Tính toán giá trị sản phẩm khoa học công nghệ dựa trên giá trị chất xám
Theo đại diện UBND TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM đã cung cấp các công nghệ mới, công nghệ nguồn cho nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Để phát triển thị trường KHCN, Thành phố đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể góp phần định hình thị trường KHCN phù hợp với chủ trương của Thành phố, của Chính phủ với sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân, thị trường công nghệ đã hình thành các hệ sinh thái trong các ngành trọng yếu, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Theo thống kê, tổng đầu tư giai đoạn 2016-2020 ngân sách Thành phố đã đầu tư cho khoa học và công nghệ trên 55.000 tỷ đồng, đạt bình quân 10.006 tỷ đồng/năm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Thành phố đã đặt ra là xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ (SGDCN) như là một giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển thị trường KHCN. Thành phố đã tổ chức các hoạt động của SGDCN với sự tham gia của các bên cung – cầu công nghệ và các tổ chức dịch vụ trung gian.
Đến nay, Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ TP.HCM (Techport) có tổng số 14.037 công nghệ và thiết bị của 1.942 nhà cung ứng. Các công nghệ được quan tâm nhiều trên Techport tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học… Hiện nay, Thành phố đã kết nối, hỗ trợ 2 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh khai trương Sàn giao dịch công nghệ. Ngoài ra, Thành phố đang mở rộng kết nối với Sàn giao dịch công nghệ các tỉnh thành lân cận và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với xu thế chuyển đổi số, từ năm 2021, Techmart chuyên ngành được Thành phố tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, giúp các doanh nghiệp, tổ chức và người dân Thành phố nói riêng và khu vực phía Nam nói chung tham quan, tìm kiếm giải pháp công nghệ một cách dễ dàng.
Ảnh minh hoạ
TP.HCM đã phối hợp vận động 55 doanh nghiệp công nghệ tham gia các sự kiện KHCN tại An Giang, Sóc trăng, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh… giới thiệu nhiều sản phẩm công nghệ cho doanh nghiệp địa phương lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học, chuyển đổi số trong sản xuất – phân phối,…
Hoạt động trình diễn công nghệ là hoạt động nổi bật từ năm 2018 đến nay, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, nhà cung ứng và các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Các hội thảo mà TP.HCM gần đây tổ chức kết hợp trình diễn công nghệ trên nền của internet đã có hiệu quả lan tỏa gấp hơn 10 lần so với tổ chức hội thảo truyền thống.
Trong giai đoạn vừa qua, TP.HCM luôn triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy hình thành hệ thống các tổ chức dịch vụ, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ; các tổ chức xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay Thành phố đã có 240 tổ chức thực hiện các dịch vụ trung gian KHCN.
Trong giai đoạn 2016-2020, số đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các chủ thể trên địa bàn Thành phố là 91.242 đơn, chiếm 39% cả nước.
Để đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia KHCN giai đoạn 2016 đến nay, Thành phố đã triển khai khoá đào tạo về đổi mới sáng tạo theo mô hình của Thụy Điển cho các cán bộ quản lý KHCN tại cơ quan quản lý nhà nước, các vườn ươm công nghệ và các trường đại học. Cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở các nước tiên tiến cũng như tổ chức các sự kiện, hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Kết nối các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Với các kết quả như trên, thị trường KHCN TP.HCM đến nay đã có những chuyển biến tích cực thu hút được nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp sản xuất tổ chức, các trung gian tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng TP.HCM cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc và có những tồn tại, hạn chế có nhiều điểm tương đồng với Hà Nội. Trên cơ sở đó, TP.HCM cho rằng, muốn tạo ra được thị trường đầy đủ thì phải có nguồn cung tốt, chất lượng cao, biết sử dụng nguồn cung này. Nhà sử dụng là cầu nối giữa cung và cầu.
“Nhưng hiện nay chúng tôi nhận thấy trong khâu có thể tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, tức là cung tốt thì đang vướng mắc ở chỗ, các sản phẩm, quy định về thực hiện các đề tài nghiên cứu, xây dựng ra các sản phẩm KHCN, bởi vì các quy định hiện nay phần lớn theo các quy định tương tự như chúng ta xây dựng công trình xây dựng và chúng ta tính ra ngày công lao động. Do đó, nếu chúng ta quy đổi thành khối lượng công việc thì thường sẽ rất khó và những nhóm nghiên cứu họ thường đăng ký những sản phẩm chắc chắn thành công, vì vậy thường rất khó để ra được sản phẩm chất lượng cao.
Vì vậy, một trong những đề xuất đối với Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ ngành liên quan là mong muốn nghiên cứu, xây dựng chính sách để có thể phát huy được lực lượng tài năng, chất xám của các nhà khoa học Việt Nam, tạo ra sản phẩm tốt và chúng ta phải tính toán giá trị của các sản phẩm này không phải dựa trên khối lượng thành công mà trên giá trị chất xám thực sự của nó”, đại diện UBND TPHCM nói.
Bảo Lâm