Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, chiều 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022, trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022.

Trình bày Báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế – xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, quốc phòng, an ninh, chính trị bảo đảm ổn định; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ tư, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu; đánh giá cao kết quả hoạt động chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư và mong muốn những mặt còn tồn tại, hạn chế của các ngành, lĩnh vực sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng…

Từ thực tế trên, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ vừa qua, tránh tái diễn tình trạng trên để người dân an tâm lao động, sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Có chính sách, biện pháp phù hợp để hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và sớm có giải pháp căn cơ, lâu dài để hạn chế tình trạng người lao động thực hiện rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh báo cáo về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. (Ảnh: Quốc hội)

Báo cáo về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, qua số liệu giải quyết bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có hơn 4 triệu người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chưa tính số lượng người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết.

Trong đó, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm chiếm 98,8% tổng số lượt người hưởng một lần trong giai đoạn 2016-2021, số người hưởng một lần theo các điều kiện khác thì chiếm ít hơn…

Cho biết thời gian vừa qua, tốc độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng qua các năm, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do các chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.

Đồng thời, còn do tác động tiêu cực của các dịch bệnh hơn hai năm qua khiến đời sống của người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Như vậy, trong 5 năm qua, bình quân khoảng hơn 800.000 người rút bảo hiểm một lần mỗi năm.

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Cũng theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần ước năm 2022 là 895.500 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việc hưởng bảo hiểm một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế – xã hội.

Do đó trong thời gian tới, Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để tăng thu nhập cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Đồng thời, khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội cần có những chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích