Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Bão SAOLA giật trên cấp 17 hướng vào Vịnh Bắc Bộ
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 09/CĐ-QG chỉ đạo chủ động ứng phó bão SAOLA.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, một cơn bão rất mạnh có tên quốc tế là SAOLA đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu-Dông (Philippines).
Hồi 13 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15-16 (167-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/h.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ có khả năng yếu dần.
Trên biển: Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Nước dâng, sóng lớn: Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 3,0-5,0m, sau tăng lên 6,0-8,0m
Lào Cai: Sạt lở hơn 20 đoạn đường tại một xã do mưa lớn kéo dài
Thông tin với báo chí, ông Phạm Văn Điều, Chủ tịch UBND xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
“Có khoảng 10 điểm sạt lở xuất hiện rải rác trên Tỉnh lộ 160, thuộc địa phận các thôn Nậm Tông, Cô Tông, Bản Vàng… Hiện chưa có số liệu thống kê nhưng ước tính lên đến hàng nghìn mét khối đất, đá”, ông Điều cho hay.
Theo ông Điều, ngoài các điểm sạt lở trên tỉnh lộ, các đường liên thôn của xã cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Tổng cả xã có khoảng hơn 20 điểm sạt lở đất, đá, gây ách tắc giao thông. Từ đầu mùa mưa năm 2023 đến nay, đây là lần đầu tiên xảy ra sạt lở trên Tỉnh lộ 160, đoạn thuộc địa phận xã Bản Cái”, ông Điều cho hay.
Đơn vị chức năng liên quan và chính quyền địa phương đã huy động nhân lực, máy móc triển khai cắm biển cảnh báo, phân luồng giao thông, hót dọn đất, đá từ 2 đầu điểm sạt lở.
Dự kiến trong ngày 30/8 sẽ cơ bản thông đường, đảm bảo giao thông bước 1 cho người dân.
Bắc Hà (Lào Cai) triển khai công tác trồng, bảo vệ rừng
Ngày 29/8, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển rừng bền vững huyện Bắc Hà tổ chức hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác trồng rừng ở vùng cao, bảo vệ rừng ở vùng thấp và phát triển kinh tế đồi rừng.
Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/HU ngày 20/12/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Hà về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác trồng rừng ở vùng cao, bảo vệ rừng ở vùng thấp và phát triển kinh tế đồi rừng, các xã trong huyện đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện trồng thêm trên 1.700 ha rừng, trong đó ưu tiên trồng cây lâm nghiệp đa mục đích, cây cho hiệu quả kinh tế cao, cây bản địa và nâng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện lên trên 47%.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã trồng mới được 239 ha rừng kinh tế và xây dựng được một số mô hình kinh tế đồi rừng, gồm: Mô hình trồng cây hồi 28,99 ha, với 15 hộ gia đình tham gia; mô hình trồng cây sa nhân 13,65 ha/11 xã (trồng dưới tán rừng trồng, trồng phân tán nhỏ lẻ); mô hình trồng cây dổi phân tán nương rẫy, vườn nhà, cây phát triển tốt; mô hình trồng cây màng tang trên 5 ha; mô hình phát triển quế hữu cơ tại các xã vùng thấp của huyện.
Theo đánh giá của ngành chức năng tại địa phương, tiến độ trồng rừng chậm, đặc biệt là các xã vùng cao; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn xảy ra, chủ yếu là vi phạm phát, phá, lấn chiếm rừng để trồng rừng; nhiều diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trùng với đất sản xuất nương rẫy, đất trồng cây ăn quả; công tác quản lý đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp chưa được chủ rừng, UBND các xã quan tâm bảo vệ dẫn đến Nhân dân xâm lấn.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận và kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong các tháng còn lại của năm 2023 và các năm tiếp theo. Phấn đấu từ nay đến cuối năm, toàn huyện trồng mới trên 400 ha rừng, trồng 262.000 cây phân tán tạo cảnh quan trên các tuyến đường giao thông.
Cũng tại hội nghị, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà ký Quy chế phối hợp với UBND các xã, thị trấn về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn
Rác thải tại thị trấn Nhã Nam đã được thu gom
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhã Nam thông tin: Từ ngày 28/8, việc thu gom rác thải trên địa bàn được thực hiện trở lại. Thị trấn phát động toàn dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tập trung vào những khu vực, điểm tồn đọng nhiều rác. Ngoài ra, thị trấn huy động 10 máy xúc, máy múc, ô tô thu gom, vận chuyển rác.
UBND xã đã bố trí kinh phí cho việc bảo dưỡng lò đốt rác và hoạt động thu gom, xử lý rác theo quy định. Đồng thời chỉ đạo HTX vệ sinh môi trường làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm mọi điều kiện để vận hành lại lò đốt rác.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức cộng đồng trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải, góp phần giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường, quyết tâm hoàn thành thu gom, xử lý triệt để rác thải xong trước ngày 31/8.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều ngày 29/8, các khu vực từng tồn đọng nhiều rác thải như hai bên tuyến đường từ tổ dân phố Bùng đến tổ dân phố Tiến Phan, sân bóng (cũ) và một số khu dân cư trên địa bàn thị trấn Nhã Nam đã phong quang, gọn gàng trở lại, nhân dân tích cực tham gia hoạt động thu gom, phân loại rác thải.
Liên quan đến lò đốt rác của thị trấn trước đó phải ngưng hoạt động do một số hộ dân cho rằng công trình này gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Văn Việt cho hay, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã về lấy mẫu để quan trắc. Kết quả đo, phân tích mẫu khí thải đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định. Sau khi hoàn thành bảo dưỡng và công việc chuẩn bị khác, thị trấn sẽ cho vận hành trở lại lò đốt rác trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Đắk Lắk vượt sông Krông Ana tìm nguyên nhân sạt lở
Tin trên Vietnamnet, ông Nguyễn Thiên Văn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, ông vừa có chuyến đi thực tế trên sông Krông Ana (đoạn qua huyện Lắk) để khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở của dòng sông này.
Theo ông Văn, qua chuyến đi thực tế, ông nhận thấy tình trạng sạt lở ở sông Krông Ana tương đối nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, diện tích đất nông nghiệp và đất rừng đặc dụng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở này, ông Văn khẳng định, ngoài yếu tố tác động bởi dòng chảy, biến đổi khí hậu thì các doanh nghiệp khai thác cát cũng không thể vô can.
“Tôi đã đề nghị UBND huyện Lắk, Sở Tài nguyên và Môi trường, ngành Công an tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp được cấp phép đúng quy định về đăng ký phương tiện, số lượng phương tiện… Đặc biệt là các khu vực cấm, tạm cấm khai thác; đồng thời tuyên truyền để người dân kịp thời thông tin, phản ánh các vấn đề vi phạm trong khai thác cát”, ông Văn cho biết thêm.
Trước đó, báo cáo của UBND huyện Lắk cho thấy đã ghi nhận một số vị trí sạt lở dọc bờ sông Krông Ana, các vị trí sạt lở này nằm trong ranh giới cấp phép khai thác cát cho 3 doanh nghiệp.
Cụ thể, vị trí 1, sạt lở kéo dài 1.210m, thuộc đoạn sông được cấp phép khai thác của Công ty CP VLXD Tây Nguyên, thuộc địa phận xã Yang Tao.
Vị trí 2, sạt lở kéo dài 570m, thuộc đoạn sông được cấp phép khai thác của Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa, thuộc địa phận xã Yang Tao.
Vị trí 3, sạt lở kéo dài 430m, thuộc đoạn sông được cấp phép khai thác của Công ty CP VLXD Tây Nguyên, thuộc địa phận xã Đắk Liêng.
Ngoài ra trong 14,5km khu vực khai thác của Công ty CP VLXD Tây Nguyên có 2 điểm sạt lở bờ sông đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khu cấm khai thác cát với tổng chiều dài 1,85km. Trong đó, 3 hộ dân có đất sạt lở nằm trong khu vực này với tổng diện tích sạt lở theo thống kê 0,35 hecta.
Khánh Hòa giám sát chuyên đề tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường
Vừa qua, đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa giám sát chuyên đề tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2023. Ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn giám sát.
Thời gian qua, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; việc quan trắc, giám sát môi trường thực hiện định kỳ theo quy định; chất thải rắn được thu gom, xử lý theo quy định. Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; xây dựng kế hoạch ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định. Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chưa triệt để, chỉ đạt 50-70%; biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp; trên địa bàn tỉnh chưa có dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất lớn và công nghệ tiên tiến để xử lý khối lượng chất thải đang tăng nhanh; việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư còn chậm so với kế hoạch…
Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá hiệu quả việc đầu tư các dự án, công trình về bảo vệ môi trường; đồng thời đề nghị các sở, ngành liên quan góp ý, giải trình về những tồn tại, vướng mắc để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn
Mục tiêu của đề án nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đồng thời phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn; đề ra cơ chế chính sách và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý chất thải nhựa…
Cuba: Bão Idalia càn quét gây ngập lụt, mất điện diện rộng
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, đã lập tức chủ trì một cuộc họp điều phối công tác phục hồi sau bão và yêu cầu khẩn trương khôi phục dịch vụ điện và thông tin liên lạc, đồng thời đẩy nhanh hoạt động thu hoạch nông sản.
Cuba trước đó đã phải khẩn trương sơ tán người dân sinh sống ở các thị trấn ven biển, dỡ bỏ nhà cửa tránh gây sập đổ khi bão Idalia di chuyển xuống phía Tây của quốc đảo này vào ngày 28/8.
Mưa lớn tiếp tục kéo dài tại các tỉnh miền Tây Cuba là Pinar del Rio, Artemisa, Mayabeque và thủ đô La Habana. Những trận mưa lớn đã gây ra lũ lụt đô thị và làm thiệt hại nhiều nhà cửa. Cây và cột điện đổ ngổn ngang, nhiều khu dân cư bị cô lập. Sóng mạnh khiến nước biển tràn vào vùng trũng khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán.
Theo số liệu thống kê chính thức, dịch vụ điện bị gián đoạn tại khoảng 60% lãnh thổ tỉnh cực Tây Pinar del Rio, nơi trực tiếp hứng chịu cơn bão. Khoảng 90.000 trên tổng số 2,1 triệu dân thủ đô cũng đang chịu cảnh mất điện, trong khi con số này tại tỉnh lân cận Artemisa là hơn 117.000 người (80%).
Ngành sản xuất xì gà và thuốc lá ở Vueltabajo (thuộc tỉnh Pinar del Rio), nơi trồng những loại lá thuốc hảo hạng nhất Cuba, bị thiệt hại nặng nề.
Giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không tại Cuba bị gián đoạn một phần. Sân bay quốc tế Jose Marti ở thủ đô La Habana đã hủy một số chuyến bay đêm. Huyện đảo đặc biệt Isla de la Juventud bị cô lập hoàn toàn.
Viện Khí tượng Cuba (Insmet) cảnh báo mặc dù bão Idalia đã di chuyển khỏi lãnh thổ nước này nhưng khả năng mưa lớn ở khu vực phía Tây vẫn cao, kèm giông gió và sấm chớp.
Idalia là cơn bão thứ 3 đổ bộ vào Cuba trong mùa bão năm nay. Sau khi đi qua Cuba, bão sẽ ra khỏi Vịnh Mexico. Sóng nhiệt ở vùng biển sẽ tăng cường sức gió của bão Idalia khi tiến về bang Florida (Mỹ).
Tại Mỹ, trung tâm dự báo bão quốc gia (NHC) cho hay bão sẽ tràn vào Mỹ trong ngày 30/8. Các cơn bão lớn thường là bão cấp 3 trở lên trong thang Saffir-Simpson gồm 5 cấp. Theo NHC, những cơn bão này có sức tàn phá nghiêm trọng. Vào thời điểm khuyến cáo, bão Idalia cách thành phố Tampa của bang Florida khoảng 600 km về phía Nam – Tây Nam, với sức gió tối đa là 120 km/h.
NHC đã đưa ra nhiều cảnh báo tại các bang Florida, Georgia và South Carolina, khi nước ấm tại Vịnh Mexico góp phần gia tăng cường độ của cơn bão. NHC đã cảnh báo nguy cơ lũ quét tại một số khu vực của bang Florida và phía Nam bang Georgia vào ngày 30/8. South Carolina sẽ đối mặt với lũ lụt vào ngày 31/8.
Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) đang chuẩn bị ứng phó với tác động của bão, bao gồm việc tăng cường nhân viên ứng trực.
Bão Idalia dự kiến sẽ đạt cấp 3 trong thang bão 5 cấp Saffir-Simpson khi đổ bộ vào khu vực phía Bắc Big Bend của bang Florida. Chính quyền Florida đã ban hành tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân sơ tán, huy động 5.500 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia cùng hơn 2.400 phương tiện trên biển và trên không để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp cần thiết.
Mùa bão ở Đại Tây Dương kéo dài từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 11 hằng năm, trong đó cao điểm là từ tháng 8 đến tháng 10. Tháng 9/2022, siêu bão Ian mạnh cấp 3 trong thang bão 5 cấp Saffir-Simpson đã quét qua Cuba và đổ bộ vào bờ biển bang Florida của Mỹ với sức gió giật cấp 4, khiến gần 150 người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về tài sản.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị