Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/7/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/7/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/7/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/7/2023 trên Môi trường và Đô thị.
6 tháng đầu năm 2023, có 49 người chết và mất tích do thiên tai
Ngày 6/7, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai trong đó đã xảy ra 1 áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Trong đó đợt nghỉ lễ từ 29/4 – 3/5, đã xảy ra dông lốc, mưa đá tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn về kinh tế ước tính khoảng 35 tỷ đồng.
Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.
Theo bản tin dự báo, thiên tai trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường. Hiện tượng El Nino đã xuất hiện và duy trì trạng thái đến năm 2024; số ngày nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn nhất là tại khu vực Trung Bộ.
Từ tháng 7 đến tháng 12/2023, có khoảng từ 9 đến 13 cơn bão trên biển Đông, đề phòng bão diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo và cường độ.
Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam
Ngày 5/7, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước” giúp cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách đối với biển và đại dương Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
PGS.TS Trần Thị Lan Hương – Chủ nhiệm Chương trình, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, Chương trình đã được triển khai thực hiện trong 3 năm gần đây, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Kinh tế biển phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở Việt Nam; Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; Quan hệ quốc tế trên biển Đông và sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam; Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các vùng ven biển và hải đảo Việt Nam và Phát triển bền vững biển Việt Nam trong thế kỷ XXI từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong đó, có nhiều công trình nghiên cứu của Chương trình biển đã làm rõ mức độ tổn thương sinh kế của người dân sống ở các vùng ven biển đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và quy hoạch biển cùng việc phát triển kinh tế biển ồ ạt,… Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, có khoảng 12 triệu người Việt Nam ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng nguy cơ từ các trận bão lũ nặng nề và tác động lớn đến sinh kế của người dân ven biển trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện những nghiên cứu, trao đổi thảo luận về các vấn đề đã và đang nghiên cứu trong Chương trình biển, Hội thảo khoa học được tổ chức mong muốn nhận được những đóng góp, kiến nghị từ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, học giả,… để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
TS. Lê Văn Hùng – Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đã trình bày về Kết quả đánh giá những mặt hạn chế trong phát triển các khu kinh tế (KKT) ven biển Việt Nam, trong đó, vấn đề về kinh tế do các sản phẩm đầu tư tại đây chưa có tính cạnh tranh và chưa thu hút được doanh nghiệp, chưa tạo ra những mô hình đột phá vì không khác biệt nhiều so với các Khu công nghiệp (KCN) mở rộng, các KKT biển chưa tạo ra sự lan tỏa lớn ở cấp vùng (từ khu vực FDI tới khu vực nội địa: Lan tỏa từ các DN trong khu với khu vực bên ngoài). Các dự án đầu tư tập trung nhiều vào những ngành tiêu tốn tài nguyên và năng lượng như hoá dầu, thép, xi măng gây ra tình trạng phát thải cao,… công nghệ chế tạo chưa tiên tiến; Các dự án đầu tư tại Việt Nam chưa có tính cộng sinh, chưa tạo ra một hình thái riêng cho những mô hình du lịch biển, đô thị biển.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế biển, cần chú ý tập trung xây dựng các mô hình chuyên sâu và có 2 – 3 KKT điển hình xứng tầm, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế (về các mô hình du lịch, công nghiệp hay dịch vụ biển) như vùng Nam Trung Bộ cần phát triển nhiều hơn về du lịch, Đồng Bằng sông Cửu Long cần phải thu hút đầu tư về thủy sản, vùng Đông Nam Bộ cần có nhiều hơn sự phân công, kết nối về phát triển hạ tầng và các địa phương phải bám vào quy hoạch vùng để có thể xây dựng các phương án phát triển bền vững.
Quảng Bình: Cháy rừng phi lao ven biển
Ngay khi nhận tin báo vụ cháy, Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình cùng chính quyền địa phương đã huy động nhiều lực lượng đến hiện trường, dập lửa.
Nguyên nhân ban đầu được xác định ngọn lửa xuất phát ở một đám cháy do người dân đốt rác vào thời điểm giữa trưa. Ngọn lửa nhỏ nhưng tàn tro đã bị gió thổi bay đi gặp thực bì khô tạo những đám cháy lan rộng.
Diện tích rừng bị cháy là rừng sản xuất và diện tích thiệt hại của vụ cháy đang được cơ quan chức năng thống kê.
Hiện lực lượng chức năng đang cùng các lực lượng tại chỗ của địa phương tiếp tục dập lửa và tạo những đường băng ngăn lửa lây lan diện rộng.
Quảng Trị phối hợp với WWF triển khai các hoạt động, dự án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
Tại tỉnh Quảng Trị, WWF đang thực hiện các dự án: Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ; Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng (Sao la EU); Dự án thành phố xanh; Dự án IKEA Mây tre keo bền vững (pha 7).
Kể từ tháng 7/2023, WWF dự kiến sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Trị thực hiện các dự án: Sản xuất cà phê không gây mất rừng; Dự án IKEA Mây tre keo bền vững (pha 7.2); Quỹ phục hồi cảnh quan (LRF) nhằm hỗ trợ các dự án “thuận tự nhiên Nông lâm bền vững” qua tiếp cận vốn vay; Quỹ khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) nhằm hỗ trợ các dự án “thuận tự nhiên Nông lâm bền vững” qua tiếp cận vốn vay”; Tăng cường vai trò các cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn – giai đoạn 2 (LtC). Các dự án này phần lớn đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục phê duyệt.
Giám đốc WWF – Việt Nam Văn Ngọc Thịnh cho biết: Hoạt động các dự án đang triển khai đã đem lại lợi ích sinh kế quan trọng cho cộng đồng địa phương nhằm phát triển kinh tế khu vực và hỗ trợ kế hoạch quản lý khu vực, đồng thời thực hiện khung chính sách của trung ương và địa phương để đạt được sự ổn định bền vững của dịch vụ hệ sinh thái. Từ đó, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hợp tác của tỉnh Quảng Trị để triển khai hiệu quả các dự án trong thời gian tới.
Trên cơ sở thảo luận với WWF – Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch triển khai các nội dung phối hợp trong năm 2023 gồm: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới về ứng phó với biến đổi khí hậu và kiểm kê khí nhà kính cấp thành phố/tỉnh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; xây dựng dự thảo cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các video clip về tác động và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; kiểm kê khí nhà kính cho tỉnh Quảng Trị.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm rõ thêm các đề xuất hợp tác của WWF tại Quảng Trị về lĩnh vực bảo vệ hệ sinh thái biển và ven bờ; bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học; năng lượng và khí hậu.
Đánh giá cao các chương trình do WWF – Việt Nam đã và sẽ triển khai tại Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng bày tỏ mong muốn WWF – Việt Nam và các tổ chức quốc tế quan tâm, triển khai nhiều hơn nữa các chương trình, dự án tại địa phương để cùng góp phần duy trì vùng cảnh quan Trung Trường Sơn nói chung và Quảng Trị nói riêng giàu tính đa dạng sinh học và phát triển bền vững, qua đó góp phần giải quyết mong đợi của chính quyền và người dân ở các địa phương về phát triển rừng bền vững và bảo tồn thiên nhiên.
UBND tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng WWF để thực hiện có hiệu quả các dự án trong giai đoạn những năm tiếp theo; đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai cụ thể.
Cà Mau: Sạt lở đất, gây thiệt hại 2 căn nhà của người dân
Sáng nay, 6/7, thông tin từ Đồn Biên phòng Rạch Gốc và Đồn Biên phòng Tam Giang Tây cho biết, trên địa bàn các đơn vị đóng quân vừa qua liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở đất, gây thiệt hại 2 căn nhà của nhân dân địa phương.
Cụ thể, vào khoảng 21 giờ ngày 4/7 tại khu vực ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển (địa bàn Đồn Biên phòng Tam Giang Tây) xảy ra 1 vụ sạt lở, làm sập hoàn toàn 1 căn nhà của gia đình ông Đoàn Thức Em. Gia đình kịp phát hiện nên đã nhanh chóng chạy ra ngoài nên không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng về người.
Thiệt hại tài sản ước tính trên 40 triệu đồng.
Đơn vị đã cử 2 tổ công tác gồm 10 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng công an, quân sự và chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.
Cùng thời gian, tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cũng đã xảy ra 1 vụ sạt lở đất làm hỏng 1 căn nhà của ông Phan Thanh Điền, ước tính thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã cử 6 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ngọc Hiển, chính quyền địa phương giúp đỡ gia đình khắc phục hậu quả.
Mưa lớn kéo dài, Trung Quốc ban bố cảnh báo cam về thảm họa địa chất
Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Cục Khí tượng Trung Quốc cảnh báo các nguy cơ thảm họa địa chất do mưa ở thành phố Trùng Khánh từ 20h00 tối 5/7 đến 20h00 tối 6/7. Cảnh báo màu vàng cũng được ban bố tại nhiều nơi ở khu tự trị Nội Mông, Trùng Khánh và Vân Nam. Người dân được khuyến cáo thận trọng.
Hệ thống cảnh báo thời tiết về thảm họa địa chất của Trung Quốc có 4 cấp, trong đó màu đỏ là nghiêm trọng nhất, tiếp đến màu cam, vàng và xanh.
Truyền thông nước này cho biết các trận mưa to kể từ ngày 3/7, chủ yếu dọc khu vực sông Trường Giang, đã gây ra lũ lụt và nhiều thảm họa địa chất, làm hư hại hơn 7.500 hécta diện tích cây trồng, cũng như gián đoạn đời sống trên 130.000 người dân sinh sống tại 19 quận, huyện ở khu vực.
Tình hình mưa lũ nghiêm trọng buộc cơ quan ứng phó khẩn cấp thành phố Trùng Khánh nâng mức ứng phó khẩn cấp lên Cấp độ III. Cơ quan này đã tiếp tế hơn 29.000 mặt hàng cứu trợ thiên tai như lều, chăn, giường gấp, đến quận Vạn Châu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lượng mưa cao kỷ lục. Mưa lớn nhiều ngày tại Trùng Khánh còn khiến 15 người thiệt mạng và 4 người mất tích.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên lân cận cho biết tính từ đầu tháng 7, mưa lớn đã ảnh hưởng tới trên 460.000 người dân. Giới chức Trung Quốc cũng cho biết khoảng 85.000 người phải sơ tán trước nguy cơ lở đất và lũ quét xảy ra ở nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là miền núi, trong tuần này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu chính quyền các cấp ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo an toàn và tài sản của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Mưa lớn tuần qua ở Trùng Khánh là một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc trong năm 2023. Trước đó, ngày 4/7, nước này đã cảnh báo nguy cơ thời tiết khắc nghiệt và thiên tai hoành hành trong tháng 7. Trái với những trận mưa lớn phía Tây Nam, nhiều khu vực khác đang ghi nhận tình trạng nắng nóng bất thường. Do nhiệt độ tăng cao tới 35 độ C, Trung tâm Khí tượng Trung Quốc khuyến cáo người dân tại thủ đô Bắc Kinh và nhiều khu vực khác ở trong nhà.
Cùng ngày, Bộ Tài chính ra thông báo cho biết đã nhận được 320 triệu Nhân dân tệ (44,46 triệu USD) từ quỹ ứng phó thiên tai trung ương để hỗ trợ các vùng ứng phó với thảm họa địa chất và lũ lụt, trong đó có tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh.
Trong số này, 250 triệu Nhân dân tệ sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nỗ lực kiểm sát lũ và ứng phó thiên tai, 70 triệu Nhân dân tệ hỗ trợ ứng phó với thảm họa địa chất.
Các quỹ trên sẽ được phân bổ cho các chính quyền địa phương để phối hợp các nỗ lực cứu hộ khẩn cấp và ứng phó với thiên tai, tập trung tìm kiếm, cứu hộ và tái định cư người dân bị ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên. Các quỹ này cũng sẽ được sử dụng để xác định và xử lý các nguy cơ và nguy hiểm tiềm tàng nhằm đề phòng thảm họa thứ cấp, cũng như sửa chữa nhà cửa bị hư hại. Động thái trên được đưa ra sau khi mưa lớn kéo dài ảnh hưởng tới nhiều vùng, trong đó có Trùng Khánh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong một diễn biến khác, hạn hán ảnh hưởng tới khoảng 710.000 ha đất trồng ở tỉnh Hà Bắc (miền Bắc Trung Quốc).
Ngày 5/7, Sở Nguồn nước của tỉnh cho biết do nhiệt độ cao và lượng mưa ít trong thời gian gần đây, nhiều nơi ở miền Trung và phía Bắc của tỉnh đã xuất hiện hạn hán. Hiện tỉnh đã kích hoạt biện pháp ứng phó khẩn cấp với hạn hán cấp độ IV, mức thấp nhất trong hệ thống gồm 4 bậc.
Trong nửa đầu năm nay, tỉnh Hà Bắc ghi nhận lượng mưa trung bình 123,2mm, ít hơn 13% so với mức trung bình của mùa này trong các năm trước. Tổng lượng mưa trong 6 tháng đầu năm 2023 thấp nhất kể từ năm 1956. Riêng trong tháng 6, lượng mưa trung bình ở tỉnh Hà Bắc chỉ là 29mm, tức thấp hơn 60% so với mức trung bình cùng thời điểm này trong các năm khác.
Tỉnh đã phân phối nguồn nước để mở rộng các khu vực tưới tiêu, bao phủ 1,2 triệu ha đất trồng, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị