Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/3/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/3/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Giờ Trái đất năm 2023: “Tiết kiệm điện – thành thói quen”
Giờ Trái đất là sự kiện quốc tế diễn ra hàng năm do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007.
Chiến dịch kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30 theo giờ địa phương vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm).
Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất với sự tham gia của 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang. Đến nay, sau 14 năm tổ chức, chiến dịch đã tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với vai trò chủ trì tổ chức chiến dịch nhiều năm qua, năm 2023, trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), Bộ Công Thương tiếp tục phát động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất nhằm lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng.
Từ cuối tháng 2, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023. Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng một bộ nhận diện truyền thông với thông điệp “Tiết kiệm điện –Thành thói quen”.
Bộ Công an triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023
Năm 2022, lực lượng CAND tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; Là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong triển khai các mặt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai; Công tác phối hợp giữa lực lượng CAND và các cơ quan, ban, ngành, nhất là đối với lực lượng Quân đội nhân dân trong phòng, chống thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được thực hiện thường xuyên, hiệu quả…
Ngoài ra, lực lượng CAND đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trong đó có lần đầu tiên cử đoàn công tác tới làm nhiệm vụ quốc tế hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ sau thảm họa động đất.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an – Lê Văn Tuyến nhấn mạnh, thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và vai trò nòng cốt trong công tác phòng thủ dân sự.
Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật; đặc biệt, cụ thể hóa, triển khai Kế hoạch số 16 của Bộ Công an về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng CAND năm 2023 bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương…
Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; thực hiện tốt các chế độ, chính sách, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng CAND…
Mường So, Lai Châu: Nhiều khó khăn trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn
Trước đây, xã được hỗ trợ kinh phí thì rác thải được xử lý rất tốt, chỉ từ ngày 1/1/2023 trở lại đây, khi không được hỗ trợ nữa, người dân phải tự xử lý thì đây thực sự là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân.
Theo ông Đèo Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Mường So: Dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng rác thải ra nhiều nhất là khu vực cầu và ven suối gần chợ. Chúng tôi đã phải nhờ các doanh nghiệp trên địa bàn bố trí phương tiện thu gom rác trở đi. Đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở người dân không xả rác bừa bãi; lắp đặt camera giám sát, hạn chế tình trạng người dân xả rác ra khu vực đó. Cơ bản người dân chấp hành tốt, chỉ có một số bà con còn đổ rác ra khu vực gần đường, bãi đất gần khu cánh đồng. Cái khó của chúng tôi là bà con thường đi đổ rác vào thời điểm buổi tối rất khó quan sát, nhắc nhở, ngăn chặn”.
Để giải quyết vấn đề, xã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 2 buổi/ngày; huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân thu gom rác. Chỉ đạo các thôn, bản họp tuyên truyền trực tiếp đến người dân về việc xã không được hỗ trợ xử lý rác mà người dân phải là chủ thể chính, phải tự phân loại xử lý rác tại gia đình.
Về lâu dài, xã đưa ra chủ trương xã hội hóa bằng cách vận động người dân đóng góp kinh phí thuê đơn vị thu gom rác. Song, do chưa thống nhất được mức đóng nên việc này chưa thực hiện được. Thời gian tới, xã tiếp tục họp dân để thống nhất phương án cùng với đề xuất cấp trên nghiên cứu, xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai thuê đơn vị thu gom rác, không để tình trạng vứt rác bừa bãi kéo dài.
Xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán khó với nhiều địa phương không chỉ là xã Mường So. Tuy nhiên, đây là xã nông thôn mới và lượng rác thải hàng ngày rất nhiều; do đó vấn đề xử lý rác thải ở đây càng trở nên cấp thiết và cần được sự quan tâm. Mong rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc cùng giúp Mường So giải quyết bài toán khó. Và trước mắt, mỗi người dân trong xã cần nâng cao ý thức xử lý rác thải bằng việc tự phân loại rác, xử lý rác tại nhà, tuyệt đối không nên vứt rác bừa bãi… để bảo vệ môi trường, sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Bắc Giang: Trồng hơn 1,1 nghìn ha rừng và hàng trăm nghìn cây phân tán
Dịp này, toàn tỉnh Bắc Giang có 16 địa phương, đơn vị tổ chức lễ phát động Tết trồng cây. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, người lao động và nhân dân tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái bằng nhiều hình thức khác nhau. Tết trồng cây đã tạo ra phong trào trồng cây, trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng sâu rộng trên toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở NN & PTNN tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh đã trồng được hơn 1,1 nghìn ha rừng tập trung (đạt 14,8% kế hoạch năm) và hơn 865,1 nghìn cây phân tán các loại. Trong đó, huyện Sơn Động đạt kết quả cao nhất tỉnh với 590 ha rừng và hơn 178,2 nghìn cây phân tán.
Năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu trồng 8 nghìn ha rừng tập trung; 6,1 triệu cây phân tán, chăm sóc hơn 20 nghìn ha rừng trồng. Hiện các địa phương, đơn vị tiếp tục chuẩn bị hiện trường, cây giống để trồng cây, trồng rừng trong vụ xuân. Đồng thời chăm sóc cây đã trồng, bảo đảm cây sống, sinh trưởng tốt.
Nhiều giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại TP. Thanh Hóa
Tại thành phố Thanh Hóa, do tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số đã khiến khối lượng rác thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng. Năm 2022, trung bình từ 380 đến 400 tấn/ngày. Điều này đã đặt ra nhiều khó khăn trong công tác giải quyết rác thải sinh hoạt, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân trên địa bàn. Hiện TP Thanh Hóa có 147 điểm tập kết xe thu gom rác thải, trong đó có 87 điểm tập kết nằm tại 20 phường trung tâm.
Các điểm tập kết xe thu gom rác hiện đều được bố trí tạm thời tại khu vực các công viên, khuôn viên, lề đường, vỉa hè, thậm chí nằm cạnh các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, trạm y tế, chợ, khu vực đông dân cư. Nguyên nhân là do các phường không còn quỹ đất để quy hoạch, bố trí các điểm tập kết xe thu gom rác thải phù hợp. Ngay cả các điểm tập kết xe chở rác thải tạm thời nói trên cũng quá tải, do lượng rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư ngày càng tăng lên.
Hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của thành phố Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đạt nhiều kết quả. Theo đó, năm 2022, UBND TP Thanh Hóa triển khai phương án xây dựng điểm tập kết xe thu gom rác sinh hoạt trong khu dân cư, trong đó giải pháp hàng đầu là xây dựng mới một số điểm tập kết xe thu gom rác tập trung thay thế, xóa bỏ các điểm tập kết không phù hợp, gây ô nhiễm nặng.
Mục tiêu giai đoạn 2022-2025 sẽ cải tạo 17 điểm tập kết xe thu gom rác tập trung, xây mới 33 điểm tập kết mới tại 34 phường, xã (thay thế cho 128 điểm tập kết cũ) với tổng mức đầu tư 10,72 tỷ đồng.
Tăng cường cơ giới hóa phương tiện thu gom rác bằng xe tải nhỏ, xe điện tại một số phường, xã trọng điểm. Qua đó, đã bảo đảm thu gom, vận chuyển rác đúng giờ, kịp thời, giảm thiểu việc sử dụng xe thu gom rác đẩy tay, từng bước giảm các điểm tập kết xe thu gom rác, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại các điểm tập kết thu gom, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa đã thực hiện đầy đủ các bước xử lý để bảo đảm vệ sinh như: rác rơi vãi trong quá trình gắp rác được dọn dẹp ngay trong ca làm việc; các xe ô tô chuyên dụng trong quá trình cuốn, ép rác đều xả nước rỉ vào bình chứa; bố trí xe bồn nước để dọn rửa xe gom rác và điểm tập kết; phun chế phẩm khử mùi…
Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quyết định số 51/2022/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Ấn Độ: Người dân ngạt thở trong khói độc vì núi rác bốc cháy
Các nhân viên cứu hỏa ở thành phố Kochi, miền nam Ấn Độ hôm 7/3 đã làm việc cật lực để kiểm soát khói độc lan rộng sau khi một bãi rác bốc cháy cách đây 5 ngày khiến khu vực này bị bao phủ trong làn khói dày đặc.
Bãi rác Brahmapuram cao chót vót ở bang Kerala là “ngọn núi rác” mới nhất của nước này bắt lửa, làm phát ra khí thải mê-tan và một lượng nhiệt lớn nguy hiểm, đồng thời làm tăng thêm những thách thức về khí hậu ở Ấn Độ.
Các nhà chức trách khuyên cư dân trong thành phố hơn 600.000 người ở trong nhà hoặc đeo khẩu trang N95 nếu họ ra ngoài. Các trường học đóng cửa vào ngày 6/3 do ô nhiễm, các quan chức cho biết.
Theo sở cứu hỏa Kerala, ngọn lửa bùng phát vào tuần trước. Nguyên nhân chưa được xác định, nhưng các vụ cháy bãi rác có thể được kích hoạt bởi khí dễ cháy từ rác đang phân hủy. Các hình ảnh và video do các quan chức công bố cho thấy các nhân viên cứu hỏa đang chạy đua để dập tắt ngọn lửa đang bốc lên.
Trong khi ngọn lửa đã được dập tắt phần lớn, một đám khói dày đặc và khí metan vẫn tiếp tục bao trùm khu vực, làm giảm tầm nhìn và chất lượng không khí của thành phố, đồng thời tỏa ra mùi khó chịu.
Sở cứu hỏa cho biết một số lính cứu hỏa đã ngất xỉu vì khói.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị