Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Tháng 5 sẽ còn bao nhiêu đợt nắng nóng diện rộng?
Chiều ngày 5/5, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có những chia sẻ về diễn biến đợt nắng nóng diện rộng ở khắp 3 miền đang diễn ra.
Ông Hưởng nhận định, hôm nay đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên cùng lúc xảy ra ở khắp 3 miền, cao điểm nắng nóng là ngày 5 và 6/5 với mức nhiệt phía Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến từ 36 đến 40 độ, có nơi trên 40 độ.
Đến ngày 7/5, nắng nóng ở phía Đông Bắc Bộ sẽ dịu dần và kết thúc. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ, nắng nóng duy trì hết ngày 7/5, sang ngày 8/5 thì nắng nóng kết thúc.
Về câu hỏi liệu đợt nắng nóng lần này có ghi nhận các con số vượt mức lịch sử, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết khu vực phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế là nơi chịu tác động của thấp nóng phía Tây và gió Phơn nên nhiều điểm có nhiệt độ cao trên 41 độ, khả năng cao một số điểm sẽ ghi nhận vượt giá trị lịch sử trong tháng 5. Trong đợt nắng nóng này, nhiệt độ ở Hà Nội sẽ ở mức 38, có nơi trên 38 độ.
Trong tháng 5 sẽ có bao nhiêu đợt nắng nóng diện rộng? Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trong tháng 5 sẽ còn 2-3 đợt nắng nóng xảy ra ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Đây mới là bắt đầu của mùa hè nên cường độ nóng và thời gian các đợt nắng nóng chưa dài. Dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng rất gay gắt.
Về đợt không khí lạnh sắp tràn xuống miền Bắc, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết khoảng ngày 7/5 không khí lạnh cuối mùa sẽ tràn xuống làm kết thúc nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Chính tác động của không khí lạnh làm nhiệt độ của các tỉnh miền Bắc trong đó có Hà Nội giảm sâu.
Về áp thấp nhiệt đới đang hình thành trên biển Đông, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết đây có thể là áp thấp nhiệt đới đầu tiên tác động đến vùng biển nước ta, gây gió mạnh, mưa dông lốc mạnh phía đông, giữa và nam Biển Đông. Tác động xa hơn thì cần phải cập nhật thêm.
Áp thấp nhiệt đới đang tiến gần Biển Đông
Ngày 5/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang.
Đề nghị các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình tới Kiên Giang theo dõi diễn biến của áp thấp.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới sẽ từ vĩ tuyến 9 đến 12 độ Vĩ Bắc; phía đông kinh tuyến 116,5. Vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo.
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Áp thấp này được hình thành từ vùng áp thấp ở khu vực miền Trung Philippines.
Lúc 10 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp ở khoảng 10 độ Vĩ Bắc, 119,2 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển phía Đông đảo Palawan (Philippines).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp có khả năng đi vào Biển Đông. Có thể đây sẽ là áp thấp nhiệt đới đầu tiên trên Biển Đông trong năm 2023.
Khởi động Chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2023”
Chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2023” tổ chức chuỗi hoạt động từ ngày 5-5; tổng kết vào ngày 18, 19-11-2023 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Mục tiêu nhằm kêu gọi cộng đồng cùng tham gia bảo vệ sức khỏe và môi trường sống, cổ vũ lối sống lành mạnh, xanh – sạch – đẹp.
Mở đầu chuỗi hoạt động là Cuộc thi tìm kiếm gương mặt Đại sứ Xanh cho lứa tuổi từ 7 đến 15. Các Đại sứ Xanh sẽ cùng tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường, thực hiện dự án nhân ái, qua đó, góp phần thay đổi nhận thức về việc sử dụng tái chế, hướng cho các bạn nhỏ có những suy nghĩ, hành động, việc làm tích cực để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Hiện đã có 11 trường trên địa bàn TP Hà Nội tham gia Cuộc thi tìm kiếm gương mặt Đại sứ Xanh.
Điểm nhấn trong chương trình năm nay là Cuộc thi sáng tạo sản phẩm tái chế vì môi trường dành cho học sinh các trường tại Hà Nội với chủ đề “Sống xanh”. Theo đó, chương trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ môi trường cho học sinh tại Hà Nội, đồng thời đã thay đổi nhận thức về việc sử dụng tái chế, hướng cho học sinh có những suy nghĩ, hành động, việc làm tích cực để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Trong khuôn khổ chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2023” còn có các hoạt động như: Trưng bày mô hình xanh của học sinh và gian hàng quảng bá sản phẩm, dịch vụ xanh của các đơn vị, doanh nghiệp; vẽ bức tranh khổng lồ với chủ đề: “Hà Nội Xanh – Thành phố vì hòa bình”… nhằm giới thiệu, truyền cảm hứng tới cộng đồng vì một môi trường quốc gia xanh, sạch.
Chương trình Vì Môi trường xanh Quốc gia được tổ chức lần đầu vào năm 2012, nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18-3-2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Qua 11 năm tổ chức, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều địa phương trên cả nước và sự ủng hộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương trình Vì Môi trường xanh Quốc gia đã lan tỏa sâu rộng đến học sinh, sinh viên; tạo nên sân chơi lành mạnh, kỹ năng sống, khơi dậy tiềm năng và phát triển tư duy, tính sáng tạo của học sinh. Đồng thời, rèn kỹ năng, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Từ các hoạt động, người dân cũng được hướng dẫn để nhận thức đúng, đầy đủ và có những hành động cụ thể thiết thực về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề phân loại rác tại nguồn.
Ngoài ra, chương trình là cơ hội tốt để các cơ quan, doanh nghiệp thể hiện quan điểm và cam kết của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước. Với doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp thiết thực, hành động thực tế vào công tác bảo vệ môi trường.
Chủ động ứng phó với ATNĐ trên biển Đông
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ đi vào biển Đông, mỗi giờ đi được 10km, cường độ ít thay đổi. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 cho khu vực phía Đông khu vực giữa và Nam biển Đông.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, để chủ động ứng phó với ATNĐ, Văn phòng Thường trực phối hợp Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP, các bộ ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ.
Nhiệm vụ trọng tâm trong những giờ tới là tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực để có chỉ đạo ứng phó kịp thời, hạn chế ảnh hưởng của ATNĐ.
Kiên Giang tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường
Chương trình nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và nhân dân, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Các tổ chức tôn giáo cam kết triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Vệ – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của chương trình ký kết phối hợp.
“Mong rằng các bên nghiêm túc, cam kết tích cực thực hiện những nội dung trong chương trình, nhằm chung tay xây dựng Kiên Giang giàu đẹp trong sự bền vững môi trường. Đặc biệt, Mặt trận sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các tôn giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…”, bà Lê Thị Vệ phát biểu tại hội nghị.
Toàn tỉnh hiện có 12 tôn giáo với 417 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 409 cơ sở thờ tự, trên 594.000 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ.
Trước đó, ngày 2/6/2016, Ban Thường trực Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Kết quả, Mặt trận các cấp trong tỉnh phối hợp ngành TN&MT, các tổ chức tôn giáo ra mắt được 173 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Các tôn giáo đã xây dựng trên 100 lò đốt rác tham gia bảo vệ môi trường.
Các tổ chức tôn giáo còn thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như phát tờ rơi tuyên truyền cho tín đồ, xây các lò đốt rác, trạm cung cấp nước sạch… trong thời gian qua với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị