Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hà Nội đón gió lạnh, nhiệt độ 3 ngày tới giảm thấp nhất 20 độ
Thời tiết Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ trong ngày và đêm nay (6/4), sẽ chịu ảnh hưởng của đợt gío mùa đông bắc nên trời có lúc có mưa rào và giông, chấm dứt tình trạng nắng và oi bức những ngày vừa qua.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 7 đến hết ngày 8/4, nhiệt độ ở thủ đô Hà Nội tiếp tục giảm, cả về đêm lẫn ngày. Gió chuyển hướng đông bắc cấp 2-3 trong ngày 6 và 7/4, sau chuyển hướng đông.
Từ đêm 6/4, vùng trung tâm trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất hạ còn 20-22 độ, cao nhất ban ngày ở mức 21-25 độ.
Cụ thể về thời tiết tại thủ đô Hà Nội trong 3 ngày (6-8/4):
Ngày 6/4: Nhiều mây, chiều và đêm có thể có mưa rào. Chiều gió chuyển đông bắc cấp 2. Nhiệt độ cao nhất: 27-29 độ Độ ẩm trung bình: 70-80%. Khả năng mưa: 50%
Đêm: Nhiều mây, có lúc có mưa rào và giông. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất: 22-24 độ. Độ ẩm trung bình: 75-85%. Khả năng mưa: 60%
Ngày 7/4: Có lúc có mưa. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ cao nhất: 22-25 độ. Độ ẩm trung bình: 65-75%. Khả năng mưa: 60%.
Đêm: Có lúc có mưa. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất: 20-22 độ. Độ ẩm trung bình: 75-85%. Khả năng mưa: 70%
Ngày 8/4: Có mưa. Gió đông bắc đến đông cấp 2. Nhiệt độ cao nhất: 21-24 độ. Độ ẩm trung bình: 75-85%. Khả năng mưa: 70-80%.
Đêm: Có mưa. Gió đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất: 20-22 độ. Độ ẩm trung bình: 80-90%. Khả năng mưa: 70-80%
Lạng Sơn siết chặt quản lý hồ chứa
Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư dự án thủy điện, chủ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; chỉ đạo vận hành quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn công trình và hạ du, hạn chế tối đa xảy ra ngập lụt.
Đôn đốc các chủ hồ chứa thủy điện, các chủ đầu tư dự án thủy điện đang xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó với thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt; kiểm tra đánh giá tình trạng đập; triển khai, nâng cấp các thiết bị theo dõi, giám sát an toàn đập; khẩn trương rà soát việc tuân thủ quy trình vận hành, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định, đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du đập, hồ chứa nước.
Bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thuỷ văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để chủ động vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập; củng cố hệ thống cảnh báo, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã để kịp thời cảnh báo cho Nhân dân vùng hạ du trong quá trình vận hành điều tiết lũ…
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo vận hành hồ đập thủy lợi bảo đảm an toàn công trình và hạ du, lưu ý việc vận hành các hồ đập trên địa bàn tỉnh để bảo đảm an toàn, hạn chế ngập lụt xảy ra; hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc tuân thủ các quy định có liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập, an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân ở vùng hạ du đập.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng giao Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa để đảm bảo vận hành an toàn, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành; tham gia xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Sơn La huy động 50 người dập tắt cháy rừng trong đêm
Tin trên Vietnamnet, theo thông tin ban đầu, cuối giờ chiều 5/4, người dân thành phố Sơn La phát hiện đám cháy lớn trên đồi giáp ranh giữa bản Phứa Cón, bản Cọ và tổ 2 phường Chiềng An.
Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, các lực lượng chức năng và nhân dân phường Chiềng An (khoảng 50 người) đã tiếp cận đám cháy, thực hiện phương án cứu hộ cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, không để đám cháy lan rộng.
Ông Lù Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Chiềng An cho biết, do khu vực cháy không có nương của người dân, cả quả đồi toàn cây nứa, cây loi nên lửa cháy dữ dội, lan nhanh, hơn nữa địa hình hiểm trở, không gần nguồn nước nên rất khó khăn trong công tác chữa cháy.
“Sau khi thống nhất, chúng tôi lên phương án không để cháy lan, huy động các lực lượng cùng phối hợp để làm đường băng cản lửa. Đến khoảng 22h ngày 5/4, cơ bản đám cháy được khống chế, không có khả năng lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”, ông Lù Văn Hòa cho hay.
Theo ông Hòa, lực lượng chức năng đang điều tra nguyên nhân, xác định diện tích cũng như mức độ ảnh hưởng của đám cháy.
Nghệ An: Khẩn trương rà soát quy hoạch các khu xử lý chất thải
UBND tỉnh Nghệ An mới có Công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải.
Theo đó, tại Công văn số 1617/BTNMT-KSONMT, ngày 15/3/2023 về việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải nguy hại hiện đang hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn để đưa vào trong nội dung quy hoạch tỉnh.
Trong trường hợp cần thiết thì phải xây dựng phương án có lộ trình di dời phù hợp vào các khu xử lý chất thải tập trung được quy hoạch. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ phát triển.
Loài rùa quý hiếm sống sót nhờ biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu thường gây bất lợi cho các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vùng nước ấm lại có lợi hơn cho rùa Quản Đồng – loài rùa mai cứng lớn nhất thế giới nằm trong danh mục loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngày càng nhiều rùa Quản Đồng đang làm tổ và đẻ trứng trên các bãi biển phía Tây Địa Trung Hải. Các nhà sinh học biển Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Tunisia phát hiện số lượng tổ rùa trên bãi biển của các nước này trong thập kỷ qua xuất hiện nhiều hơn so với giai đoạn 1990 – 2012.
Theo dữ liệu mới nhất trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học sinh thái Global Ecology and Conservation năm 2022, số lượng tổ rùa đã tăng đáng kể từ năm 2012, lên tới 84 tổ vào năm 2020.
Một số nhà khoa học cho rằng điều này có thể là do biến đổi khí hậu dẫn đến sự mở rộng môi trường sống của một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Theo một nghiên cứu do tổ chức môi trường CEAM có trụ sở tại Valencia thực hiện vào năm 2020, trong giai đoạn 1982-2019, nước biển ở Địa Trung Hải đã ấm hơn 1,3 độ C.
Nhà sinh vật học Ana Liria, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đa dạng sinh học ADS Biodiversidad, nhận định biến đổi khí hậu thường gây bất lợi cho động vật hoang dã, nhưng việc nước ấm lên rõ ràng là có lợi hơn cho loài rùa. Bà lưu ý tuổi thọ của chúng lên tới 100 năm, do đó, những thay đổi trong tập tính của chúng cần được quan sát trong thời gian dài.
Các chương trình bảo tồn rùa được triển khai thành công trên toàn cầu trong những thập kỷ qua cũng đã làm tăng số lượng rùa Quản Đồng, giúp đẩy lùi nguy cơ loài này biến mất hoàn toàn ở nhiều khu vực.
Tổ chức ADS Biodiversidad, có trụ sở tại Taliarte trên đảo Gran Canaria, đã giải cứu nhiều con rùa bị thương ở Quần đảo Canary của Tây Ban Nha, đồng thời nghiên cứu về số lượng của chúng ở Cape Verde – khu vực sinh sản chính của loài này ở phía Đông Đại Tây Dương.
Rùa Quản Đồng sống ở những vùng nước ấm hơn của các đại dương trên thế giới và xuất hiện ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, chúng chủ yếu làm tổ ở một số nơi như Florida (Mỹ), Cape Verde, Oman, Mozambique và miền Tây Australia. Loài này có tập tính quay trở lại nơi đẻ trứng trước đó để tiếp tục sinh sản vài năm một lần.
Một con rùa Quản Đồng trưởng thành có thể chiều dài 90 cm và nặng 150 kg. Kích thước và lớp mai cứng bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Tuy nhiên, lưới đánh cá, cánh quạt tàu và ô nhiễm đã trở thành những mối đe dọa đối với loài này.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị