Tỉnh Hòa Bình thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

(Xây dựng) – Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân của tỉnh Hòa Bình là 2.829,4 tỷ đồng, đạt 28% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Với kết quả này, Hòa Bình nằm trong nhóm địa phương “đội sổ” giải ngân vốn đầu tư công.

Tỉnh Hòa Bình thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Ông Ngô Ngọc Mỹ – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 với tổng số vốn là 10.090,9 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 10.220 tỷ đồng. Đến ngày 06/9/2023, UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án là 10.220 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 2.829,4 tỷ đồng, đạt 28% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Cụ thể: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 1.089,3 tỷ đồng, đạt 38% so với số kế hoạch vốn UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án; Vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giải ngân 1.147,8 tỷ đồng, đạt 76% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; Vốn thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giải ngân 392,9 tỷ đồng, đạt 64%; CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số giải ngân 230 tỷ đồng, đạt 64%; Vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 126 tỷ đồng, đạt 39%; Vốn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giải ngân 73,3 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch vốn giao chi tiết.

Kết quả giải ngân số vốn thực tế có thể giải ngân: Tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 3.941,6 tỷ đồng (không tính nguồn thu từ đất chưa điều hành chi và dự án giao thông thuộc Chương trình phục hồi phát triển KTXH do mới được giao vốn). Tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 31/12/2023 đạt 72%.

Về những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2023, ông Ngô Ngọc Mỹ – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cho biết: Trên thực tế, dự án thuộc lĩnh vực giao thông sử dụng vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH (4.650 tỷ đồng) là Dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) mới được giao chi tiết kế hoạch vốn vào cuối quý III năm 2023 (chiếm 47% tỷ trọng kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh), dự án còn phải tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thể thực hiện giải ngân. Bên cạnh đó, nguồn thu từ sử dụng đất khó khăn, không đạt, nên chưa có nguồn vốn bố trí cho các dự án theo kế hoạch đầu tư công. Chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân năm 2023 chưa cao (64%) do số vốn giải ngân của các chương trình chủ yếu thuộc kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2022 sang năm 2023. Những dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa thể giải ngân do gặp vướng mắc trong việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Tỉnh cũng gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề khai thác đất sử dụng cho các dự án đầu tư công, đặc biệt là việc khai thác đất đắp cho các công trình giao thông. Một số dự án gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền đường (Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối Quốc lộ 6; Đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La…); Một số dự án có khối lượng đất đào nền vận chuyển đi rất lớn, làm tăng dự toán xây dựng công trình (Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 436); Một số dự án gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chủ yếu là vướng mắc về đơn giá và phương án đền bù, chờ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa lớn như dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu trị giá 500 tỷ đồng) và các dự án thuộc Đề án phát triển KTXH vùng chuyển dân sông Đà (300 tỷ đồng), Dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, tỉnh Hòa Bình đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức họp với các chủ đầu tư để rà soát, nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác dân vận kịp thời, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh, trật tự; Đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu đúng quy định pháp luật, sớm khởi công công trình, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình.

Đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc chưa thể triển khai thực hiện giải ngân ngay hoặc dự án đã hoàn thành không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công giữa các dự án (năm 2023 gồm 05 lần điều chỉnh với tổng số vốn là 466,5 tỷ đồng). Đối với vốn nước ngoài (ODA) không thể giải ngân, UBND tỉnh đã có Công văn số 1511/UBND-KTN ngày 05/9/2023 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính điều chuyển số vốn là 171,661 tỷ đồng cho những dự án có nhu cầu giải ngân tốt hơn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công nhóm B, C ra thành một dự án độc lập để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện dự án, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích rừng cho HĐND tỉnh quyết định theo quy hoạch tỉnh được phê duyệt, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích