Tính chuyện đường dài cho hợp tác xã
Do đó, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang bắt nhịp với sản xuất xanh, tuần hoàn, chú trọng nhiều hơn đến sản xuất theo quy trình để giảm biến đổi khí hậu, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, để sản xuất theo hướng này, đòi hỏi các hợp tác xã có thời gian, kế hoạch và đầu tư công nghệ, máy móc cũng như liên kết chặt chẽ hơn để tạo chuỗi giá trị bền vững.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy: Kể từ 1/1/2025 nhóm nông dân sản xuất hữu cơ phải được chứng nhận riêng, không nằm dưới tên của tổ chức xuất khẩu. Thay vào đó, nhóm nông dân phải có pháp nhân, tức là phải được chứng nhận thông qua hợp tác xã. Bởi vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi trong thành lập và phát triển hợp tác xã sản xuất hữu cơ ở địa phương cũng chính là cách giúp đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.
Theo khảo sát của Cửa hàng thực phẩm chất lượng cao Tomato Food, có đến 80% khách hàng tin tưởng sản phẩm được chứng nhận theo Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041:2017, 20% khách hàng còn lại có sử dụng nhưng nếu có sản phẩm hữu cơ chứng nhận quốc tế sẽ ưu tiên lựa chọn. Điều này cho thấy, chứng nhận hữu cơ Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của khách hàng và đánh dấu bước chuyển đổi trong sản xuất.
Chính vì vậy, giữa tháng 6 vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Hưng (Cần Thơ ) đã phải đáp ứng và tuân thủ các kỹ thuật, quy định của nước nhập khẩu đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu để hoàn thiện thủ tục. Điều này không chỉ giúp phát triển chuỗi giá trị nông sản; trong đó có sản phẩm xoài của hợp tác xã mà còn giúp hợp tác xã giải quyết bài toán đầu ra, giảm giá vào mùa thu hoạch.
Ông Phan Văn Tây- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Hưng chia sẻ: Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp tác xã đã tập hợp nhiều hộ trồng xoài nhỏ lẻ vào hợp tác xã để trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài tượng da xanh và da vàng theo quy trình an toàn, với tổng diện tích hơn 47 ha. Trong số đó có 30,5 ha xoài đã áp dụng tốt các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Phan Văn Tây, để xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP theo nhu cầu của đối tác, hợp tác xã đã tập huấn cho các hộ thành viên làm tốt các khâu từ xử lý đất, bón phân, tưới nước đến cách bao trái, xử lý sâu bệnh, tránh tình trạng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người trồng.
Tương tự, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hiếu Bình bày tỏ, để tạo dựng uy tín thị trường với các đối tác, doanh nghiệp, hợp tác xã phải tổ chức cho các hộ thành viên thực hiện quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mặt khác, hợp tác xã chủ động cung cấp các dịch vụ bơm tưới, dịch vụ cày, cấy, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp với giá ưu đãi cho thành viên. Đồng thời, liên kết với các công ty, ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên. Nhờ thực hiện đồng bộ các dịch vụ trong nông nghiệp, nên thu nhập tăng thêm của toàn hợp tác xã đạt trên 1,7 tỷ đồng/năm.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ cho biết, trong quá trình sản xuất kinh doanh đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm như: sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc qua mã vạch, mã vùng trồng giúp đầu ra ổn định qua hợp đồng với doanh nghiệp, nhà máy chế biến, công ty, siêu thị.
Trong năm 2024, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo đề án của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Cùng đó, chú trọng xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo danh mục sản phẩm chủ lực như: gạo, trái cây, rau an toàn, thủy sản, chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), năm nay được dự đoán sẽ là một năm thách thức nên để không bị tụt hậu, tới đây cần hoàn thiện những cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ trong việc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, nhất là các tổ chức hợp tác xã tham gia vào khâu của chuỗi cung ứng sản phẩm.
Ngoài ra, các hợp tác xã cùng hợp tác, với sự chủ trì của Liên minh Hợp tác xã các cấp, để hình thành các tổ chức “nhóm liên minh”, “liên đoàn” nhằm hợp lực, gia tăng sức mạnh đàm phán của các tổ chức hợp tác xã và kết nối các chuẩn mực. Đồng thời xây dựng mô hình “Liên đoàn Hợp tác xã” để gia tăng sức mạnh các tổ chức hợp tác xã cùng ngành nghề.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bày tỏ, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Đây là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực kinh tế tập thể không nằm ngoài quỹ đạo đó.
“Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững”, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Do đó, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu