Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Việt Nam tham dự Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 34
Đoàn công tác của Việt Nam tham dự chuỗi Hội nghị do ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên Môi trường, kiêm Chánh Văn phòng ASEAN Việt Nam là Trưởng đoàn. Thành viên Đoàn gồm các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường) và Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cùng tham dự.
Đây là chuỗi Hội nghị quan chức cao cấp rất quan trọng trong cơ chế hợp tác ASEAN về môi trường được tổ chức theo định kỳ hàng năm. Cùng tham dự chuỗi hội nghị này có các đại biểu là các Quan chức cao cấp của các quốc gia thành viên ASEAN, ASEAN +3, các nước đối tác ASEAN, Ban thư ký ASEAN, và các tổ chức quốc tế khác…
Ngày 31 tháng 7 năm 2023, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) đã phối hợp với nước chủ nhà Indonesia và Ban Thư ký ASEAN chủ trì tổ chức các hội nghị gồm: Hội nghị Ban chỉ đạo dự án hợp tác ACB – Đức (PSC) chuẩn bị cho Hội nghị Hội đồng quản trị lần thứ 9 của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Hội nghị Hội đồng quản trị Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN lần thứ 25 và một số hội nghị liên quan đã diễn ra.
Các Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề các nội dung chính: tăng cường hiệu quả quản lý các Vườn di sản ASEAN (AHP) và cải thiện sinh kế của cộng đồng vùng đệm các AHP; tăng cường năng lực thể chế của ACB thông qua hỗ trợ kỹ thuật; đồng thời, xem xét nhiều dự thảo văn kiện của ASEAN do Nhóm công tác ASEAN và Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (AWGNCB) đề xuất để thông qua.
Một trong những văn kiện quan trọng bao gồm: Kế hoạch hành động ASEAN về loài ngoại lai xâm hại (IAS); quá trình xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN về ngăn chặn suy giảm các loài Động vật hoang dã của ASEAN; việc đề cử và thông qua 02 Khu bảo tồn của Thái Lan trở thành Vườn di sản ASEAN thứ 56 và 57 của ASEAN; kế hoạch hoạt động của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN năm 2024 và quá trình rà soát thể chế của ACB…
Cùng ngày, Hội nghị tham vấn chuẩn bị cho Dự thảo Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu để trình lên COP 28 đã diễn ra, nhằm xem xét dự thảo lần cuối Tuyên bố ASEAN về Biến đổi khí hậu để thống nhất về nội dung trước khi trình các cấp Bộ trưởng ASEAN về môi trường và Cấp cao ASEAN phê duyệt. Sau đó Tuyên bố thông qua tại COP 28.
Sáng ngày 01 tháng 8 năm 2023, tại Bogor, diễn ra lễ khai mạc trọng thể chuỗi Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 34 và các hội nghị lên quan. Phát biểu khai mạc, Bà Siti Nurbaya, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm Nghiệp Indonesia nhấn mạnh: “Hội nghị ASOEN lần thứ 34 và các hội nghị liên quan là một chương trình nghị sự quan trọng nhằm tăng cường cam kết của chúng tôi vì một hành tinh tốt đẹp hơn. Hội nghị được kỳ vọng sẽ tăng cường hoạt động của các Nhóm Công tác, tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN và các đối tác trong các lĩnh vực môi trường, nhằm giải quyết các thách thức đa chiều, bao gồm các vấn đề về môi trường để mang lại lợi ích cho người dân, xã hội và đạt được sự phát triển bền vững…”.
Đại diện các nước ASEAN, nước Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đã đề ra chiến lược với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, với hy vọng ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm, bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung và thực hiện Hiến chương ASEAN. Do vậy, năng lực và hiệu quả thể chế cần được tăng cường để giúp ASEAN ứng phó với các thách thức trong 20 năm tới.
Cùng với tinh thần đó, Hội nghị ASOEN 34 xem xét và báo cáo các hoạt động hợp tác của Tổ chức Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường trong năm 2022-2023 nhằm chuẩn bị các nội dung báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 17 sắp tới. Các nhóm công tác ASEAN về 8 lĩnh vực cụ thể gồm: Biến đổi khí hậu; Quản lý tài nguyên nước; Môi trường biển và đới bờ; Bảo tồn đa dạng sinh học; Thành phố bền vững về môi trường; Hóa chất và Chất thải; Giáo dục môi trường và Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới… đã báo cáo các hoạt động trong năm qua lên các Chủ tịch ASOEN, đồng thời đề xuất kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch chiến lược về môi trường ASEAN (ASPEN). Các nhà Quan chức ASEAN đã thảo luận sôi nổi và đưa ra các quyết định quan trọng thuộc hoạt động của các Nhóm công tác ASEAN về các lĩnh vực môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN thường niên.
Ngoài ra, ASOEN 34 xem xét và rà soát các hoạt động hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…
Theo dòng sự kiện, ngày 02 và 03 tháng 8 năm 2023: Hội nghị đối thoại ASEAN – Nhật Bản về môi trường lần thứ 17 (AJDEC), Hội nghị đối thoại ASEAN – Hàn Quốc về môi trường và Biến đổi khí hậu lần thứ 3, Hội nghị Cấp cao ASEAN – EU về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 5; Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ về môi trường và biến đổi khí hậu, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN +3 về môi trường lần thứ 20 sẽ tiếp tục diễn ra. Số lượng các Hội nghị được tổ chức là 13 hội nghị với sự tham gia khoảng hơn 100 đại biểu ASEAN và các nước đối tác.
Đoàn công tác của Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào các hoạt động của chuỗi Hội nghị. Với kết quả bước đầu đáng ghi nhận, Đoàn được các nước thành viên ASEAN đánh giá cao và hy vọng Việt Nam sẽ cùng các quốc gia tăng cường hợp tác chặt chẽ về môi trường trong giai đoạn tới.
Hội viên phụ nữ xã Bình Định (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) sáng tạo để bảo vệ môi trường
“Những chiếc bao nghĩa tình” – mô hình sáng tạo, hiệu quả và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hội LHPN xã Bình Định được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao và tích cực ủng hộ. Đây không chỉ là mô hình đột phá của Hội để giảm tải lượng rác thải, bảo vệ môi trường mà còn huy động sức mạnh tổng hợp xây dựng nguồn quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mô hình này cũng là một trong những công trình vượt khó, sáng tạo, hiệu quả đạt giải Nhì cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái” do Hội LHPN Việt Nam phát động.
Thứ 6 hàng tuần, các gia đình trong thôn Cổ Lãm có rác tái chế mang đến các điểm tập kết để ủng hộ mô hình “Những chiếc bao nghĩa tình”. Ngày 28 hàng tháng, các chị em trong Chi hội thu gom, phân loại và bán để gây quỹ, tặng quà hội viên và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hơn 1 năm qua, Chi hội thu được hơn 12 triệu đồng, tặng hàng chục phần quà ý nghĩa cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phụ nữ xây dựng nhà ở và nhận đỡ đầu cho 2 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Tại Chi hội phụ nữ thôn Ngô Phần, ngoài việc triển khai các hình thức tuyên truyền vận động, chi hội phát những chiếc bao nghĩa tình cho hội viên phụ nữ thu gom rác tái chế ở gia đình và khu dân cư để cùng nhau phân loại, bán gây quỹ giúp đỡ những hội viên phụ nữ và trẻ em yếu thế tại địa phương.
Để thực hiện hiệu quả mô hình này, chị em hội viên tự thu gom và phân loại rác thải tại gia đình và trên các tuyến đường làng ngõ xóm như: vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa, hộp nhựa, vỏ hộp sữa, giấy báo…, hàng tháng vào ngày cố định các chị đem đến nhà văn hóa thôn tập hợp. Cán bộ Hội sẽ thu gom, phân loại và tiếp tục tặng những chiếc bao tới các hộ gia đình tự nguyên tham gia. Trung bình mỗi tháng, nguồn quỹ thu được từ bán phế liệu khoảng 2,5 triệu đồng.
Sau gần 2 năm triển khai, “Những chiếc bao nghĩa tình” thu được gần 50 triệu đồng. Với số tiền này, Hội dùng để mua quà, tặng thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cụ thể, Hội tặng 10 thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng; 46 suất quà cho các trẻ em yếu thế trị giá hơn 14 triệu đồng; thường xuyên hỗ trợ, tặng quà cho 4 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bình quân mỗi tháng 200.000 đến 300.000 đồng/cháu. Đồng chí Nguyễn Thị Thư, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Định chia sẻ: “Hội triển khai mô hình “Những chiếc bao nghĩa tình” với tất cả tâm huyết và trách nhiệm, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, khơi dậy và phát huy truyền thống tương thân, tương ái, giảm thiểu lượng rác ra bên ngoài vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người”.
Ngoài “Những chiếc bao nghĩa tình”, Hội LHPN xã Bình Định còn tích cực tham gia các công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới bằng những mô hình hiệu quả như: 3 “Làng 3 sạch”; 2 “Khu dân cư không rác thải”, xây dựng các đoạn đường phụ nữ tự quản… Hội chú trọng lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB, chi, tổ hội và thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Phát huy vai trò và là lực lượng nòng cốt, Hội trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, 10 “đoạn đường xanh, sạch, đẹp”, hơn 1.000 cây xanh, làm thay đổi cảnh quan, diện mạo thôn, xóm.
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được Hội Phụ nữ xã triển khai gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trở thành phong trào thi đua của các chi hội. Hội vận động hội viên thu gom vỏ thuốc trừ sâu, thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đốt rơm rạ và xả rác thải ra sông, đường làng, ngõ xóm; duy trì hoạt động của 12 tổ vệ sinh môi trường, đảm bảo tất cả các tuyến đường đều được thu gom rác. Vận động hội viên, người dân tham gia các hoạt động, biến các bãi rác tự phát, khu đất trống thành vườn hoa công cộng của thôn, xóm; giải phóng một số bãi rác phát sinh…
Phong trào phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường của Hội LHPN Bình Định ngày càng lan tỏa rộng rãi đến hội viên, phụ nữ và toàn thể nhân dân, thiết thực hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội tập trung tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, nhân rộng và phát triển mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bắc Giang: Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; hoạt động xả thải, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Kịp thời báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp giải quyết.
Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý môi trường làng nghề; xử lý nghiêm đối với các dự án, cơ sở hoạt động không đúng quy hoạch, không có thủ tục môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác kiểm tra các dự án sau thẩm định công nghệ, chuyển giao công nghệ, kịp thời phát hiện các tồn tại, hạn chế về công nghệ và việc vận hành, quản lý của các chủ dự án, cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo, xem xét xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng, việc đổ thải, hoạt động của các bãi đổ thải chất thải rắn xây dựng tại các huyện, thành phố; quản lý hoạt động của các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng; thu gom, xử lý nước thải đô thị đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu lựa chọn, thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải phát sinh; không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (như: cơ sở tái chế phế liệu nhập khẩu, nhuộm, thuộc da, sản xuất hóa chất cơ bản,…).
Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; đầu tư, vận hành trạm xử lý nước thải đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường theo quy định.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Chủ động phối hợp với sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật hiện hành khác đối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp.
Công an tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn và lực lượng công an tại địa phương chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định và đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đảm bảo không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải; ủng hộ các chủ trương, chính sách của địa phương trong việc xây dựng các nhà máy, khu xử lý rác thải; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch giám sát các nguồn thải lớn, phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường tại địa phương để tổ chức thực hiện; đảm bảo không trùng chéo với các đối tượng giám sát của các sở, ngành của tỉnh, hoàn thành xong trước ngày 30/8/2023.
Chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình tại địa phương, kịp thời phát hiện và tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng, phức tạp về môi trường nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường.
Nước lũ dâng gây ngập, chia cắt cục bộ thôn bản ở Quảng Bình
Ngày 3/8, thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa liên tục những ngày qua khiến nước lũ tràn về, nhiều nơi tại các xã biên giới của tỉnh bị ngập, chia cắt cục bộ.
Đơn vị đã chỉ đạo các Đồn tăng cường lực lượng kiểm tra, tuyên truyền, cắm biển báo, hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân không đi qua vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Từ ngày 2/8 đến sáng 3/8, địa bàn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa có mưa vừa, có lúc mưa to, gió cấp 4-5. Ngầm Ka-Ai, Ka-Định nước dâng cao từ 0,5-1m làm chia cắt cục bộ các bản Ka-Ai, Hà Nông, Tà Rà.
Mưa liên tục những ngày qua đã khiến mực nước các sông, suối trên địa bàn xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) dâng cao, nước lũ tràn về gây ngập, chia cắt cục bộ các ngầm tràn, thôn bản. (Ảnh: TTXVN phát)
Mưa lớn khiến đập tràn bản Ka-Ai đang thi công chưa hoàn thành bị ngập khoảng 0,5m. Nước chảy xiết khiến người dân và các phương tiện giao thông không thể đi lại được.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, đơn vị thi công, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã cắm biển báo nguy hiểm, biển cấm đi lại qua khu vực trên.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo ba tổ công tác kiểm tra, rà soát xung quanh doanh trại và tham mưu địa phương kiểm tra rà soát khu vực xung yếu; tuyên truyền, nhắc nhở bà con không qua lại ngầm tràn, vớt củi, đánh cá dọc khe suối, không đi qua vùng nguy hiểm, ngập lụt.
Tại địa bàn xã Trọng Hóa, huyện Minh, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai cho hay, mưa to những ngày qua khiến lượng nước trên các suối dâng cao, các ngầm tràn như Cu Pi, Tà Cổ đã ngập từ 0,5-1m, giao thông đi lại khó khăn.
Đơn vị đã cử cán bộ trực tại các vị trí ngập, rà soát liên lạc với 15 người đang đi rừng, điểm có nguy cơ sạt lở và thông báo đến thôn, bản để bà con nắm tình hình, đảm bảo an toàn. Đơn vị chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, xử lý khi có tình huống xảy ra.
Khánh Hoà: Đề xuất nạo vét 3 hồ chứa nước, đảm bảo cấp nước sinh hoạt, dịch vụ, nông nghiệp
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 4 đề án nạo vét vật liệu bồi lắng tại các hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có hồ Suối Dầu (huyện Cam Lâm) và hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh).
Trong thời gian được cấp phép, khối lượng cần nạo vét của 2 hồ chứa này rất lớn, nhưng vì lý do chủ quan và khách quan, các đơn vị thi công chỉ nạo vét được khối lượng thấp hơn so với phương án được phê duyệt. Cụ thể, hồ Suối Dầu cần nạo vét trên 500.000m3 vật liệu bồi lắng, nhưng từ tháng 3-2021 đến tháng 3-2022, đơn vị thi công chỉ nạo vét được gần 195.000m3, trong đó có trên 100.000m3 cát, còn lại là bùn đất.
Đối với hồ Hoa Sơn, UBND tỉnh phê duyệt tổng khối lượng trên 73.600m3 vật liệu nạo vét, thời gian thực hiện từ tháng 2-2021 đến tháng 2-2023. Trong khoảng thời gian này, đơn vị thi công nạo vét được 17.103m3 cát, đạt 23,21% so với khối lượng được phê duyệt. Đến nay, các hồ chứa nước nêu trên đã dừng việc thi công nạo vét vật liệu bồi lắng do hết thời hạn cho phép thực hiện của UBND tỉnh.
Trong quá trình được giao vận hành, quản lý và khai thác công trình, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) nhận thấy 2 hồ chứa nước kể trên cần thiết phải tiếp tục nạo vét.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 2 hồ chứa nước đã bị bồi lắng với khối lượng lớn. Đó là hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) có tổng khối lượng đề xuất nạo vét trên 512.000m3, hồ Láng Nhớt (huyện Diên Khánh) cần nạo vét khoảng 180.000m3. Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép gia hạn nạo vét 2 hồ Suối Dầu, Hoa Sơn và nạo vét đối với hồ Láng Nhớt, Đá Bàn.
Sở NN-PTNT cho biết, đối với 2 hồ đang xin gia hạn nạo vét, trong hồ sơ phương án cần phải đánh giá được khối lượng, phạm vi, chiều sâu nạo vét đã thực hiện, từ đó đánh giá hiệu quả của việc thực hiện nạo vét thời gian qua. Đồng thời, đơn vị quản lý hồ chứa phải tổ chức rà soát, xác định cụ thể phạm vi, vị trí, khối lượng, chiều sâu nạo vét còn lại để đề xuất phương án thực hiện. Việc bổ sung phương án giám sát hoạt động nạo vét của đơn vị thi công cũng cần được đưa vào hồ sơ phương án.
Riêng đối với 2 hồ đang đề xuất thực hiện nạo vét, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án nạo vét vật liệu bồi lắng đối với hồ Láng Nhớt. Hiện nay, đơn vị thi công đang thực hiện các thủ tục xin cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để tiến hành nạo vét hồ chứa này. Đối với hồ Đá Bàn, UBND tỉnh cho phép chủ trương lập đề án nạo vét từ tháng 1-2023. Đến tháng 5-2023, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã hoàn tất phương án nạo vét. Sau khi lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan, đơn vị liên quan, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đang thực hiện chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện phương án nạo vét để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Tại cuộc họp mới đây, ôngTrần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất chủ trương cho phép thực hiện thủ tục gia hạn Đề án nạo vét, tận thu vật liệu bồi lắng tại hồ Suối Dầu và hồ Hoa Sơn, đồng thời triển khai thực hiện Đề án nạo vét tại hồ Láng Nhớt đã được phê duyệt.
Hoạt động nạo vét, ngoài đảm bảo các mục tiêu về phục hồi dung tích, đảm bảo an toàn hồ chứa nước, vật liệu cát nạo vét phải được tính toán phục vụ thi công dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh giao đơn vị chủ hồ, đơn vị được chủ hồ hợp đồng thi công nạo vét và đơn vị thi công cao tốc phải ký hợp đồng 3 bên về cung cấp cát xây dựng để thi công dự án cao tốc, trong nội dung hợp đồng phải thể hiện được nhu cầu sử dụng cát của đơn vị thi công cao tốc; thời gian thực hiện nạo vét không được quá thời gian thực hiện dự án cao tốc; giá bán cát không được cao hơn giá do Sở Xây dựng công bố và cam kết của các bên có liên quan về việc chỉ dùng cát qua nạo vét phục vụ duy nhất cho dự án cao tốc.
Đối với 2 hồ xin gia hạn, tỉnh giao Sở NN-PTNT làm việc, hướng dẫn Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khẩn trương kiểm tra, rà soát khối lượng còn lại cần nạo vét, xây dựng phương án gia hạn để thực hiện nạo vét theo quy định.
Hiện nay, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đang tập trung hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của tỉnh, gửi Sở NN-PTNT phương án gia hạn nạo vét hồ Suối Dầu, hồ Hoa Sơn và thẩm định phương án nạo vét đối với hồ Láng Nhớt, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Bình Phước: Khảo sát, làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế về công tác bảo vệ môi trường
Vừa qua, đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn, đã khảo sát tại Khu công nghiệp Đồng Xoài I và làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước về công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Hoa Lư.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Phước Nguyễn Minh Chiến cho biết, thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Ban Quản lý Khu kinh tế đã phối hợp với các ngành chức năng xử lý các doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện cơ cấu Ban Quản lý Khu Kinh tế chưa có bộ phận thanh tra và không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính, do đó Ban chỉ phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong công tác này còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp hiện nay còn chồng chéo. Mặc dù, Ban Quản lý Khu Kinh tế là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý về môi trường trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, là đầu mối phối hợp, nhưng thực tế một số cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế không có thành phần tham gia của Ban và khi có quyết định xử phạt cũng không gửi cho Ban. Điều này gây khó khăn cho Ban trong việc nắm bắt thông tin, tổng hợp số liệu về thanh tra, kiểm tra trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Để công tác bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện, đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao, Ban Quản lý Khu Kinh tế kiến nghị cần nghiên cứu ban hành Luật về khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, bổ sung quy định pháp luật về việc thành lập lực lượng thanh tra của các Ban Quản lý, trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cho Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Phước.
Đối với các vấn đề còn tồn đọng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương còn vướng mắc để có kiến nghị cụ thể; các ý kiến, kiến nghị sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị