kinh tế giỏi…
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Đại hội. |
Với chủ đề “Tuổi cao – gương sáng – đoàn kết – sáng tạo – phát triển”, các đại biểu tham dự Đại hội thành lập Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy cao nhất vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các cấp hội và hơn 1 triệu hội viên trên địa bàn, tham luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của Đại hội.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đề nghị Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền để nâng cao bản lĩnh chính trị cho người cao tuổi, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó là không ngừng đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng phương thức hoạt động của tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp, hướng hoạt động về cơ sở, tích cực tập hợp hội viên, phát huy vai trò trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”. Qua đó, để người cao tuổi Thủ đô tiếp tục đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, tham gia tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các phong trào thi đua yêu nước…
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Đại hội. |
Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích xuất sắc của cán bộ, hội viên, tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp của Thành phố trong thời gian qua, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng phát triển.
Phó Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Thủ đô có những thời cơ để phát triển nhanh, bền vững, để thực hiện nhiệm vụ của Hội và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn Thành phố, Hội Người cao tuổi các cấp Thành phố và từng hội viên cần ra sức đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao – gương sáng – đoàn kết – sáng tạo – phát triển”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao quyết định thành lập Hội Người cao tuổi Thành phố. |
Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Thành phố cần tuyên truyền để cán bộ, hội viên thêm tự hào và thấy được ý thức trách nhiệm của mình trong thực hiện Điều lệ Hội Người cao tuổi, Nghị quyết Đại hội Người cao tuổi Thành phố lần thứ Nhất. Các cấp ủy, chính quyền Thành phố cần nâng cao nhận thức, nhận thức toàn diện hơn nữa trách nhiệm của mình đối với việc quan tâm, chăm lo, phát huy vai trò người cao tuổi, các cấp Hội Người cao tuổi trên địa bàn Thành phố.
Là địa phương có nhiều làng nghề, làng có nghề; có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang dấu ấn Thăng Long – Hà Nội, vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn Hội Người cao tuổi Thành phố xây dựng đề án phát huy vai trò Người cao tuổi trong bảo tồn, trao truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa của từng địa phương…
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị, ngoài 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 chương trình công tác của Hội trong thời gian tới, trên cơ sở nghiên cứu đánh giá, rà soát cụ thể, Hội Người cao tuổi Thành phố cần chủ động đề xuất, tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chính sách riêng có của Hà Nội dành cho người cao tuổi, nhất là khi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thông qua. Hội Người cao tuổi cần mạnh dạn có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng để người cao tuổi tiếp cận với việc chuyển đổi số.
Nguồn: Báo lao động thủ đô