Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; Ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; Đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; Các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; Tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Cùng với đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu. Các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.
Đồng thời, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú, đường di cư của các loài thủy sản, các khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSAR…; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường.
Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển, hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Về tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Về định hướng, nhiệm vụ chiến lược đến năm 2030, Nghị quyết nêu rõ các nội dung cơ bản: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; điều tra cơ bản biển và hải đảo; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Lạng Sơn tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở TN&MT, trên cơ sở tình hình thực tế địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình quan trắc định kỳ theo Quyết định số 852/QĐ-UBND ngày 17/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn. Chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên theo dõi, vận hành các trạm quan trắc tự động, liên tục đã được đầu tư, tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI); công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, đồng thời kết nối về Bộ TN&MT theo quy định.
Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng thực hiện lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.
Sở GTVT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình,…)
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; kịp thời ngăn chặn các hoạt động đốt mở trên địa bàn. Đồng thời, có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích khác, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.
Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) thông tin về dự án xây dựng Bãi rác thải mới
Theo thông báo của UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, dự án Bãi xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đắk R’lấp được thông qua danh mục thu hồi đất tại Nghị quyết số 119/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Đắk Nông.
Tháng 12/2020, Ban Quản lý dự án vá Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm đếm tài sản trên đất theo kế hoạch của huyện. Tổng diện tích thu hồi đất để thực hiện dự án này là hơn18ha với 10 hộ bị ảnh hưởng. Hiện nay, số hộ dân đã nhận tiện bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng là 6 hộ, còn 4 hộ dân chưa nhận tiện bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.
Theo UBND huyện Đắk R’lấp, do 4 hộ dân này không thống nhất về mức giá đền bù và đề nghị hỗ trợ thiệt hại cây trồng 2 năm không chăm sóc do công tác bồi thường kéo dài, các hộ dân này cũng đề nghị thu hồi hết phần diện tích đất còn lại do không đủ điều kiện canh tác, sản xuất.
Đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp đang khẩn trương đôn đốc đơn vị tư vấn xác định giá đất điều chỉnh để có cơ sở lập phương án điều chỉnh, bổ sung trình UBND huyện phê duyệt.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất cũng tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân còn lại để dự án Bãi xử lý rác thải sinh hoạt sớm được triển khai, đi vào hoạt động.
Như báo chí đã phản ánh trước đó về tình trạng, Bãi thu gom rác thải của huyện Đắk R’lấp tập trung tại bon Đắk B’lao, thị trấn Kiến Đức, tồn tại nhiều năm nay và luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải chưa được triển khai, đang gặp khó về vốn và công tác giải phóng mặt bằng.
Bà Rịa – Vũng Tàu bảo vệ môi trường khu vực nông thôn: Nhiều giải pháp thiết thực
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có hơn 3.577 hộ, cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: Chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối… Hiện tại, đã có 6 nghề và 1 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận.
Nhằm quản lý chất thải từ hoạt động ngành nghề ở nông thôn, nâng cao hiệu quả công tác BVMT, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng cường phối hợp với các sở ngành và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, đối với việc quản lý chất thải nguy hại, các sở ngành và các địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hạn chế tồn dư của thuốc BVTV thẩm thấu vào môi trường và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào các bể chứa do địa phương bố trí.
Đối với hoạt động gia công, chế biến hải sản, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các sở ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hộ, cơ sở kinh doanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải; di dời các cơ sở gia công, chế biến hải sản vào khu tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như phục hồi suy thoái nguồn nước mặt tại các sông.
Theo ông Đặng Sơn Hải – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các ngành nghề kinh tế nông thôn giữ vai trò quan trọng trong ổn định đời sống của người dân địa phương, đồng thời đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội chung của các khu vực. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư tại một số địa phương vẫn còn xảy ra.
Điển hình là hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở chế biến hải sản nhỏ lẻ, hộ gia đình, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Ông Đặng Sơn Hải – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Để góp phần tạo diện mạo mới của môi trường khu vực nông thôn, đồng thời, chung tay đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Sở TN&MT, các sở ngành có liên quan và các địa phương tập trung khắc phục các tồn tại, xử lý dứt điểm các khu vực ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển của tỉnh theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo đó, đối với khu vực nông thôn, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát đối với hoạt động sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và tập trung xử lý tình trạng vứt vỏ thuốc BVTV ra môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc BVMT, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân và hệ sinh thái.
Tỉnh Kiên Giang tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học
Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Kiên Giang tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo hướng kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết tỉnh mở rộng, nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bền vững, bảo tồn tính đa dạng sinh học cao.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh có 80% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý chất lượng; che phủ rừng toàn tỉnh đạt 11%.
Tỉnh bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm, loài di cư được ưu tiên bảo vệ, không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng, thống kê, lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi.
Đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn thực sự có hiệu quả, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân.
Tỉnh quản lý rừng bền vững, bảo tồn hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh môi trường, nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Triển khai các mục tiêu trên, Kiên Giang kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực của các Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.
Tỉnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, hệ thống quan trắc đa dạng sinh học, tuyên truyền, giáo dục về môi trường, đa dạng sinh học trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, chung tay bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị