Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/3/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/3/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo khẩn về ô nhiễm không khí
Những ngày qua, ô nhiễm không khí nghiêm trọng xuất hiện tại Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc với mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng có hại và rất có hại cho sức khỏe mọi người, cá biệt một số điểm đo lên ngưỡng nguy hại, mức nguy hiểm nhất trong ô nhiễm không khí với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Trước tình trạng này, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí, đồng thời báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thành phố chỉ đạo thực hiện tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn, công bố rộng rãi kết quả quan trắc để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cục cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn.
UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt ở trên địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.
Cục cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số
Ngày 2/3, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phối hợp cùng các đối tác quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số”.
Tham dự Hội thảo có ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; đại diện lãnh đạo các đơn vị trưc thuộc Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ tồ chức giới thiệu, công bố nhiều nội dung chuyên đề của các cơ quan, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế về tài nguyên nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên nước thời gian tới như: Công bố Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng- Thái Bình và lưu vực sông Cửu long.
Nhiều thảo luận về chính sách được đưa ra tại Hội thảo này như, Các định hướng lớn trong sửa đổi Luật tài nguyên nước; Tăng cường quan trắc, giám sát và bảo vệ nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào cộng đồng; Xây dựng hệ thống thông tin, điều hành tác nghiệp và chiến lược chuyển đổi số của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Chuyển đổi số trong chính sách quản lý tài nguyên nước; An ninh nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long; Quản trị tài nguyên nước thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, những kết quả nghiên cứu ban đầu cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Lai Châu: Động đất 4,4 độ richter tại Mường Tè gây rung lắc mạnh
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam cho biết, động đất xảy ra lúc 4h49′ sáng nay (giờ Hà Nội).
Trận động đất có cường độ 4,4 độ Richter, xảy ra tại tọa độ 22.534N – 102.672E, ở độ sâu 16km, thuộc địa phận huyện Mường Tè (Lai Châu). Cấp độ rủi ro thiên tai là 0. Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến trận động đất này.
Trao đổi thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND huyện Mường Tè cho biết, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra và chưa ghi nhận thiệt hại. Huyện cũng đang chỉ đạo các đơn vị thi công, quản lý thủy điện để kiểm tra các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.
Khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, đứt gãy Sông Mã – Tuần Giáo – Lai Châu. Khu vực này từng ghi nhận một số trận động đất có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có độ lớn 6,9 độ tại lòng chảo Điện Biên, trận động đất 6,7 độ xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo năm 1983, một trận động đất mạnh 5,3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001.
Hà Tĩnh: Học sinh trường Ischool trồng cây chống biến đổi khí hậu
Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong “Dự án chống biển đổi khí hậu” do Trường Hội nhập Quốc tế Ischool Hà Tĩnh phát động nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Ngay từ sáng sớm, các em học sinh đã hào hứng tham gia trồng cây tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Hoạt động này nhằm giúp các em hiểu hơn về việc trồng rừng, bảo vệ rừng nói riêng, bảo vệ môi trường thiên nhiên nói chung là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Tại hoạt động ngoại khóa, các em còn được cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang giới thiệu về lịch sử, địa lý và các loại động thực vật đang được bảo tồn tại đây.
Hà Tĩnh: Tái thả 43 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên
Sáng 2/3, Vườn Quốc gia Vũ Quang tiến hành tái thả 43 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
Trong đó, 17 cá thể thuộc nhóm IIB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, gồm: 2 cá thể khỉ đuôi lợn (tên khoa học là Macaca leonina); 4 cá thể khỉ vàng (tên khoa học là Macaca Mulatta); 8 cá thể rùa sa nhân (tên khoa học là Cuora mouhotii); 2 cá thể rùa đất sê – pôn (tên khoa học là Geoemyda tcheponensis); 1 cá thể rùa núi vàng (tên khoa học là Indotestudo elongata).
26 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc (tên khoa học là Cuora galbinifrons) – loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IB, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Thừa Thiên – Huế công bố hiện trạng rừng năm 2022
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành quyết định về việc công bố hiện trạng rừng của tỉnh năm 2022.
Theo đó, toàn tỉnh hiện có có 305.560,09 ha đất có rừng (gồm rừng tự nhiên 205.602,31 ha; rừng trồng đã thành rừng 77.148,32 ha; diện tích đã trồng chưa thành rừng 22.809,46 ha).
Diện tích rừng đủ tiêu chí để tính toán tỷ lệ che phủ rừng là 282.750,63 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đang đạt 57,15%.
Theo quyết định, số liệu hiện trạng rừng năm 2022 là cơ sở để xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, theo dõi diễn biến rừng năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế có trách nhiệm công khai và cung cấp thông tin hiện trạng rừng năm 2022 trên địa bàn; thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp; tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định.
TP. HCM tăng cường kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Nhằm thống nhất trình tự, cách thức thực hiện và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp giải quyết hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan nói trên cũng được giao tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn TPHCM theo thẩm quyền được phân cấp. Đặc biệt quan tâm công tác hậu kiểm việc chấp hành các kết luận kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định để đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật.
Ban hành kết luận kiểm tra doanh nghiệp sau khi kết thúc đoàn kiểm tra, để doanh nghiệp biết, thực hiện theo quy định và làm cơ sở để người dân, cơ quan chức năng giám sát.
Phối hợp giải quyết hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND TP theo chỉ đạo của UBND TP.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị