Tính nhân văn trong Công trình xanh: Trường hợp của Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam

Tính nhân văn trong Công trình xanh: Trường hợp của Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam

Pepperl + Fuchs là một trong những nhà sản xuất cảm biến điện tử và công nghệ phòng chống cháy nổ lớn nhất trên thế giới. Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam – Công trình VN2 đã đạt chứng nhận công trình xanh LEED Gold phiên bản v4 vào tháng 7 năm 2022.

Công trình không chỉ đạt được những mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường tiện nghi cho sức khỏe công nhân viên, mà còn mang lại những ý nghĩa nhân văn, tạo nên sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp.

Tính nhân văn trong Công trình xanh: Trường hợp của Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc

Thông tin công trình

  • Đơn vị Thiết kế : Công ty cổ phần tư vấn Giá trị Kỹ thuật Việt VEV
  • Đơn vị Tư vấn LEED : Công ty TNHH Tư vấn Công trình xanh GREENVIET
  • Đơn vị thi công : Công ty TNHH Xây dựng TUẤN LÊ
  • Tư vấn giám sát : Công ty TNHH MACE Việt Nam

Pepperl + Fuchs có nhà máy đặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Hungary, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và Việt Nam. Nhà máy tại Việt Nam tọa lạc tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2007 và bắt đầu sản xuất từ năm 2009 với công trình VN1. Năm 2020, nhà máy tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 với công trình VN2 đặt liền kề với VN1. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID đến tiến độ xây dựng, công trình VN2 được hoàn thành và vận hành từ năm 2022. Với mục tiêu kiến tạo môi trường làm việc tiện nghi và thân thiện, nhà máy được thiết kế với 05 nhiệm vụ: (1) Xây dựng không gian sản xuất thích dụng và hiện đại; (2) Thiết kế không gian văn phòng phức hợp và tạo môi trường làm việc năng động; (3) Tạo lập không gian kết nối và tăng cường sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho công nhân viên nhà máy; (4) Thiết kế công trình quan tâm tới mọi đối tượng, không phân biệt vị trí công việc, giới tính. Quan tâm đến những đối tượng chiếm tỉ lệ nhỏ (người khuyết tật, phụ nữ đang cho con bú, cộng đồng LGBT+, người hút thuốc); (5) Kiến tạo không gian mở, kết nối con người với thiên nhiên.

Theo xu hướng thiết kế công trình công nghiệp hiện đại, thiết kế nhà máy thỏa mãn được cả công năng sản xuất và tiện nghi cho con người là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới. Thách thức đối với nhóm thiết kế công trình VN2 là vừa đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe để đạt chứng nhận LEED Gold v4 (Leadership in Energy and Environmental Design) của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC), vừa thỏa mãn sự hài hòa khi kết nối với công trình VN1, bao gồm cả dây chuyền công năng và hình thức kiến trúc. Để đáp ứng các yêu cầu của LEED, công trình cần phải đạt được những mục tiêu căn bản như giảm mức tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm nước, giảm năng lượng hàm chứa trong vật liệu, đảm bảo chất lượng không khí trong nhà và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Từ đó, những giải pháp thiết kế chính đã được áp dụng cho công trình bao gồm: Hệ thống làm mát bằng chiller và phân phối khí thông qua PAU và AHU; Giảm lượng nước sử dụng trong nhà bằng việc sử dụng các thiết bị hiệu quả và giảm sử dụng nước ngoài trời thông qua việc tái sử dụng nước mưa cho hệ thống tưới tiêu; Lựa chọn vật liệu thân thiện môi trường, hiệu quả năng lượng và tái sử dụng vật liệu; Lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái. Những giải pháp thiết kế này đã thiết lập nền móng vững chắc cho việc tạo lập môi trường làm việc tiện nghi cho công nhân và giảm phát thải ra môi trường.

Không gian sản xuất

Phân xưởng sản xuất là không gian quan trọng nhất trong mỗi nhà máy. Bên cạnh việc đáp ứng dây chuyền sản xuất đặc thù của ngành lắp ráp thiết bị điện tử, nhóm thiết kế đã áp dụng các giải pháp chiếu sáng và thông gió công nghệ mới. Hệ thống thông gió bằng ống gió vải (sợi vải dệt polyester có nhiều lỗ nhỏ) có khả năng chống đọng sương, chống cháy, chống ẩm mốc, chống sự phát triển của vi sinh vật, giúp phân phối khí mát đồng đều trong nhà máy, loại bỏ những vùng gió mạnh tại cửa gió của phương pháp thông gió truyền thống. Giải pháp này giúp tạo ra sự thoải mái trong không gian làm việc, giảm tiếng ồn trong quá trình vận hành, tiết kiệm thời gian thi công và giảm tải trọng cho hệ thống thông gió.

Bên cạnh đó, thiết bị lọc bụi của hệ thống thông gió luôn được bảo dưỡng định kỳ kết hợp với thiết bị điều chỉnh gió dựa trên cảm biến CO2 giúp không khí trong khu vực sản xuất luôn được lưu thông, tươi mát và dễ chịu.

Không gian sản xuất được trang bị toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED, sử dụng cảm biến chuyển động và cảm biến ánh sáng ban ngày để điều khiển ánh sáng. Ngoài ra, sơn sàn trong khu vực sản xuất là sơn epoxy chống tĩnh điện. Đây là dòng sơn đặc biệt, thường áp dụng trong các không gian phòng sạch hoặc có yêu cầu cần loại bỏ sự nhiễm điện trong quá trình sản xuất của nhà máy (ma sát do sự di chuyển của công nhân và hoạt động của máy móc). Sàn có hệ thống đường dây nối đất để triệt tiêu điện tích, giảm khả năng cháy nổ, tăng độ chính xác của linh kiện điện tử và đảm bảo an toàn lao động cho công nhân.

Tính nhân văn trong Công trình xanh: Trường hợp của Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc

Không gian văn phòng

Khối văn phòng hiện đại với nhiều chức năng tích hợp, bao gồm: khu vực làm việc cá nhân, khu vực làm việc theo nhóm và khu vực họp trực tuyến với các cabin độc lập (silence booth). Không gian thảo luận và làm việc nhóm tạo điều kiện để mọi người có thể chia sẻ, đóng góp ý kiến, thúc đẩy sáng tạo, đoàn kết và cùng tạo ra giải pháp tốt hơn trong công việc. Silence booth (hay còn gọi là phone booth) là không gian lý tưởng để họp trực tuyến, giảm thiểu tối đa tác động âm thanh từ bên ngoài. Bên cạnh đó, khu vực pantry kết hợp với quầy bar cũng được bố trí xen cài trong khu văn phòng và trở thành nơi thư giãn, thưởng thức đồ uống trong giờ làm việc cho nhân viên. Thiết kế nội thất phong phú được thiết kế với màu sắc trẻ trung tạo môi trường thoải mái và kích thích sáng tạo. Không gian văn phòng được trang bị thảm trải sàn giúp triệt tiêu âm thanh do di chuyển, tăng sự yên tĩnh, tập trung cho nhân viên. Đây thực sự là một môi trường làm việc linh hoạt và đa năng, tạo không gian làm việc hiệu quả cho người lao động.

Tính nhân văn trong Công trình xanh: Trường hợp của Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc

Không gian công cộng

Không gian phục vụ công cộng trong nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam là một điểm nhấn trong tổng thể nhà máy. Thay vì chỉ cần đạt được các yêu cầu về không gian thiết yếu trong nhà máy như nhà ăn, nhà vệ sinh, phòng thay đồ, quan điểm thiết kế khu vực phục vụ công cộng của nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam đã vượt xa những tiêu chuẩn thiết kế cơ bản đối với nhà máy hiện nay. Để đạt được mục tiêu tạo nên sự gắn kết giữa công nhân viên và quan tâm tới mọi đối tượng sử dụng, công trình đã thiết lập hàng loạt không gian bao gồm: sân tập thể thao ngoài trời, phòng tập thể thao trong nhà (bóng bàn, yoga và các thiết bị tập luyện cá nhân), phòng hút sữa cho phụ nữ đang cho con bú, phòng vệ sinh cho người khuyết tật và người thuộc cộng đồng LGBT+.

Cụ thể, phòng hút sữa là không gian riêng biệt và riêng tư, có trang bị tủ lạnh và các trang thiết bị hỗ trợ. Điều này giúp công nhân viên nữ có thể cân bằng giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ với công việc hàng ngày tại nhà máy. Ngoài ra, công trình còn được thiết kế để đảm bảo công năng cho người khuyết tật với thiết kế không gian làm việc phù hợp và đường dốc tiếp cận nhà sản xuất. Điều này thể hiện sự tôn trọng và chấp nhận của doanh nghiệp đối với người khuyết tật, góp phần giúp họ tham gia vào lực lượng lao động một cách tự tin và làm việc hiệu quả. Toàn khu vực phục vụ công cộng và khu vực văn phòng được lắp đặt vật liệu cách âm và tiêu âm với vách kính hai lớp, vách ngăn cách âm và vật liệu trần có khả năng tiêu âm. Thiết kế âm học hiệu quả giúp mang lại không gian chất lượng cao cho người sử dụng. Nhìn chung, không gian phục vụ công cộng bên trong nhà máy tạo ra môi trường thoải mái cho mọi đối tượng và góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc tích cực.

Tính nhân văn trong Công trình xanh: Trường hợp của Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc

Không gian cây xanh bên ngoài khu sản xuất cũng là khu vực quan trọng và rất thú vị của nhà máy. Mật độ cây xanh chiếm 30% tổng diện tích khu đất xây dựng với các loài cây bản địa đa dạng và có khả năng chịu hạn, giúp tiết kiệm nước tưới tiêu cho công trình. Đây cũng là không gian nghỉ ngơi thư giãn, tương tác với thiên nhiên. Trong khuôn viên cảnh quan có khu vực BBQ ngoài trời để công nhân viên giao lưu vào những dịp đặc biệt. Khu vực cho người hút thuốc được đặt tại một góc nhỏ trong không gian cảnh quan cây xanh, cách khá xa khu vực sản xuất để đảm bảo an toàn phòng cháy và giảm thiểu sự ảnh hưởng của khói thuốc tới môi trường làm việc.

Tính nhân văn trong Công trình xanh: Trường hợp của Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc

Để khuyến khích phương tiện giao thông không dùng nhiên liệu xăng dầu nhằm giảm phát thải ra môi trường, nhà máy cung cấp trạm sạc cho xe điện, chỗ đỗ xe cho xe điện, chỗ để xe đạp và phòng tắm cho người sử dụng xe đạp. Khu vực chứa rác được phân loại thành 02 loại chính: rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Trong đó, rác thải công nghiệp gồm 03 loại: rác thải tái chế, rác thải không thể tái chế và rác thải nguy hại (pin và rác điện tử). Điều này giúp giảm rác tại nguồn và bảo vệ tài nguyên.

Tóm lại, chứng nhận LEED Gold là một minh chứng rõ ràng cho sự cam kết của doanh nghiệp đối với sức khỏe của nhân viên và giảm phát thải ra môi trường. Thiết kế nhà máy vừa đảm bảo dây chuyền công năng hoạt động hiệu quả, vừa có tính nhân văn trong việc tạo lập môi trường làm việc thoải mái và thân thiện là thiết kế lý tưởng đối với mọi doanh nghiệp. Nhà máy Pepperl + Fuchs Việt Nam không chỉ đạt được tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, mà còn thể hiện sự quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân viên. Những không gian thoải mái, tạo cảm giác thân thiện và thúc đẩy sự gắn kết đã được tạo ra không chỉ giúp tạo nên môi trường làm việc tích cực mà còn thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đoàn kết và hiệu suất làm việc. Không gian xanh cùng những tiện ích ngoài trời giúp người lao động có thể thư giãn, kết nối, đồng thời tạo ra môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và cảm hứng trong công việc. Công trình đạt chứng nhận xanh Pepperl + Fuchs Việt Nam không chỉ là một ví dụ cho tính nhân văn trong thiết kế kiến trúc, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững và bảo vệ môi trường cho thế hệ sau.

ThS.KTS. Đặng Hoàng Quyên 
Giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TPHCM

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích