Tinh hoa hương cốm Mễ Trì tô điểm cho mùa thu Hà Nội
Cốm là một trong vô số món ăn đặc sản nổi tiếng của đất Hà thành – một món ăn dân dã nhưng cũng rất sang trọng, nồng nàn mà tinh khiết. Với hương thơm của cốm quyện với lá sen, cốm Mễ Trì đã làm say lòng biết bao người từng thưởng thức.
Làng Mễ Trì có thôn Thượng và thôn Hạ, với nhiều hộ gia đình theo nghề làm cốm. Từ đầu tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, người dân tại làng cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại tất bật cho vụ cốm – thời điểm này chính là giai đoạn cao điểm sản xuất trong vụ mùa cốm lớn nhất trong năm. Người dân nơi đây thức dậy từ 2 – 3 giờ sáng, luôn chân luôn tay từ tinh mơ cho đến tận tối muộn để kịp làm những mẻ cốm thơm dẻo phục vụ cho khách hàng.
Để có một mẻ cốm đúng chuẩn truyền thống, người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế khi thực hiện hàng loạt các công đoạn cầu kỳ. Lúa non gặt về được các bà, các chị tỉ mẩn ngồi nhặt rồi tuốt máy, phần rơm đem tết chổi, phần thóc đem làm cốm. Sau đó, lúa được cho vào thùng to để đãi, hạt nào không đạt chuẩn như bị lép, bị sâu bệnh sẽ nổi lên trên mặt nước, phải vớt ra vì nếu để sót sau này cốm làm ra sẽ bị đắng; chỉ những hạt chắc, mẩy mới được đem vào chảo rang, sàng sảy và cho vào cối giá 4 – 5 lượt là hoàn thành.Những hạt cốm đến tay người mua được gói tỉ mỉ bằng lá sen, rồi buộc lại bằng những cọng rơm còn xanh trông rất đẹp mắt.
Bà Lạng (70 tuổi, người ở thôn Thượng, Mễ Trì, Hà Nội), người có nhiều năm làm nghề cốm tại làng Mễ Trì chia sẻ rằng: “Nghề làm cốm cũng giống như bao nghề khác, có rất nhiều công đoạn và những đặc trưng riêng. Ngay từ thời điểm chọn thóc cấy cũng rất quan trọng, như gia đình tôi có giống lúa riêng là nếp cái hoa vàng, thường cuối vụ cốm gia đình tôi và hai con thường cấy khoảng 2 sào ruộng để phục vụ việc làm cốm. Hạt cốm muốn thơm ngon, dẻo thì ngay từ lúc lúa chín ngả vàng thì phải tiến hành cắt rồi mang về tuốt hạt, loại bỏ vỏ và tạp chất”.
Trước đây, cốm hoàn toàn làm thủ công từng bước. Ngày nay, máy móc đã được sử dụng hỗ trợ một số công đoạn giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cốm. Ví dụ ngày trước khi giã cốm phải cần 2 người, một người đạp chày, một người ngồi đảo tay. Giờ đây đã có máy móc thay thế, chỉ cần một người ngồi đảo cốm cho đều.
Các sản phẩm từ cốm cũng ngày càng đa dạng, đáp ứng theo mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài cốm tươi, chả cốm, bánh cốm, xôi cốm, cốm xao… sau này còn có thêm xúc xích cốm, xu xê cốm, sữa chua cốm, mochi cốm, bánh chưng cốm…
Ngày nay, Cốm Mễ Trì đã trở thành món ăn không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, trở thành món quà tao nhã nức tiếng gần xa của mảnh đất Hà thành.
Ông Nguyễn Thế Đô – Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết, quá trình đô thị hóa ngày càng nhiều nên việc bảo tồn và giữ gìn phát huy nghề làm cốm truyền thống tại Mễ Trì cũng gặp không ít khó khăn. Diện tích trồng lúa ở Mễ Trì không còn nữa nên người dân tại làng cốm lại về các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… để chọn lúa tám xoan, nếp cái hoa vàng sữa về để làm cốm thành ra lợi nhuận không cao so với công sức họ bỏ ra. Tuy nhiên, người dân làng nghề cốm Mễ Trì vẫn luôn cố gắng giữ nghề làm cốm truyền thống với mong muốn lưu truyền những nét tinh hoa văn hóa của người Việt.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng luôn vận động, hỗ trợ người dân phối hợp tổ chức các ngày hội văn hóa cốm Mễ Trì nhằm quảng bá thương hiệu cốm Mễ Trì vươn xa hơn nữa.
Năm 2019, nghề cốm Mễ Trì đã được đưa vào danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Thương hiệu Sản phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu